Sức hút của “thanh niên” 60 tuổi Trương Gia Bình

    TS Nguyễn Mạnh Hùng, Theo Trí Thức Trẻ 

    “Tôi không định viết về anh Trương Gia Bình, nhưng sau khi bài viết mới đây nhất của tôi có nhắc đến chuyện FPT chọn 13 là ngày xấu nhất làm ngày thành lập công ty, có người đề nghị tôi viết về anh Bình và FPT”, TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books.

    Định mệnh "số 13" của FPT

    FPT ra đời ngày 13/9/1988, với 13 thành viên đầu tiên. Chi nhánh lớn nhất của FPT đặt tại TP HCM cũng ra đời ngày 13. Sau này, nhiều công ty con, nhiều chi nhánh khác của tập đoàn cũng có chung ngày sinh nhật 13.

    Tôi còn nhớ như in rằng cổ phiếu FPT lên sàn chứng khoán lần đầu tiên cũng vào ngày 13 (tháng 12 năm 2006). Mới đây nhất, cách đây 3 tháng, thứ 6 ngày 13 (tháng 1), công ty CP Viễn thông FPT và Công ty CP chứng khoán FPT cũng đã lên sàn, lại vẫn là ngày 13. Và có lẽ sẽ còn nhiều con số 13 nữa xuất hiện ở FPT và gắn với anh Trương Gia Bình .

    Đấy toàn số 13 và vẫn ngon lành, ít nhất là về tài chính và nhân sự. Anh Trương Gia Bình sáng lập ra FPT (mà theo tôi được biết) từ con số không tròn trĩnh, nhưng đến năm 2016, doanh thu đã 40.545 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế là 3.014 tỷ đồng.

    FPT từ 13 thành viên ban đầu, đến nay đã có 28.397 nhân viên và có mặt tại 21 quốc gia. Anh đã đưa khoảng 200 cộng sự từ tay trắng trở thành triệu phú tiền đô. Thật là tuyệt hơn mức tưởng tượng.

    Anh hay nói đi nói lại một vấn đề, một ý tưởng nhiều lần. Theo cách tôi hiểu là anh muốn quán triệt. Tôi nghe anh thuyết trình không biết bao nhiêu lần về bộ gen FPT, về tính sáng tạo và kỷ luật. Có ai đó nghĩ rằng nghe anh nói đến nhàm và chán, nhưng tôi vẫn thích nghe. Tôi mê cách nói say sưa của anh, cách nói hút hồn, sự chân tình của anh. Anh nói bằng nhiệt huyết và đam mê đến kỳ lạ. Có lẽ đấy là bí quyết thành công của anh và FPT.

    Anh Bình luôn có lửa. Lửa hình như cháy từ trong tim anh ra. Năm 1995 khi tôi mới vào FPT lửa của anh thế nào thì bây giờ hình như vẫn thế. Anh Bình năm nay đã hơn 60 tuổi mà giọng anh vẫn oang oang, phong cách vẫn rất trẻ trung. Sức hút của "thanh niên" tuổi 60 vẫn mạnh lắm.

    Người đàn ông ấy cũng có tầm nhìn rất xa, tin vào những gì mình nói. Thời điểm trước năm 2000, anh tuyên bố FPT sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD năm 2008. Lúc ấy, ngoài mặt thì tôi vỗ tay, nhưng nói thật là trong bụng vẫn nghĩ "ông anh mình viển vông quá!". Ấy thế mà thành sự thật.

    Trong một chương trình lớn, các thành viên cốt cán có những bài viết về tại sao FPT lại thành công đến vậy. Anh Hoàng Minh Châu, Phó TGĐ phụ trách phía Nam cho rằng: "Là do tất cả chúng tôi tin vào anh Bình một cách mù quáng".

    Tôi biết đây là cách nói đùa dí dỏm của anh Hoàng Minh Châu, nhưng quả thật vì tất cả chúng tôi tin vào tầm nhìn và khát vọng của anh Bình mà rất nhiều thành công đã đến đúng hẹn.

    Những lần gặp anh Bình gần đây nhất, tôi toàn nghe anh nói về 4.0. Anh đặt mua sách 4.0 bản tiếng Anh về, ghi những nhắn nhủ vào đó, gửi đến tận tay tôi, bảo tôi phải đọc, phải xuất bản, phải tuyên truyền 4.0 để các doanh nhân Việt Nam, để mỗi người dân Việt phải hiểu và tận dụng ngay. Anh viết trong lời đề tặng tôi sách "Mong em phổ cập với hy vọng Việt Nam không bỏ lỡ lần này như đã từng bỏ lỡ 3 lần trước".

    Anh bảo tôi rằng, cuộc cách mạng 4.0 này không phải cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người. Anh tâm sự, có thể có những nhóm rất bé, chỉ vài người thôi nhưng có thể thay đổi tương lai của nhiều ngành kinh tế.

     Ông Hoàng Minh Châu

    Ông Hoàng Minh Châu

    Cách chủ tịch FPT thu phục người tài

    Anh Bình đọc rất nhiều sách, chủ yếu là tiếng Anh. Văn hóa của FPT dường như là đọc sách, cả anh Tiến, anh Ngọc, anh Châu, anh Tống Hưng, anh Nam, anh Bảo, chị Thanh… cũng đọc rất nhiều, mà đọc siêu tốc. Rất nhiều triết lý được ứng dụng vào FPT là lấy từ sách.

    Từ khi tôi nghỉ FPT để lập ra Thái Hà Books, anh Bình thường xuyên chọn sách giúp tôi. Ví dụ cuốn "Nhân sinh duy tân" của tác giả Yoshitaka Kitao - người đứng đầu một tập đoàn tài chính lớn tại Nhật Bản – là anh Bình chọn rồi nhắc tôi liên tục, rằng phải xuất bản cuốn này. Anh cho cả trợ lý nhắc tôi. Sách ra xong anh mua ngay lập tức 1 ngàn cuốn để tặng lãnh đạo tập đoàn.

    Hay như bộ "Tứ thư lãnh đạo" gồm 4 cuốn, anh cũng tự tay viết lời giới thiệu. Rồi 2 cuốn "Phụng sự để dẫn đầu" và "Lãnh đạo bằng trí óc, trái tim và khí phách" nữa. Trong số 9 cuốn sách mà tôi là tác giả và chủ biên, có 1 cuốn anh đích thân viết lời giới thiệu là "Bài học từ người quét rác"…

    Anh Bình rất chịu khó lắng nghe. Anh là một trong những nhà lãnh đạo chịu khó nghe nhất mà tôi được biết. Có khi anh ngồi nghe tôi (và có lẽ cả các bạn khác nữa) trình bày đủ thứ linh tinh, vớ vẩn. Ấy thế mà anh vẫn kiên nhẫn, chăm chú, dù anh bận rộn hơn chúng tôi gấp nhiều lần. Và do lắng nghe, có lẽ anh đã thu phục được nhiều người tài, và gom được nhiều ý tưởng hay.

    Anh Bình không lý thuyết. Anh thực tế và trải nghiệm. Anh dạy chúng tôi bằng cách ném những lứa đàn em vào biển để bơi. Từ những ngày mới vào FPT năm 1995 anh luôn ném chúng tôi vào các dự án lớn, chúng tôi cũng theo anh Bình nhảy vào thực tế để kiếm hợp đồng, làm giàu.

    Anh Bình rất tâm huyết về tính truyền thừa. Anh giảng giải, trình bày, thuyết phục chúng tôi về sự trường tồn. Mà đã trường tồn thì không thể thiếu gen, không thể không nói đến mật mã di truyền.

    Tôi luôn tin rằng cách hành xử của người FPT, người mang họ F trong mọi mối quan hệ của ngày nay và mai sau vẫn giống như cách chúng tôi ứng xử với nhau của ngày xưa. Tất cả đều dựa trên sự chân thành, tình người.

    Văn hóa, sáng tạo, từ thiện: 3 cốt lõi làm nên FPT

    Tôi rất mê cách anh Bình xây dựng văn hoá FPT. Văn hóa là cốt lõi. Anh nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp trong rất nhiều cuộc họp, hội nghị. Tôi nhớ như in những câu của anh, rằng sức mạnh nội tại của FPT chính là văn hoá.

    Văn hóa mà anh Bình nhắc chúng tôi liên tục là tình yêu với công ty, tình thân ái giữa đồng nghiệp, tinh thần tự học và học tập suốt đời, tinh thần tự đổi mới, cách chăm sóc đối tác và khách hàng, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

    Một chủ đề mà anh Bình giảng rất ngấm mà tôi cũng đang áp dụng ngay năm 2017 này là sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Anh Bình nghiên cứu các học thuyết chiến tranh, anh đúc kết tinh túy của nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam.

    Anh rất hay mời các tướng lĩnh quân đội đến FPT nói chuyện. Anh hướng dẫn tôi và các đồng nghiệp ở FPT cách ứng dụng việc biến lòng yêu nước của toàn dân thành sức mạnh chiến đấu để bảo vệ dân tộc Việt Nam vào quản trị công ty và kinh doanh. Tôi vẫn nhớ và chắc không thể quên được tinh thần vận dụng các chiến thuật, cách phân phối nguồn lực cho từng mục tiêu, từng giai đoạn phát triển để phục vụ kinh doanh.

    Đổi mới hay là chết là chủ đề mà tôi rất thích nghe anh Bình nói. Anh luôn nói say sưa về sáng tạo, về các xu hướng lớn trên thế giới. Trong tâm tôi luôn nhớ lời anh rằng công ty là một tổ chức đổi mới và sáng tạo. Chính sáng tạo và những cái mới mang lại kết quả lớn cho từng cá nhân và từng đơn vị. Sau này, ngấm tinh thần ấy, tôi cũng hay quan sát, rồi đi nói chuyện và giảng về tự đổi mới và sáng tạo...

    Có cái lạ là anh Bình rất ít nói về tiền, về vốn. Cái anh quan tâm nhất luôn là con người và mô thức kinh doanh. Có lẽ ngày đó anh luôn có anh Lê Quang Tiến là CFO rất giỏi và lo tài chính FPT ngon rồi. Anh Bình là một trong những người thu hút người khác và tạo ra mô thức kinh doanh tốt nhất mà tôi đã từng gặp.

    Tôi rất thích cách anh Bình làm từ thiện. Nói thật rằng khi anh làm việc phước này, không ai biết, hay nói chính xác là rất ít người biết. Không đao to búa lớn. Không bao giờ đưa tin trên công chúng. Thậm chí ảnh cũng chẳng có. Tôi, chính tôi, một Phật tử cần học anh về cách làm này.

    Không chỉ tôi mà rất nhiều người ấn tượng với anh và làm giống anh. Anh Lê Quang Tiến, anh Bùi Quang Ngọc, anh Hoàng Minh Châu, chị Trương Thanh Thanh, anh Nguyễn Thành Nam, anh Đỗ Cao Bảo… và bao cộng sự tại FPT của anh Bình cũng luôn làm từ thiện rất âm thầm. Và chính vì vậy FPT có một đặc sản rất giá trị, đó là chương trình lớn "vì cộng đồng". Nói thật, nếu quay lại FPT, tôi thích nhất làm ở nơi chốn này.

    Có một triệu phú USD ăn cơm nguội, dưa cà

    Trong mấy chục năm cuộc đời, tôi có nhiều người thầy, nhưng 1 trong những người thầy tốt nhất và thiết thực nhất chính là anh Trương Gia Bình; tôi cũng có rất nhiều ông anh trong xã hội nhưng 1 trong những người anh tôi trân trọng và yêu kính nhất vẫn là anh Bình. Nói thêm rằng, tôi có không ít bạn nhưng tôi luôn coi anh Bình là 1 người bạn lớn. Trong tôi, anh Bình là 3 trong 1.

    Tôi học được từ anh Bình tư duy mạch lạc. Tôi lớn lên nhờ những tháng năm sống và làm việc cùng anh Bình với triết lý "làm ra làm, chơi ra chơi". Anh Bình luôn có tinh thần "Làm hết mình, chơi nhiệt tình".

    Anh Trương Gia Bình là anh luôn trân quý những gì đang có thật. Anh quý trọng bạn bè. Anh trân quý những gì giản dị nhất trong cuộc sống. Anh ăn bánh mì rất ngon. Anh ngồi hè phố ăn bát phở mà thật hạnh phúc. Anh ăn cơm không với dưa cà mà rất hạnh phúc.

    Tôi nhớ có lần chúng tôi đến nhà một lãnh đạo cấp cao. Anh lãnh đạo không có nhà, chỉ có vợ anh ở nhà. Anh Bình nói chuyện rất vui, rất tự nhiên và xin xem chị có gì ăn không. Thế rồi anh lấy bát ra ăn 1 bát cơm nguội to chỉ ăn với dưa muối. Tôi cũng ăn theo và cùng anh. Đây cũng là 1 trong những bữa ăn ngon nhất và ấn tượng nhất của tôi.

    Anh Bình thiền và thích thiền. Lần gần đây nhất, tôi đến thăm anh chỉ với mục đích duy nhất là thuyết phục và bàn với anh để mang thiền vào FPT, ít nhất là với lãnh đạo. Anh mừng như bắt được vàng. Anh thích và ủng hộ ngay. May thay, anh Bình có vài cộng sự cũng mê thiền, nhất là anh Nguyễn Khắc Thành, là Phó TGĐ và hiện đã sang làm Giám đốc Đại học FPT.

    Cánh chim đại bàng và mắt bão

    Tôi vẫn nhớ có một lần bị ốm, nằm nhà. Anh Bình đến tận nơi thăm. Sau đó các anh lãnh đạo khác như anh Bùi Quang Ngọc, anh Nguyễn Thành Nam, anh Phan Ngô Tống Hưng,… đến tận nhà. Và tôi không bao giờ quên rằng, người tìm "bác sỹ" chữa bệnh cho tôi lúc đó chính là anh Bùi Quang Ngọc, hiện là Tổng giám đốc tập đoàn FPT.

    Có một suy nghĩ rất lạ của tôi về anh Bình rằng anh luôn bình an. Tôi nhớ về câu nói mà thiền sư Thích Nhất Hạnh hay nói với lũ học trò nhỏ chúng tôi rằng không có con đường đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. Hình như anh Bình biết cảm nhận bình an trên mỗi giai đoạn trong cuộc đời, trong mỗi tháng ngày trôi đi với bao công việc bộn bề, với bao khát vọng.

    Tự nhiên tôi nhớ về đại bàng và cơn bão. Đại bàng luôn bay vượt lên cao hơn bão. Anh Bình liệu có phải là đại bàng?

    Tôi cũng ngẫm về mắt bão. Trong các cơn bão nhiệt đới, dù sức gió mạnh đến đâu vẫn luôn tồn tại một vùng có điều kiện thời tiết gần như bình yên nằm ở ngay tâm các cơn gió xoáy khủng khiếp nhất. Đó là mắt bão.

    Cuộc sống là sự nối tiếp của các cơn bão. Nếu ta tìm cách né tránh các cơn bão để có được sự bình yên, ta sẽ bị thời cuộc bỏ lại phía sau. Nếu ta dũng cảm đối mặt với các cơn bão, ta phải chấp nhận nguy hiểm. Cách làm của người có trí là biết cách đứng trong mắt bão. Khi ở trong mắt bão ta có thể chuyển động cùng thời đại mà vẫn có sự bình yên. Hình như anh Trương Gia Bình có nghệ thuật tìm mắt bão và luôn chiến thắng khi ở trong mắt bão.

    Anh Trương Gia Bình đang 60 tuổi. Anh đang tìm kiếm cái gì? Có lẽ với tinh thần vẫn trẻ trung và đầy nhựa sống, tôi cảm nhận anh đang đau đáu với cơ hội hiếm có của 4.0 để bứt phá. Bứt phá trong mắt bão.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ