Suy nghĩ cũng đốt calo, thế thì chúng ta có thể ngồi làm toán cả ngày để giảm cân hay không?

    zknight,  

    Một người làm toán cả ngày đốt cháy nhiều hơn khoảng 100 kcal so với người nằm xem TV.

    Bạn đã làm gì với ngày chủ nhật của mình? Nằm ườn, ăn, ngủ và xem tivi. Nhưng đó là một câu chuyện khác hẳn vào thứ hai, khi chúng ta phải trở lại trường học hoặc công sở, vùi đầu vào bài tập toán hoặc các công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tập trung cao độ.

    Vậy thì trong ngày thứ hai, bạn có đốt cháy nhiều calo hơn hôm chủ nhật hay không? "Câu trả lời cơ bản là có", Ewan McNay, phó giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Albany cho biết. Suy nghĩ đốt calo.

    Suy nghĩ cũng đốt calo, thế thì chúng ta có thể ngồi làm toán cả ngày để giảm cân hay không? - Ảnh 1.

    Suy nghĩ đốt calo, liệu bạn có thể làm toán để giảm cân hay không?

    Não bộ: Nặng bằng 2% cơ thể nhưng tiêu tốn tới 20% năng lượng

    Não bộ sử dụng năng lượng calo đến từ đường, chính xác là glucose khi nó làm việc. Trong lúc bạn đang đọc bài viết này, calo cũng đang cháy ngùn ngụt trong đầu bạn. 

    "Tính theo việc sử dụng năng lượng, não là bộ phận tiêu tốn nhất mà chúng ta mang theo trên người", Tiến sĩ Marcus Raichle, một giáo sư y khoa nổi tiếng tại Trường Y Đại học Washington cho biết

    Nghiên cứu của ông cho thấy một sự thật ngạc nhiên, rằng bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nhưng nó tiêu tốn tới 20% mức năng lượng mà bạn sử dụng. Trong so sánh, việc tiêu hóa thức ăn chỉ chiếm 8-15% năng lượng tổng thể. Phần lớn calo còn lại được sử dụng để giữ ấm cơ thể, và không một cơ quan riêng lẻ nào tiêu tốn nhiều calo hơn não bộ.

    Tính ra, trong một ngày bình thường, một người có thể phải tốn trung bình 320 kcal chỉ để suy nghĩ. Và khi bạn càng phải suy nghĩ nhiều hơn hoặc suy nghĩ phức tạp hơn, sẽ có càng nhiều glucose được đốt cháy.

    Nguyên lý cũng đơn giản và dễ hiểu. Hãy tưởng tượng bộ não giống như cơ bắp. Trong khi từng cơ bắp điều khiển hoạt động của các bộ phận khác nhau trên cơ thể, từng phần não bộ cũng chịu trách nhiệm cho những nhiệm vụ khác nhau.

    Chẳng hạn như có phần não bộ giúp bạn ghi nhớ, có phần giúp bạn học kỹ năng mới, có phần giúp bạn học toán còn có phần giúp bạn cảm nhận nghệ thuật…

    Và cũng giống với việc bạn luyện tập cơ bắp – tập tạ tay thì cơ tay sẽ đốt nhiều calo hơn giúp bạn, tập đạp xe thì chân sẽ đốt nhiều calo hơn – từng nhiệm vụ suy nghĩ cũng sử dụng những phần não khác nhau.

    Nghiên cứu chỉ ra, trong một nhiệm vụ ghi nhớ phức tạp, các bộ phận của bộ não liên quan đến sự hình thành trí nhớ sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, nhưng các vùng não khác thì không.

    "Trong thực tế, bạn sẽ đốt cháy nhiều năng lượng hơn khi tham gia vào một nhiệm vụ nhận thức khó khăn, so với việc thư giãn và xem một vở Opera hay làm bất cứ điều gì đại loại như vậy", phó giáo sư McNay cho biết.

    Tiến sĩ Marcus Raichle cũng đồng ý: "Nếu chúng tôi đưa bạn vào máy quét và xem xét những gì xảy ra trong não, khi bạn đứng xem TV hoặc giải trò chơi ô chữ, hoạt động của bộ não sẽ thay đổi khi chúng tôi yêu cầu bạn làm một nhiệm vụ khắt khe, và khi đó não sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn".

    Suy nghĩ cũng đốt calo, thế thì chúng ta có thể ngồi làm toán cả ngày để giảm cân hay không? - Ảnh 2.

    Não sử dụng nhiều năng lượng hơn khi phải suy nghĩ

    Vậy ngồi một chỗ "vắt óc" có giúp bạn giảm cân?

    Câu trả lời đáng tiếc là "Không". Trong khi chiếm một tỷ phần năng lượng tiêu thụ khá lớn trong cơ thể, sự khác biệt giữa lượng calo đốt cháy trong các nhiệm vụ tinh thần khác nhau là không đáng kể, phó giáo sư McNay cho biết.

    Đó là bởi vì, phần lớn năng lượng tiêu thụ đã được bộ não dùng để duy trì sự tỉnh táo của bạn, theo dõi môi trường xung quanh để thu thập thông tin từ các giác quan, quản lý các hoạt động "nội tại" vô điều kiện khác trong cơ thể (ví dụ như phát hành hooc-môn), và bạn không thể tác động được vào đó.

    Các suy nghĩ chỉ tiêu tốn một tỷ phần năng lượng nhỏ. Mà theo tiến sĩ Raichle chúng chỉ tạo ra sự khác biệt cỡ 5%. Điều đó nghĩa là một người làm việc trí óc căng thẳng trong cả ngày, ví dụ làm toán, sẽ chỉ đốt cháy nhiều hơn khoảng 100 kcal so với nằm xem TV.

    Muốn não bộ đốt cháy nhiều calo hơn nữa, bạn phải tham gia vào các hoạt động học tập sử dụng nhiều giác quan, chẳng hạn như tập đàn piano. Nhưng ngay cả khi tập piano 8 tiếng/ngày, bạn cũng sẽ chỉ đốt cháy được nhiều hơn 200 kcal so với việc ngồi không và thư giãn.

    Hãy tưởng tượng suy nghĩ trong não giống như chiếc cốc nhựa dùng 1 lần. Để dập được một chiếc cốc như vậy chẳng tốn kém là bao, nhưng trước đó bạn phải chạy cả một dây chuyền sản xuất đã, và chính dây chuyền đó mới là thứ tốn điện.

    Suy nghĩ cũng đốt calo, thế thì chúng ta có thể ngồi làm toán cả ngày để giảm cân hay không? - Ảnh 3.

    Một người làm toán cả ngày chỉ đốt cháy nhiều hơn khoảng 100 kcal so với nằm xem TV

    Và cứ cho là bạn có thể đốt cháy nhiều calo hơn mỗi ngày nhờ vào việc vắt óc suy nghĩ, trợn trừng mắt, vành tai, vành mũi để các giác quan làm việc hết công suất. Khi lượng glucose trong cơ thể đi xuống, các hiệu ứng đốt calo của não sẽ sụt giảm.

    Không giống như các bộ phận khác trong cơ thể - sử dụng được cả năng lượng từ chất béo – não bộ chỉ hoạt động với glucose. Khi hết glucose, nó sẽ đi vào trạng thái hoạt động kém hiệu quả và đốt ít calo hơn, đó cũng là lý do bạn thấy lờ đờ, thậm chí ngất khi tụt đường huyết.

    Để đưa não bộ trở lại trạng thái sung sức, bạn lại phải nạp glucose vào, ăn một chiếc kẹo hoặc một gói bánh chẳng hạn. Và như thế thì bằng hòa, bạn sẽ không thể giảm cân bằng cách khiến não tập thể dục.

    Để so sánh, 8 tiếng tập piano tiêu tốn hơn khoảng 200 kcal. Trong khi, bạn chỉ phải bỏ ra 20 phút chạy bộ để đốt cháy đúng lượng calo đó. Rõ ràng, làm toán hay thậm chí học chơi piano cũng không giúp bạn giảm cân nhanh hơn chạy bộ được. 

    Về mặt đốt calo mà nói, làm việc chân tay lúc nào cũng vất vả hơn trí óc, mặc dù điều này chưa chắc đúng trên những khía cạnh khác.

    Tham khảo Time

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ