Tài liệu kết quả thử nghiệm của NASA bị lộ cho thấy động cơ đưa chúng ta lên Sao Hỏa trong 70 ngày hoàn toàn khả thi

    Dink,  

    Động cơ đi ngược với nguyên tắc vật lý này liệu có thể đưa loài người đi khám phá vũ trụ?

    Kết quả thử nghiệm động cơ điện từ EM Drive đã bị lộ ra ngoài, và theo như những tài liệu lộ ra đó, không phải một nhóm các nhà khoa học “nào đó” đã tiến hành thử nghiệm, đó là chính NASA.

    Mức độ chính xác của những tài liệu này vẫn chưa được xác minh, nhưng thông tin trong đó có vẻ như toàn là tin mừng: hệ thống đẩy của EM Drive thực sự hoạt động được và chúng có thể tạo ra được lực đẩy trong môi trường chân không.

    Trong khoảng thời gian một năm qua, có thể nói EM Drive đã làm mưa làm gió khắp nơi. Người ta nghe tới một động cơ đẩy-mà-không-đẩy, có thể tạo ra lực phóng mà không dùng tới nhiên liệu và tuyệt vời hơn, nó có thể đưa chúng ta tới Sao Hỏa chỉ trong 70 ngày.

    Tài liệu kết quả thử nghiệm của NASA bị lộ cho thấy động cơ đưa chúng ta lên Sao Hỏa trong 70 ngày hoàn toàn khả thi - Ảnh 1.

    Một vấn đề tồn tại duy nhất và cũng là lớn nhất: động cơ này không thể hoạt động được, nếu dựa trên các nguyên tắc vật lý hiện tại mà chúng ta vẫn biết.

    Theo Newton: Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều.

    Điều đó có nghĩa rằng để một động cơ có thể “đẩy” được, nó phải đẩy thứ gì đó ra để có thể tiến về phía trước. Như trong vũ trụ, thì thứ đó chính là nhiên liệu đốt. Nhưng EM Drive lại hoạt động mà không cần tới nhiên liệu, nó hoạt động nhờ photon vi sóng nảy qua lại trong một lồng chứa kín bằng kim loại. Chuyển động hạt đó khiến cho EM Drive tạo ra lực đẩy, đưa “đầu nhọn” hướng về phía trước.

    Là chủ đề tranh cãi và là đối tượng thử nghiệm nhiều năm rồi, động cơ này vẫn là thứ làm đau đầu các nhà khoa học. Nó không thể hoạt động, không được phép hoạt động bởi chúng ta bị các quy luật vật lý trói buộc, nhưng rồi với các thử nghiệm này qua thử nghiệm khác, EM Drive vẫn cho ra kết quả rằng nó hoạt động được.

    Năm ngoái, Phòng thí nghiệm Eagleworks tham gia vào quá trình giải thích nguyên lý EM Drive “một lần cho xong”, xóa bỏ mọi cuộc tranh cãi và giờ đây, với kết quả thử nghiệm vừa mới bị lộ ra ngoài, không chỉ là EM Drive hoạt động được mà thậm chí, nó còn hoạt động với một lực đẩy khá ấn tượng.

    Tài liệu kết quả thử nghiệm của NASA bị lộ cho thấy động cơ đưa chúng ta lên Sao Hỏa trong 70 ngày hoàn toàn khả thi - Ảnh 2.

    Mức độ tin cậy của những tài liệu này chưa được xác định, hiện tại nó mới chỉ được coi là những kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học mà thôi. Họ kết luận rằng EM Drive có thể tạo ra lực đẩy 1,2 millinewton/kilowatt trong môi trường không trọng lực.

    Chừng đó không phải là nhiều, khi so sánh với động cơ đẩy plasma Hall (được cho là sẽ đưa con người lên sao Hỏa mà tốn rất ít nhiên liệu) với lực tạo ra là 60 millinewton/kilowatt. Tuy nhiên, Hall vẫn phải sử dụng nhiên liệu và vẫn cần một tàu lớn để có thể mang được nó lên vũ trụ, trong khi đó EM Drive nhỏ nhẹ hơn và không cần tới nhiên liệu.

    Trong quá trình thử, họ theo dõi cẩn thận xem liệu việc phát hiện ra lực đẩy có thể là do lỗi hệ thống hay không, nhưng cho tới giờ, có vẻ như EM Drive có khả năng đẩy thực sự, theo kết luận của trưởng đội ngũ nghiên cứu, ông Harold White.

    Có được kết quả này nhưng đội ngũ nghiên cứ vẫn xác nhận rằng họ vẫn cần phải xem xét kĩ lưỡng động cơ này, rất có thể một lượng nhiệt lượng đột nhiên tăng cao đã làm hỏng kết quả thử nghiệm này.

    Tài liệu kết quả thử nghiệm của NASA bị lộ cho thấy động cơ đưa chúng ta lên Sao Hỏa trong 70 ngày hoàn toàn khả thi - Ảnh 3.

    Họ cũng nói rõ rằng những thử nghiệm này không phải là để tối ưu hóa lực đẩy mà EM Drive có thể tạo ra, nó được thử nghiệm đơn giản là để xem xem DM Drive có thể thực sự hoạt động không và nếu có, nó sẽ có thể giúp cho hệ thống động cơ đẩy thông thường được thiết kế để tăng hiệu quả sử dụng.

    Đừng kỳ vọng quá nhiều vào một bản báo cáo lộ ra ngoài và chưa được xem xét kĩ càng. Nhưng bây giờ cũng đã là một thời điểm thích hợp để chúng ta bắt đầu tìm hiểu xem hệ thống kì lạ này hoạt động như thế nào và quan trọng hơn, thử nghiệm nó trên môi trường ngoài Trái Đất.

    Vẫn là một chặng được dài để biến thứ “bất khả thi” thành “có thể”, nhưng đây cũng có thể coi là một chứng cứ nữa về tính khả dụng của EM Drive. Rất có thể trong tương lai, chúng ta sẽ có được những hệ thống động cơ đẩy mà không cần nhiên liệu. Ta hãy cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày