Synaptics đã phát triển thành công Clear ID: cảm biến vân tay đặt dưới màn hình, nhanh gấp đôi nhận diện khuôn mặt, tích hợp machine learning
Nếu bạn nghĩ Face ID của Apple đã giết chết cảm biến vân tay thì quả là một sai lầm. Synaptics Inc., nổi tiếng với các sản phẩm trackpad và cảm biến vân tay trên laptop vừa giới thiệu Synaptics Clear ID - cảm biến vân tay thế hệ mới có thể được đặt bên dưới lớp kính cảm ứng trên smartphone.
Hiện nay, các nhà sản xuất đang đi theo xu hướng thiết kế viền màn hình rất mỏng, khiến các smartphone không còn chỗ trống ở mặt trước để đặt cảm biến vân tay. Đây vốn là một thành phần rất quan trọng, với tính ứng dụng cao trong việc mở khoá hoặc giúp bảo vệ những nội dung nhạy cảm của người dùng, như ứng dụng ngân hàng chẳng hạn. Một số smartphone Android đã giải quyết việc này bằng cách đặt cảm biến vân tay ra mặt lưng máy, số khác như OnePlus, LG và Samsung thì cung cấp giải pháp mở khoá bằng khuôn mặt thông qua camera selfie.
Với iPhone X, Apple đã loại bỏ hoàn toàn cảm biến vân tay và thay vào đó là công nghệ Face ID. Theo xu hướng mới này, các nhà sản xuất smartphone Android cũng đang lên kế hoạch mang công nghệ nhận diện khuôn mặt tương tự lên các flagship vào năm sau. Tuy nhiên, chính vì cụm cảm biến mới này mà chiếc iPhone X có thiết kế rất kỳ quặc - chiếc "tai thỏ" - và nhận rất nhiều lời chê bai từ phía người dùng.
Clear ID
Synaptics mới đây đã giới thiệu Clear ID FS9500 - một cảm biến có thể được sản xuất rộng rãi mà công ty này dự định sẽ bán cho các nhà sản xuất smartphone. Nó có thể được đặt vào bên dưới mặt kính OLED, và có cách hoạt động khá khác so với các cảm biến truyền thống.
Cảm biến vân tay truyền thống ứng dụng công nghệ điện dung, sở dụng dòng điện để "quét" vân tay. Còn Clear ID là một cảm biến quang siêu mỏng, "quét" vân tay bằng ánh sáng phát ra từ tấm nền OLED.
Quá trình này cụ thể như sau: khi cảm biến phát hiện ngón tay, màn hình OLED sẽ chiếu sáng ngón tay và cảm biến sẽ "quét" vân tay trên ngón đó. Tiếp theo, một bộ phận "so sánh hình" sẽ xác nhận hình ảnh nó quét được và mở khoá màn hình cho bạn. Cảm biến này có thể được đặt ở bất kỳ vị trí nào trên màn hình.
Theo Synaptics, cảm biến này hoạt động cả trên màn hình cứng lẫn dẻo, và có thể hoạt động kể cả khi có miếng dán màn hình hoặc màn hình bị ướt. Đồng thời, Clear ID nhanh gấp đôi so với nhận dạng khuôn mặt, mở khoá chỉ mất 7 mili giây, tức tương đương với cảm biến vân tay truyền thống ngày nay.
Hiện vẫn chưa rõ về mức độ bảo mật của Clear ID, nhưng Synaptics khẳng định nó có khả năng chống 99% các vụ tấn công, và có tích hợp machine learning để phát hiện các vụ tấn công đang diễn ra.
Synaptics cũng tuyên bố đang làm việc với 5 nhà sản xuất smartphone lớn để mang Clear ID lên các điện thoại không viền năm 2018.
Mới đây, Qualcomm cũng vừa tiết lộ một cảm biến vân tay đặt dưới màn hình, hoạt động dựa trên công nghệ siêu âm, và Apple cũng được cho là đang phát triển một công nghệ tương tự.
Synaptics sẽ mang Clear ID đến CES vào tháng 1/2018.
Tham khảo: Digital Trends
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android