Tại sao Apple lại muốn làm ra một chiếc iPhone có 2 SIM?

    Tuấn Hưng,  

    Đối với Apple, khe SIM không khác gì "cái gai trong mắt" họ, và Táo khuyết chỉ muốn vứt bỏ nó đi như những gì họ đã làm với giắc tai nghe 3,5mm vậy. Thế tại sao họ lại muốn sản xuất một chiếc iPhone 2 SIM?

    Theo thông tin từ nhiều nguồn uy tín, cộng thêm dữ liệu trích xuất từ phiên bản beta của iOS 12, rất có thể năm nay sẽ đánh dấu lần đầu tiên Apple mang tính năng 2 SIM lên dòng sản phẩm iPhone. Việc này khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên, đặc biệt là khi Táo khuyết tỏ rõ rằng họ không mấy mặn mà với thẻ SIM. (Hãy nhìn iPad và Apple Watch mà xem, đều sử dụng eSIM cả đấy chứ.) Vậy tại sao bỗng nhiên gã khổng lồ công nghệ xứ Cupertino lại thay đổi suy nghĩ của mình?

    Tại sao Apple lại muốn làm ra một chiếc iPhone có 2 SIM? - Ảnh 1.

    Đối với người dân Mỹ – quê nhà của những chiếc iPhone, "hai SIM hai sóng" không quá cần thiết. Thế nhưng với rất nhiều người ở khu vực khác, nó sẽ thay đổi hoàn toàn cách mà họ dùng chiếc smartphone này. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, liệu đây có phải là nhóm đối tượng mà Apple hướng tới khi đưa ra sự đổi mới này?

    Những chiếc điện thoại 2 SIM đã xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng xuyên suốt 2 thập kỷ qua. Mặc dù vậy, nó chỉ thực sự trở nên phổ biến từ giữa đến cuối những năm 2000, khi mà một số nhà sản xuất nhỏ lẻ của Trung Quốc bắt đầu sản xuất được các "chú dế" thực sự có khả năng dùng 2 thẻ SIM cùng một lúc.

    Ai lại muốn dùng 2 hai số liên lạc thay phiên nhau làm gì cơ chứ? Ở những nơi mà người dùng có xu hướng mua smartphone không khóa mạng thay vì trả góp theo hợp đồng, lợi ích lớn nhất đó chính là bạn có thể tránh được phí chuyển vùng. Ngay tại Trung Quốc, số điện thoại của bạn chỉ nghe gọi được trong một vùng nhất định. Ví dụ, nếu bạn bay từ Bắc Kinh đến Thượng Hại là bạn sẽ phải đổi SIM rồi. Mãi cho tới năm ngoái, các nhà mạng tại đây đã quyết định tính phí chuyển vùng và "đội" giá cước gọi nội địa đắt hơn rất nhiều. Việc thiết bị có 2 SIM sẽ giúp những người có tính chất công việc phải di chuyển nhiều bớt phiền phức. Ở châu Âu cũng từng có vấn đề tương tự khi người dân di chuyển sang các nước láng giềng, nhưng Liên minh Châu Âu sau đó đã loại bỏ phí chuyển vùng.

    Tại sao Apple lại muốn làm ra một chiếc iPhone có 2 SIM? - Ảnh 2.

    Điện thoại 2 SIM rất được ưa chuộng tại Ấn Độ, đây có phải mục tiêu của Apple?

    Chưa hết, trong thời gian gần đây, với sự nở rộ và phát triển không ngừng của smartphone thì việc có 2 SIM cũng tiện lợi hơn rất nhiều. Chủ nhân sẽ có thêm nhiều lựa chọn, gói dịch vụ của nhà mạng tập trung vào các mảng khác nhau như gọi điện, nhắn tin hay dữ liệu mạng. Nhờ vậy bạn có thể tiết kiệm được tiền nếu dùng gói mạng của hãng này và gọi điện bằng hãng khác. Tùy thuộc vào địa điểm, việc đổi qua lại giữa hai mạng điện thoại cũng cho sóng tốt hơn. Hai lý do này đã khiến những thiết bị 2 SIM trở nên rất được ưa chuộng tại Ấn Độ và Châu Phi – nơi mà khách hàng rất quan tâm tới giá cước dịch vụ và cơ sở hạ tầng mạng vẫn còn chưa hoàn thiện.

    Dẫu vậy, Apple chưa sẵn sàng phá vỡ mô hình kinh doanh biên lợi nhuận cao để có thêm nhiều khách hàng tại những thị trường ưa chuộng giá mềm này. Tim Cook thường xuyên đề cập đến các cơ hội tại Ấn Độ, nhưng chiến lược của ông lớn này dành cho đất nước tỷ dân là bán một chiếc iPhone màn 4 inch nhỏ tí cùng chiếc 3 năm tuổi với giá 400 USD ở đây. Vì vậy, khó mà hình dung một chiếc iPhone mới toanh, giá trên trời nhưng có 2 SIM sẽ làm nên sự khác biệt gì. Quả táo cắn dở vốn nằm ngoài thị trường điện thoại phổ thông Ấn Độ, và việc iPhone không có 2 SIM chắc chắn cũng không ảnh hưởng đến quyết định mua điện thoại của nhiều người. Các quốc gia lớn khác như Brazil hay Nga cũng tương tự như vậy.

    Một số báo cáo cho biết chiếc iPhone 2 SIM có thể là dành riêng cho thị trường Trung Quốc, cụ thể là chiếc sở hữu màn LCD 6,1 inch. (Tờ Bloomberg lại cho rằng Apple cũng sẽ mang đến đây phiên bản OLED 6,5 inch nữa). Điều này bớt khó tin hơn một chút: Trung Quốc là quả trứng vàng của Apple, hơn nữa, đây là nơi duy nhất trên thế giới "yêu cầu" các thiết bị cao cấp phải có 2 SIM. Tất cả flagship từ Huawei, Xiaomi, Vivo, Oppo đều tích hợp tính năng này. Đến công ty nước ngoài là Samsung cũng phải sản xuất riêng một phiên bản 2 SIM của Galaxy S, Galaxy Note dành cho thị trường này.

    Tại sao Apple lại muốn làm ra một chiếc iPhone có 2 SIM? - Ảnh 3.

    Có lẽ, Trung Quốc mới thực sự là đích đến của chiếc iPhone 2 SIM

    Đó mới là mục đích ra đời của chiếc iPhone 2 SIM: sự thuận tiện trong quá trình sử dụng cho người Trung Quốc chứ không nhắm tới thị trường đang phát triển. Người tiêu dùng ở đây sẽ đắn đo không mua iPhone vì nó không có 2 SIM, 2 sóng và tìm đến cái tên khác.

    Chính vì vậy, sẽ không mấy ngạc nhiên khi Apple giới hạn bản 2 SIM chỉ dành cho Trung Quốc. Ngược lại, sẽ vô cùng bất ngờ nếu họ mở bán phiên bản này tại Mỹ và các nước khác. Đây không phải là tính năng mà người Mỹ cần, nhà mạng thì sẽ cảm thấy không hài lòng (vì không ký được hợp đồng sử dụng độc quyền dịch vụ của họ) và Táo khuyết cũng chẳng yêu quý gì khe SIM mà chỉ muốn vứt bỏ nó như cái giắc tai nghe. Đó không phải là công nghệ mà Apple thấy đáng bận tâm để mang lên phiên bản "quốc tế".

    Dĩ nhiên, tất cả những điều trên chỉ là phỏng đoán. Ta sẽ chẳng bao giờ biết họ tính toán gì cho đến khi mọi thứ được công bố chính thức trên sân khấu – dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/9 tới đây. Có thể họ sẽ bán iPhone 2 SIM ở nhiều nước khác. Có thể họ sẽ tìm ra cách tích hợp Apple SIM với khe SIM truyền thống. Điều rõ ràng nhất là Apple đang lên kế hoạch để giải quyết rắc rối cho những khách hàng muốn có được nhiều quyền lợi từ các nhà mạng khác nhau – và tính tới thời điểm này, đó chỉ là một mình Trung Quốc mà thôi.

    Theo TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ