Trong những năm gần đây, chất béo bắt đầu xuất hiện trở lại trên những chế độ ăn uống lành mạnh.
Trong quá khứ, hễ nhắc đến chất béo, chúng ta sẽ tưởng tượng ngay ra một "kẻ thù" của sức khỏe. Chất béo, như đúng cái tên sẽ làm bạn béo lên? Chất béo cũng là nguyên nhân gây bệnh tim mạch?
Sự thật hóa ra không phải như những gì bạn từng biết. Trong những năm gần đây, chất béo bắt đầu xuất hiện trở lại trên những chế độ ăn uống lành mạnh. Lý do bởi nghiên cứu khoa học đã khám phá ra nhiều niềm tin sai lầm về chất béo mà chúng ta thường có.
Dưới đây là sự thật về 6 quan niệm phổ biến nhất về chất béo, nhưng tới giờ đã không còn đúng nữa:
1. Ăn chất béo khiến bạn béo
Sự thật: Chất béo thực sự có thể khiến bạn no và ăn ít hơn.
“Có một sự thật rằng mỗi gam chất béo chứa nhiều calo gấp hơn 2 lần so với carbohydrate và protein, nhưng nếu biết ăn đúng cách thì bạn sẽ có chế độ ăn cân đối và không làm bạn bị béo”, chuyên gia dinh dưỡng Michelle Babb cho biết. Chất béo tiêu hóa chậm hơn so với carbohydrate và kích thích cơ thể tiết ra các hooc-môn gây cảm giác no, giúp bạn không bị ăn quá nhiều.
Trên thực tế, đã có một nghiên cứu tiến hành trên 2 nhóm người và cho kết quả là nhóm thực hiện chế độ ăn có lượng chất béo ở mức vừa phải giảm được 1,8kg trong 18 tháng còn nhóm ăn chế độ ít chất béo lại tăng 1,2kg. Hơn thế nữa, chất béo còn đóng vai trò tích cực trong cơ thể, từ sản xuất hooc-môn đến tối ưu hóa chức năng của não bộ, thậm chí còn là dung môi giúp một số chất dinh dưỡng có thể hấp thu được vào cơ thể.
2. Chất béo bão hòa làm dày động mạch và là nguyên nhân gây bệnh tim
Sự thật: Nghiên cứu hiện nay đang thách thức các quan điểm trước đây cho rằng ăn bơ và thịt đỏ dẫn đến những cơn đau tim.
Trong nhiều thập kỷ, chúng ta được cho biết rằng các chất béo bão hòa có trong bơ, pho mát, thịt đỏ có thể gây tắc nghẽn động mạch và gây ra những cơn đau tim. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên tạp chí Annals of Internal Medicine (một tạp chí khoa học về chuyên ngành nội khoa) cho thấy không có mối liên hệ nào giữa việc ăn chất béo bão hòa và gia tăng nguy cơ đau tim.
Thậm chí còn có một nghiên cứu cho thấy hàm lượng cao chất béo bão hòa có liên quan đến giảm nguy cơ bệnh tim. Các chuyên gia không nói một cách chính xác rằng chất béo bão hòa là tốt cho sức khỏe, nhưng nó không phải là một nguyên nhân để đổ lỗi. Tóm lại: sự điều độ là điều quan trọng nhất.
3. Bơ là xấu
Sự thật: Một ít bơ sẽ không gây tổn hại cho bạn.
Sau một thời gian dài bị "kỳ thị", cuối cùng bơ cũng có được sự công nhận. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition (một tạp chí khoa học về Dinh dưỡng lâm sàng của Hoa Kỳ) phát hiện ra rằng chế độ ăn uống lành mạnh có thể có một lượng bơ vừa phải. Nhưng điều này không phải là “giấy phép” để bạn dùng bơ với cà phê mỗi ngày, phết nó lên bánh mỳ và phủ lên rau để có được màu vàng hấp dẫn. “Đừng lạm dụng điều đó”, Babb cảnh báo.
4. Ăn trứng giàu cholesterol sẽ làm tăng mức cholesterol trong máu
Sự thật: Việc bạn ăn ít hay nhiều cholesterol có liên quan ít hoặc thậm chí không liên quan đến lượng cholesterol trong máu.
Hướng dẫn chế độ ăn của Hoa Kỳ gần đây đã hạ mức khuyến nghị đối với việc hạn chế cholesterol. Hãy cứ ăn trứng! Cholesterol trong máu được sản xuất bởi gan. Còn cholesterol bạn ăn ít có tác động đến mức độ của nó trong máu. Vì vậy, hãy bỏ những chế phẩm từ trứng như Egg Beaters và ăn những quả trứng thật. "Đó là một nguồn protein dồi dào, một trong những nguồn cholin (chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến chức năng nhận thức và trí nhớ) từ thực phẩm tốt nhất" Babb cho biết thêm.
5. Thịt đỏ không phải một phần của chế độ ăn uống khỏe mạnh
Sự thật: Thịt đã qua xử lý như ướp muối, lưu hóa, lên men, xông khói hoặc các quá trình khác để tăng hương vị hoặc cải thiện thời gian bảo quản thường không tốt. Nhưng điều này không đúng với thịt tươi, chưa qua chế biến sẵn.
Bạn có thể ăn burger nhưng hãy bỏ đi miếng thịt xông khói. Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Warsaw phát hiện ra rằng những người ăn thịt đã qua xử lý có gấp đôi nguy cơ chết vì suy tim so với những người ăn ít hơn. Bên cạnh đó, những người ăn thịt không qua xử lý không có dấu hiệu gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
6. Chỉ sử dụng dầu ô liu
Sự thật: Chúng ta cần đa dạng các loại chất béo trong chế độ ăn.
Dầu ô liu là một chất béo không bão hòa đơn tốt cho tim mạch với nhiều lợi ích sức khỏe. Nhưng giới hạn mình vào một loại chất béo cũng giống như bạn chỉ ăn một loại rau vậy. “Nên ăn đa dạng các nguồn chất béo khác nhau như các loại dầu, các loại hạt, quả bơ, cá hồi sẽ giúp cung cấp đa dạng các loại axit béo thiết yếu cùng các phytosterol khác nhau, giúp bảo vệ chúng ta chống lại bệnh tật”, Babb nói.
Bạn chỉ cần loại bỏ các chất béo đồng phân trans, thường được ghi trên nhãn mác thực phẩm dưới dạng các loại dầu được hydro hóa một phần (như bơ thực vật, bánh ngọt, bột kem cà phê). Những loại này có thể gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Tham khảo Prevention
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"