Sự trỗi dậy của những chiếc smartphone đầu bảng giá chỉ 400 đô
Kỷ nguyên Android đầu tiên có lẽ đã khép lại với nỗi thất vọng mang tên Galaxy S5. Và rồi, đến Apple cũng ra mắt smartphone giá 400 USD.
Nếu hỏi phần lớn người dùng smartphone của 2 năm trước rằng smartphone đầu bảng ở phân khúc giá bao nhiêu thì phần lớn đều có thể trả lời "600 – 700 USD", bất kể là họ đã bỏ ra đầy đủ khoản tiền này để "mua đứt" smartphone hay "rải" trong các bản hợp đồng 2 năm hấp dẫn của các nhà mạng. Đến nay, điều này không còn chính xác nữa. Những chiếc smartphone mang danh "sát thủ đầu bảng" ("flagship killer") đã trỗi dậy, đẩy cấu hình tầm cao xuống mức giá chưa đầy 400 USD.
Chúng ta đang nói về những thiết bị như Xiaomi Mi 5 (305 USD), Nexus 4, Nexus 5, Nexus 5X (300-380 USD), Moto X (400 USD) hay OnePlus 1 và OnePlus 2 (329 USD). Tại thời điểm ra mắt, chúng đều được trang bị những dòng vi xử lý vốn chỉ có mặt trên smartphone đầu bảng. Chúng có màn hình độ phân giải cao và cũng thường đi kèm camera độ phân giải "khủng" và các tính năng cao cấp khác. Nếu chỉ tập trung vào cấu hình và không chú ý tới chất lượng chế tác hay những công nghệ đột phá như VR và module, bạn sẽ khó lòng nhận ra sự khác biệt giữa "sát thủ đầu bảng" và đầu bảng thực thụ.
Và đối tượng người dùng của smartphone 400 đô cũng chẳng mấy để ý tới những tính năng phụ trợ hấp dẫn nhất. Với họ, Snapdragon và 3GB RAM đã là quá đủ.
Phá giá cấu hình
Hãy thử nghĩ đến những chiếc smartphone đầu bảng trị giá 700 USD từ Samsung và LG. Các mẫu đầu bảng của 2 hãng này được trang bị vô số tính năng có lẽ là chẳng mấy khi hữu dụng với người dùng. Song, khi người tiêu dùng càng ngày càng lười nâng cấp điện thoại, Samsung, LG hay bất cứ nhà sản xuất nào khác ở phân khúc tầm cao đều phải tung toàn bộ những gì mình có lên sản phẩm đầu bảng.
Nhìn từ khía cạnh này, Samsung vẫn là vua Android. Ví dụ, chiếc Galaxy S7 edge có màn hình AMOLED cong, có cảm biến nhịp tim, có khả năng chống nước, có tích hợp dịch vụ chi trả di động Samsung Pay và cũng có màn hình đạt độ nét… trên 500PPI. Thậm chí, kết hợp cùng Gear VR, Galaxy S7 edge sẽ trở thành một thiết bị trình diễn thực tại ảo chất lượng cao.
LG cũng không hề kém cạnh. Mẫu G5 mới ra mắt có tới 2 cảm biến camera ở mặt sau. G5 cũng thu hút sự chú ý mạnh mẽ nhờ khả năng mở rộng qua các module.
Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy một điểm khác biệt rất lớn giữa sự kiện ra mắt của Galaxy S7 edge, LG G5 so với những buổi lễ ra mắt smartphone Xiaomi hay Nexus (dĩ nhiên là bên cạnh các tính năng hào nhoáng): Samsung và LG thường sẽ bỏ qua yếu tố giá thành của sản phẩm. Ngay cả thông cáo báo chí sau đó cũng thường đi kèm câu "Giá bán chính thức sẽ được công bố sau". Thông điệp ở đây tới khách hàng là rất rõ ràng: "Chúng tôi hiểu bạn cần những chiếc smartphone mạnh mẽ nhất, tân tiến nhất. Đừng để ý tới giá bán làm gì cả".
Còn tại những buổi lễ ra mắt smartphone "đầu bảng" của Xiaomi thì sao? Giá bán luôn được công bố. Con số giá thành ở đây không chỉ là một thông tin cung cấp tới người dùng mà còn là một yếu tố quan trọng của chiếc smartphone bán ra.
Google Nexus có lẽ là dòng Android đầu tiên khai phá phân khúc "sát thủ đầu bảng". Năm 2012, mẫu Galaxy Nexus (do Samsung sản xuất) được bán trực tiếp trên Play Store với giá chỉ 400 USD, không đi kèm hợp đồng. Kể từ đó, gần như năm nào Google cũng có một mẫu Nexus bán ra với giá chỉ 300 đến 400 USD. Nhờ khả năng cập nhật phần mềm nhanh chóng, những chiếc smartphone Nexus nhanh chóng nhận được cảm tình từ các tín đồ của Android.
Trong suốt một thời gian dài, người ta đã đồn thổi rằng Google phải trợ giá thì Nexus mới rẻ đến như vậy. Nhưng đến bây giờ thì rất nhiều nhà sản xuất khác đã học theo gã khổng lồ này và cho xuất xưởng những chiếc smartphone cấu hình cao và giá rất thấp.
Dĩ nhiên là các nhà sản xuất phải cắt giảm chi phí khi sản xuất các mẫu đầu bảng giá rẻ, nhưng họ cần làm điều đó một cách khéo léo để người dùng không để ý, hoặc thậm chí là không nhận ra từ đầu. Các tính năng đột phá như của Samsung và LG thường vắng mặt, tiếp đó là thời lượng pin hay chất lượng camera. Độ phân giải cũng sẽ dừng ở mức 1080p, nhưng vẫn là đủ sắc nét cho mắt người và thậm chí còn cao hơn iPhone. Khôn ngoan hơn, những chiếc điện thoại này sẽ bao gồm các tính năng được nhiều người chú ý tới, ví dụ như cảm biến vân tay hoặc cổng USB-C.
Do đầu bảng giá rẻ thường mang đến sức mạnh xử lý ngang ngửa với đầu bảng thực thụ, chúng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh số của dòng 600-700 USD. Bởi vậy mà chỉ các nhà sản xuất thuộc dạng "không có gì để mất" mới tham gia vào phân khúc này. Xiaomi và OnePlus có tuổi đời còn non nớt so với Samsung, ngay cả Huawei muốn tham gia cũng tạo lập hẳn một thương hiệu mới (Honor) và cùng lúc bán ra những chiếc đầu bảng có camera kép và chip lõi 8 tự thiết kế. Các nhà sản xuất Nexus trong những năm gần đây cũng chủ yếu là những tên tuổi gặp khó khăn như Motorola, HTC hoặc khát khao tạo lập chỗ đứng như LG và Huawei. Hãy nhớ rằng khi LG bắt đầu sản xuất Nexus vào năm 2012, dòng G của hãng vẫn chưa được coi là một tên tuổi cùng đẳng cấp với Samsung Galaxy hay Sony Xperia.
Các thị trường mới nổi và xu hướng mới tại thị trường cũ
Khi các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật và Châu Âu đều đã bão hòa, các thị trường "mới nổi" như Trung Quốc và Ấn Độ lại vươn lên trở thành chìa khóa cho sự thống trị của các ông lớn smartphone. Tại 2 quốc gia có 2,6 tỷ dân này, và cả tại các quốc gia đông dân như Indonesia và Brazil, cơn khát công nghệ đang đạt tới mức bất cứ ai cũng muốn có smartphone. Và đặc điểm quan trọng nhất của những thị trường khổng lồ này là ở chỗ người dùng rất chú ý tới yếu tố giá cả.
Bởi vậy, với các nhà sản xuất smartphone, chìa khóa chinh phục các thị trường mới nhất, mang ý nghĩa quyết định nhất cũng chỉ gói gọn trong giá cả.
Theo số lượng của IDC, Xiaomi là nhà sản xuất được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc trong năm 2015. Giá bán trang bị của những chiếc điện thoại "Hạt gạo nhỏ" tại đây chỉ là 141 USD, tức khoảng 3 triệu đồng. Vị trí thứ 2 thuộc về gã khổng lồ Huawei. Giá bán trung bình của Huawei cũng chỉ là 213 USD, khoảng 4,7 triệu đồng.
Ở vị trí thứ 3 là một tên tuổi khá đặc biệt: Apple. Giá bán trang bị của iPhone tại Trung Quốc lên tới 718 USD, tức cao gấp 3 lần giá trung bình của Huawei và 4,5 lần Xiaomi. Nhưng iPhone là dòng smartphone duy nhất chạy iOS và Apple cũng là thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới. Chiếc điện thoại gắn mác Táo có lợi thế khác biệt hẳn so với những nhà sản xuất khác, vốn đều chạy theo Android.
Những thị trường lớn cũng đã bắt đầu chuyển mình. Các bản hợp đồng 2 năm đi kèm với các khoản chiết khấu lớn đang dần dần bị các nhà mạng khai tử để nhường chỗ cho hình thức trả góp hàng tháng hoặc trả đầy đủ giá sản phẩm. Các bản hợp đồng dài hạn thực chất sẽ không mang lại lợi ích kinh tế cho người tiêu dùng, nhưng ít nhất chúng sẽ khiến họ bớt ấn tượng về khoản giá quá cao (600-700 USD) được các nhà sản xuất đặt ra cho sản phẩm đầu bảng. Khi các bản hợp đồng này chìm vào dĩ vãng, người dùng Mỹ và châu Âu sẽ phải "học" cách chấp nhận giá bán thực của những chiếc smartphone.
Ví dụ, tại Mỹ, chiếc iPhone SE đang được bán ra với giá 400 USD hoặc trả góp 16,6 USD trong vòng 24 tháng. Trước đó, những chiếc iPhone cấp thấp như SE sẽ được bán ra dưới hình thức "miễn phí khi đi kèm hợp đồng 2 năm". Nghe hấp dẫn hơn hẳn.
Dĩ nhiên, xu thé này mới chỉ vừa mới bắt đầu tại các nước phát triển, do đó trong phần lớn các trường hợp người tiêu dùng tại đây vẫn chưa thay đổi thói quen mua sắm của mình. Nhưng cuối cùng thì kể cả với các bản hợp đồng dài hạn, họ vẫn sẽ phải trả khoản tiền tương ứng với đầy đủ giá trị của chiếc điện thoại cho nhà mạng. Sớm hay muộn, mức giá thật sự của những chiếc smartphone sẽ là yếu tố cần được lưu ý nhất khi bỏ tiền mua smartphone.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming