Sự thật câu chuyện Việt Nam sắp có người thứ hai bay vào vũ trụ
Tối 27/10, sau màn văn nghệ tại Royal City, Hà Nội, Trung tướng Phạm Tuân bước lên sân khấu, xướng lên cái tên Vũ Thanh Long. Trên khán đài, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Nhà tài trợ tuyên bố, Long sẽ là người Việt thứ 2 bay vào vũ trụ sau phi hành gia Phạm Tuân.
Tháng 12 tới, Long sẽ phải cạnh tranh cùng 112 ứng viên đến từ 60 nước khác tại Trại huấn luyện không gian Axe tại bang Florida, Mỹ để giành 1 trong số 22 suất “bay vào vụ trũ” vào đầu năm tới.
Bay vào vũ trụ?
Đó thực sự là một viễn cảnh hoành tráng. Để trở thành người được chọn, Thanh Long đã phải tranh tài với 20.000 thí sinh là người Việt Nam trên toàn thế giới dự tuyển, trải qua các vòng kiểm tra cực kỳ khắt khe về thể lực, sức khỏe, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh,…
Long sẽ phải cạnh tranh cùng 112 ứng viên đến từ 60 nước khác để giành 1 trong 22 suất “bay vào vụ trũ”
Tuy nhiên, nếu như bạn đang tưởng tượng việc lên vũ trụ đồng nghĩa với mặt trăng hay các vì sao, hãy nghĩ lại.
Đầu tiên, hãy thử suy nghĩ lại quan niệm của bạn thế nào là nhà du hành vũ trụ. Đó là những người làm việc nhiều ngày trong trạm không gian? Người đặt chân lên Mặt trăng? Tại Mỹ, người ta quan niệm đơn giản hơn: Vì bầu không khí không có ranh giới rõ ràng với vũ trụ nên những người có thể lên tới độ cao trên 50 dặm (80,5km) đều được xem là những nhà du hành vũ trụ.
Tàu vũ trụ Lynx Mark II sẽ lên độ cao tối đa 103km, nghĩa là vượt qua đường Cacman cách mặt đất 100km, vốn được Liên đoàn thể thao trên không (FAI) công nhận là ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và không gian. Chiểu theo định nghĩa ở trên, những người ngồi trên tàu chắc chắn sẽ được gọi là những nhà du hành vũ trụ.
Chiếu theo hình ở trên thì chiếc Lynx mới bay lên thượng tầng của khí quyển trái đất chứ chưa ra đến không gian vũ trụ
Điểm qua một chút về con tàu vũ trụ Lynx Mark II. Nhỏ gọn, được trang bị 1 hệ thống đẩy gồm 4 tên lửa, Lynx có thể cất cánh ở bất cứ đường băng nào có chiều dài trên 2.400m. Giá mỗi chiếc phi thuyền này từ 10 – 12 triệu USD. Lynx Mark II được công ty XCOR thiết kế với mục đích chính là thương mại hóa du lịch không gian. Mỗi vé trên tàu Mark II có giá 100.000 USD (~2,2 tỉ đồng).
Thời gian Vũ Thanh Long ở trạng thái không trọng lượng là 4 phút.
Trong trường hợp vượt qua các bài kiểm tra trong trại huấn luyện, Thanh Long sẽ cùng Lynx ở trên vũ trụ trong bao lâu?
Theo XCOR, tổng thời gian cho mỗi chuyến bay là 30 phút, còn thời gian Vũ Thanh Long ở trạng thái không trọng lượng là 4 phút.
Chiến dịch Marketing khổng lồ
Dù lên vũ trụ ngày nay không quá khó như trước, nhưng ước mơ được bay vào không gian vẫn là một điều gì đó quá xa xi với đa phần người tiêu dùng phổ thông. Trong lịch sử ngành quảng cáo, cũng chưa từng có nhãn hiệu nào dám đứng ra tổ chức một sự kiện tương tự như vậy.
Chi hàng chục triệu USD để quảng cáo trên Super Bowl (Chương trình thu hút nhiều người xem nhất của Mỹ, với giá từ 3,7 – 3,8 triệu USD cho mỗi 30 giây quảng cáo), Unilever, chủ sở hữu của Axe, rất kỳ vọng vào thành công của chiến dịch Axe Apolo Space Academy (AASA), cái tên đọc na ná như NASA.
Axe cho biết, chiến dịch Marketing này là chiến dịch tốn kém nhất cho thương hiệu Axe từ trước đến nay. Dù từ chối công bố con số chính thức, nhưng nếu so sánh với chiến dịch quảng cáo năm 2010 đã tiêu tốn hơn 92 triệu USD, có thể thấy mức chi cho chiến dịch này là rất lớn. Thậm chí, Axe còn mời Buzz Aldrin, phi hành gia cùng đặt chân lên Mặt Trăng với Neil Amstrong làm người phát ngôn cho chiến dịch này.
Quay trở lại Việt Nam, với thời gian ngắn ngủi trên không gian, có lẽ điều duy nhất mà Thanh Long có thể làm là ngắm nhìn Trái Đất (và biết đâu là Việt Nam) từ trên cao. Nếu so với nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân đã sống 1 tuần ngoài không gian và bay hết 142 vòng quỹ đạo Trái Đất, chuyến bay thương mại của Vũ Thành Long (nếu có) sẽ chỉ như một cuộc dạo chơi thoáng qua.
Theo Trần Dũng
CafeBiz.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?