Sự thật về 'kẻ tội đồ' trong thảm hoạ nguyên tử Chernobyl

    Thu Hằng, Theo Báo Tin Tức 

    Có nhiều quan điểm trái ngược về tính cách của Anatoly Dyatlov, nhưng có một điều đã được chính thức thừa nhận rằng các khiếm khuyết của Nhà máy điện hạt nhân đã dẫn đến thảm kịch chứ không phải hoàn toàn do lỗi của "kẻ tội đồ" Dyatlov.

    Phó kỹ sư trưởng của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là người chịu trách nhiệm kiểm soát lò phản ứng vào đêm định mệnh 26/4/1986. Nhưng chân dung của ông có thực sự được phác hoạ đúng không trong bộ phim mới phát hành của kênh HBO (Mỹ)? Thật khó để trả lời mà không nghe câu chuyện và tìm hiểu về tấn bi kịch ập đến cuộc đời ông.

    Một người đàn ông khó gần, độc đoán và bất cẩn, cố tình nhắm mắt làm ngơ trước thực tế - đó là hình ảnh của Anatoly Dyatlov xuất hiện trong loạt phim truyền hình về thảm kịch hạt nhân Chernobyl của kênh HBO. Ông chửi thề, la hét, sỉ vả cấp dưới và bỏ bê mọi thủ tục an toàn, cuối cùng dẫn đến vụ nổ lò phản ứng hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới. Một bản báo cáo năm 2005 do Hội nghị Chernobyl, được tổ chức bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng có 56 người chết ngay lập tức và ước tính có khoảng 9.000 người, trong số gần 6.6 triệu người bị ảnh hưởng, cuối cùng đã chết vì một loại bệnh ung thư nào đó. Riêng tổ chức Hoà bình Xanh ước tính tổng số người chết là 93.000.

    Sự thật về kẻ tội đồ trong thảm hoạ nguyên tử Chernobyl - Ảnh 1.

    Ông Anatoly Dyatlov ngoài đời và trong phim của HBO. Ảnh: RBTH

    Là một trong những nhân vật bị ghét nhất trong phim, nhưng sự thật thì Dyatlov có phải là người kinh khủng như được miêu tả không? Ông ta xuất thân ra sao và chuyện gì đã xảy ra với Dyatlov sau khi bị kết án tù?

    Chuyên gia hạt nhân khó tính, khó ưa

    Sinh năm 1931 tại ngôi làng nhỏ Atamanovo thuộc vùng Krasn Krasnoyarsk của Nga, chàng thiếu niên Anatoly vừa kết thúc 7 năm học. Năm 1945, cậu đăng ký vào khoa kỹ thuật điện của Trường Kỹ thuật Khai thác mỏ và Luyện kim Norilsk, rồi tốt nghiệp 5 năm sau đó với bằng cử nhân danh dự. Sau 3 năm làm việc tại Norilsk, Dyatlov được nhận vào Học viện Vật lý Kỹ thuật Moskva, nơi anh tiếp tục nhận bằng kỹ sư vật lý chuyên ngành tự động hóa và điện tử, cũng với bằng danh dự.

    Sự thật về kẻ tội đồ trong thảm hoạ nguyên tử Chernobyl - Ảnh 2.

    Kỹ sư Dyatlov trong phim của HBO. Ảnh: RBTH

    Dyatlov được sắp xếp một vị trí tại xưởng đóng tàu ở Komsomolsk-on-Amur, nơi anh làm việc trong phòng thí nghiệm mật số 23, chuyên về trang bị cho tàu ngầm hạt nhân các lò phản ứng hạt nhân.

    Năm 1973, vì lý do gia đình, Dyatlov được chuyển đến Nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng ở Chernobyl (thuộc Ukraine) và làm việc ở đó trong 13 năm – leo lên các vị trí từ phó phòng phản ứng sang phó kỹ sư trưởng và nhận hai giải thưởng Nhà nước (Huân chương Huy hiệu Danh dự và Huân chương Biểu ngữ Đỏ Lao động).

    Như những người từng làm việc với ông nhớ lại, Dyatlov là một chuyên gia có năng lực, nhưng thường quá khó tính và khắt khe. Trong khi một số người nhớ đến ông như một người không công bằng, bướng bỉnh, chậm chạp và dễ mâu thuẫn với người khác, thì số khác lại nhận xét rằng Dyatlov là một người có trách nhiệm, nguyên tắc, trung thực và tận tụy.

    “Lúc đó, Dyatlov không say mê công việc, mặc dù anh ta hành động như một ông sếp nghiêm khắc và đòi hỏi”, ông Raz Razim Davletbayev, một cựu nhân viên tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nhớ lại. "Các nhà quản lý của nhà máy không tôn trọng ông ấy. Dyatlov thường từ chối tất cả các đề xuất và yêu cầu đòi hỏi ông ta nỗ lực". Nhưng một người khác là Anatoly Kryat, thanh tra viên về an toàn hạt nhân của Ukraine lại nhớ rằng: “Ông ấy có thể thông cảm nếu các nhân viên mắc lỗi vì những lý do có thể giải thích được, nhưng hoàn toàn không thể chịu đựng được sự bất cẩn, bất tài và bỏ bê nhiệm vụ của họ”.

    Trong cuốn sách của riêng mình, "Chernobyl: Chuyện đã xảy ra như thế nào”, chính Dyatlov đã lập luận rằng ông không phải là ông sếp tồi tệ nhất. “Tôi không bao giờ tìm cách để được cấp dưới yêu mến. Tôi nghĩ rằng mình có đủ năng lực và công bằng để đảm bảo các mối quan hệ làm việc bình thường. Trong mọi trường hợp, không ai trong số các nhân viên của tôi từng nghỉ việc vì không thể làm việc với tôi. Đôi khi tôi có thể quá khó khăn, nhưng chỉ có vậy”, Dyatlov viết.

    Cuộc thử nghiệm chết chóc

    Theo trang RBTH (Nga), vào ngày xảy ra thảm kịch, công việc vẫn diễn ra như thường lệ và hoàn toàn bất ngờ đối với các nhân viên khi họ nghe thấy một vụ nổ. Trong nỗ lực hoàn thành một thử nghiệm theo lịch trình (vốn đã thử không thành công một vài lần), các nhà vận hành đã thử tắt lò phản ứng số 4, nhưng nhiệt bên trong lò phản ứng đã tăng lên đáng kể. Họ ấn nút khẩn cấp để dừng lò phản ứng, nhưng nó bất ngờ phát nổ. “Đó là một thảm họa hoàn toàn có thể xảy ra trong một lò phản ứng năng lượng”, ông Dyatlov nhớ lại trong cuốn sách của mình.

    Sự thật về kẻ tội đồ trong thảm hoạ nguyên tử Chernobyl - Ảnh 3.

    Đống hoang tàn chết chóc tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

    Ban đầu không tin rằng lò phản ứng đã phát nổ, Dyatlov đã ra lệnh bơm nước vào lò phản ứng để làm mát, rồi trong trong tâm trạng bị sốc, ông đã cử hai nhân viên trực tiếp hạ các thanh điều khiển bằng tay - một quyết định mà Dyatlov sau đó thừa nhận là vô lý.  Theo các dữ liệu khác về đêm bi kịch, Dyatlov đã hành động một cách lo lắng, liên tục la mắng cấp dưới và không muốn tin rằng một vụ nổ đã xảy ra trong lò phản ứng.

    Về phần mình, Anatoly Dyatlov đã viết trong cuốn sách của ông: "Trước 01h:23:40, những hệ thống kiểm soát trung tâm không ghi nhận bất kỳ thay đổi thông số nào cho thấy cần thiết phải sử dụng SCRAM (một thiết bị ngắt của lò phản ứng, đưa toàn bộ các thanh điều khiển, gồm cả các thanh điều khiển vận hành thủ công vốn đã được rút ra một cách khinh suất từ trước, vào trong lò phản ứng). Không cần thiết phải biết được lý do đó. Lò phản ứng đơn giản là được ngắt khi thực nghiệm đã hoàn thành".

    Vì tốc độ chậm chạp của cơ cấu đưa thanh điều khiển vào trong (mất 18–20 giây để hoàn thành), những đầu rỗng của các thanh cũng như sự chiếm chỗ tạm thời của nước làm mát, SCRAM làm cho mức độ phản ứng tăng lên. Năng lượng được sản xuất ra tăng lên gây ra biến dạng đường dẫn thanh điều khiển. Các thanh điều khiển bị tắc lại sau khi mới chỉ được đưa vào trong một phần ba, và vì thế không thể dừng phản ứng lại được. Lúc 1:23:45 lò phản ứng nhảy lên mức 30 GW, gấp mười lần công suất hoạt động thông thường. Các thanh nhiên liệu bắt đầu chảy ra và áp lực hơi nhanh chóng tăng lên gây ra một vụ nổ hơi lớn, làm bắn tung và phá huỷ nắp lò phản ứng, làm vỡ các ống dẫn nước làm mát và sau đó thổi bay một mảng trần.

    Chất ô nhiễm phóng xạ thoát ra ngoài không khí sau khi vụ nổ thổi bay lớp vỏ đầu tiên. Sau đó, một phần mái sụp xuống, ôxy tràn vào - cộng với nhiệt độ cực cao của nhiên liệu lò phản ứng và graphit của bộ phận điều tiết - đã gây cháy graphit. Đám cháy này góp phần lớn vào sự lan tràn nhiên liệu phóng xạ và các nguyên tố gây ô nhiễm ra các vùng xung quanh.

    Sự thật về kẻ tội đồ trong thảm hoạ nguyên tử Chernobyl - Ảnh 4.

    Các chuyên gia kiểm tra hàm lượng phóng xạ tại khu vực Nhà máy Chernobyl. Ảnh: The Irish Times

    Nhà tù và bệnh tật

    Sau vụ nổ, Dyatlov có những dấu hiệu đầu tiên phơi nhiễm phóng xạ, ông liên tục ói mửa và được đưa đến bệnh viện ở Moskva. Vào đêm định mệnh đó, ông đã tiếp xúc với bức xạ lên tới 390 REM và sau này phải tập đi lần thứ hai trong đời khi các vết thương phóng xạ trên chân đã lành.

    Cùng với những người khác chịu trách nhiệm về thảm họa (Giám đốc Brukhanov và kỹ sư trưởng của nhà máy, Nikolay Fomin), Dyatlov phải ra tòa và lãnh án 10 năm tù dù đang bị bệnh.

    Dyatlov khẳng định ông đã kiểm tra từng bước thực hiện tối hôm đó và hoàn toàn chắc chắn rằng trách nhiệm của ông trong thảm kịch chỉ là một phần. "Các lò phản ứng đã không tuân thủ hơn 30 yêu cầu thiết kế tiêu chuẩn - quá đủ cho một vụ nổ. Để giải thích thảm kịch theo một cách khác: trước khi biện pháp bảo vệ được dỡ bỏ, lò phản ứng đã đạt đến trạng thái giống như bom hạt nhân và không có tín hiệu báo động. Làm thế nào các nhân viên có thể nhận ra trạng thái đó - qua khứu giác hay xúc giác?", ông lập luận trong cuốn sách của mình. "Trước khi nói về lỗi của nhân viên, hãy nghĩ về điều đó - lò phản ứng đã được kích nổ bởi chính hệ thống khẩn cấp của nó".

    Mặc dù ốm yếu và tàn tật, Dyatlov vẫn phải ngồi tù, ban đầu ở Kiev và sau đó là ở vùng Poltava, đều thuộc Ukraine. Sau 4 năm và những lá thư xin ân xá liên tục, bao gồm nhiều thư từ nhà vật lý hạt nhân người Nga Andrei Sakharov và vợ Dyatlov, năm 1990, ông đã được trả tự do vì sức khỏe yếu. Dyatlov trải qua điều trị y tế ở Đức, nhưng đã chịu đựng rất nhiều đau đớn và qua đời vào năm 1995 vì suy tim do phóng xạ.

    Sự thật về kẻ tội đồ trong thảm hoạ nguyên tử Chernobyl - Ảnh 5.

    Từ trái qua, Giám đốc của NPP Viktor Brukhanov, Anatoly Dyatlov, và kỹ sư trưởng Nikolay Fomin tại toà án. Ảnh: Reuters

    Cho đến trước khi qua đời, Dyatlov vẫn tiếp tục đổ lỗi thảm kịch cho các lỗi thiết kế và lập luận rằng Liên Xô không thể nhận trách nhiệm về việc này và do đó, đổ lỗi cho những người phải làm việc trên thiết bị bị lỗi. Để chứng minh quan điểm của mình, ông đã thực hiện một cuộc phỏng vấn vào năm 1994 và viết một cuốn sách bằng tiếng Nga.

    Từ đó đến nay có nhiều quan điểm trái ngược về tính cách của Dyatlov, tùy thuộc vào cách mà từng cá nhân muốn nhớ về ông. Nhưng có một điều đã được chính thức thừa nhận sau này rằng các khiếm khuyết của Nhà máy Chernobyl đã đóng vai trò và thảm kịch không chỉ là do lỗi của Dyatlov.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ