Báo cáo mới đây từ Digiworld cho thấy, đơn vị này sẽ khai tử điện thoại thương hiệu Nokia/Microsoft tại Việt Nam trong năm nay.
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện doanh số smartphone Lumia tụt dốc tại Việt Nam được đem ra mổ xẻ. Bởi ngay chính công ty mẹ là Microsoft đã ghi nhận mức sụt giảm 73% doanh số smartphone Lumia trên toàn cầu trong Q1/2016 vừa qua.
Đáng buồn hơn, quá trình khai tử dòng điện thoại Lumia, hay Windows Phone tại Việt Nam đã đến nhanh hơn dự kiến. Báo cáo mới nhất từ Công ty cổ phần thế giới số (Digiworld) cho thấy, các dòng sản phẩm mang nhãn Microsoft / Nokia sẽ nhanh chóng bị dừng kinh doanh trong năm nay.
Kế hoạch khai tử Microsoft / Nokia tại Việt Nam đang cận kề
Tài liệu họp đại hội cổ đông của Digiworld trong năm 2016 đã chỉ ra kế hoạch này:
Có 2 điểm đáng để bàn tới trong bản kế hoạch kinh doanh năm 2016 của Digiworld.
Đầu tiên, doanh thu các sản phẩm từ Microsoft / Nokia của đơn vị này đạt mức 879 tỷ đồng trong năm 2015. Nhưng tới năm 2016, mảng kinh doanh này chỉ là con số 0 tròn trĩnh (dự kiến).
Nói cách khác, các sản phẩm từ Microsoft / Nokia chắc chắn sẽ bị Digiworld khai tử trong năm nay. Mức tăng / giảm của mảng kinh doanh này cũng được đưa về 0%.
Thứ hai, doanh thu của mảng kinh doanh điện thoại di động khác từ Digiworld trong năm 2015 chỉ là 655 tỷ đồng, thấp hơn cả Microsoft / Nokia. Nhưng mục tiêu của mảng này trong năm 2016 lại lên tới 2.337 tỷ đồng, tăng tới 2,5 lần so với năm trước.
Điều này có nghĩa, Digiworld đã không còn mặn mà với Windows Phone và Microsoft. Thay vào đó, đơn vị này sẽ tập trung các dòng điện thoại, smartphone có sức hút và doanh thu lớn hơn trên thị trường.
Lý do nào khiến Microsoft / Nokia bị khai tử?
Không phải ngẫu nhiên Digiworld đưa ra quyết định khai tử Microsoft / Nokia tại Việt Nam. Kết quả kinh doanh mà đơn vị này đạt được trong năm 2015 so với năm 2014 đã chỉ ra lý do lớn nhất.
Cụ thể, trong năm 2014, các sản phẩm Microsoft / Nokia do Digiworld phân phối là mảng kinh doanh ăn nên làm ra lớn nhất cho đơn vị này. Doanh thu của các sản phẩm Microsoft / Nokia đạt tới 2.451 tỷ đồng, nghĩa là bằng với các mảng kinh doanh khác gộp lại, bao gồm: máy tính xách tay, máy tính bảng, di động khác và thiết bị văn phòng.
Thế nhưng, ngay sau đó 1 năm, nghĩa là năm 2015, doanh thu từ các sản phẩm Microsoft / Nokia chỉ còn vỏn vẹn 879 tỷ đồng, ghi nhận mức sụt giảm tới 64% so với năm ngoái. Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác đều tăng trưởng mạnh.
Nói một cách tổng quát, từ mảng kinh doanh số 1 của Digiworld, các sản phẩm Microsoft / Nokia mà cụ thể là dòng Windows Phone đã tục dốc không phanh.
Digiworld nói gì?
Trong bản báo cáo kinh doanh năm 2015, đơn vị này có đề cập rất rõ về vấn đề Microsoft / Nokia trở nên sa sút tại Việt Nam:
"Doanh thu năm 2015 có sự sụt giảm do sự sụt giảm doanh số của nhãn hàng Nokia ước tính 1.572 tỷ đồng tương đương với mức sụt giảm 64% so với cùng kì năm trước. Nguyên nhân: Microsoft Nokia đã thay đổi chiến lược kinh doanh chuyển từ phần cứng sang phần mềm nên số lượng máy cung cấp cho thị trường sụt giảm mạnh".
Lấy gì ra để bù lại khoảng trống Microsoft / Nokia?
Sau nhiều năm chi phối thị trường smartphone và điện thoại tầm thấp tại Việt Nam, có lẽ đã tới lúc Microsoft / Nokia cần được yên nghỉ và vạch ra hướng đi mới. Nhất là trong bối cảnh Windows Phone đã mất dần sức hút, còn Windows 10 Mobile vẫn chưa chiếm được lòng tin của người dùng.
Để bù lại khoảng trống này, bản thân Digiworld đã đầu tư vào các nhãn hàng smartphone có mức tăng trưởng hơn 500% trong năm 2015 vừa qua, bao gồm: Wiko, Obi Worldphone. Ngoài ra, việc Digiworld trở thành nhà nhập khẩu và dịch vụ ủy quyền iPhone - Apple tại Việt Nam cũng là một hướng đi tốt.
Tóm lại, ít nhất trong năm 2016 này, Microsoft / Nokia đã bị một nhà phân phối lớn tại Việt Nam khai tử. Sớm hay muộn, các nhà phân phối khác sẽ nối gót Digiworld. Hoặc Microsoft sẽ phải tạo ra một điều thần kì mang tên Surface Phone để đòi lại thị phần đã mất, hoặc sẽ mãi mãi theo Nokia về với cát bụi như hiện nay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI