Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới?

    Nguyễn Long, Theo VnReview 

    Bạn có thể nghĩ rằng việc được trang bị chip cao cấp (dù chỉ là của năm ngoái) sẽ khiến một chiếc smartphone tầm trung trở nên đáng mua hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trên thực tế, không có nhà sản xuất nào lại có suy nghĩ như vậy.

    Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới? - Ảnh 1.

    Bài viết dưới đây được viết theo quan điểm của nhà báo Jerry Hildenbrand từ trang công nghệ Android Central để chia sẻ lý do tại sao những chiếc smartphone tầm trung của năm nay lại không sử dụng chip cao cấp của năm ngoái.

    Tất cả chúng ta đều yêu thích những chiếc smartphone tầm trung và giá rẻ nhưng có các tính năng như các smartphone cao cấp. Motorola, ZTE và nhiều hãng khác đã tạo ra được những mẫu smartphone như vậy.

    Smartphone tầm trung ngày nay có thể cung cấp gần như mọi thứ bạn muốn trong một mức giá dễ chịu. Tuy nhiên, có một câu hỏi được rất nhiều người đưa ra đó là: Tại sao các nhà sản xuất vẫn cứ thích dùng những con chip "cấp thấp" trên smartphone tầm trung, thay vì chip cao cấp đã từng xuất hiện trên các mẫu flagship của năm ngoái.

    Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới? - Ảnh 2.

    Chúng ta hãy thử nói về chiếc Moto X4 được ra mắt vào đầu tháng 9 vừa qua của Motorola như là một ví dụ. Đây là một smartphone có giá 399 USD (khoảng hơn 8 triệu đồng) và sử dụng chip Snapdragon 630 của Qualcomm. Hai đặc điểm này cho thấy rõ ràng rằng Moto X4 là một chiếc điện thoại tầm trung. Tuy nhiên, tại sao Motorola không giữ nguyên giá nhưng sử dụng chip Snapdragon 820 (chip cao cấp trong năm 2015) hoặc Snapdragon 821 (chip cao cấp trong năm 2016) thay vì chip tầm trung mới của năm nay là Snapdragon 630.

    Nguyên nhân là do Snapdragon 630 tốt hơn Snapdragon 821 ở một số điểm và đối với các nhà sản xuất smartphone tầm trung, những điểm này rất quan trọng.

    Mặc dù vậy, làm ơn lưu ý là chúng ta sẽ không đề cập tới hiệu suất như cách mà có thể bạn đang nghĩ tới. Snapdragon 821 với lõi Kryo và GPU Adreno 530 rõ ràng là có hiệu suất hơn hẳn Snapdragon 630 với lõiCortex-A53 và GPU Adreno 508. Hơn nữa, Snapdragon 821 có thể hỗ trợ chơi game nặng và VR (thực tế ảo) tốt hơn. Tuy nhiên, để làm ra một chiếc smartphone tuyệt vời, một con chip tuyệt vời là chưa đủ. Chúng ta cần nhiều thứ hơn và thật sự là rất, rất nhiều.

    Chip trong năm 2017 tốt hơn chip trong năm 2016

    Lý do quan trọng nhất khiến cho các nhà sản xuất như Lenovo hay Motorola không muốn sử dụng một con chip cao cấp được thiết kế từ năm 2015 như Snapdragon 821 là do họ đang bán smartphone vào thời điểm gần cuối năm 2017.

    Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới? - Ảnh 3.

    Snapdragon 630 sử dụng Modem X12, tương tự như chip Snapdragon 820 của 2 năm trước. Điều đó có nghĩa là Snapdragon 630 có khả năng kết nối LTE tốc độ tới 600 Mbps, băng thông tải tối đa là 603 Mbit/s (LTE Cat 12), băng thông up tối đa là 153 Mbit/s (LTE Cat 13) và hỗ trợ công nghệ 256-QAM. Tốc độ LTE phổ biến trên thế giới hiện nay là 200-250 Mbps và sẽ được các nhà mạng nâng cấp thêm trong tương lai. Nói cách khác, khả năng kết nối LTE của Snadragon 630 không kém gì các loại chip cao cấp.

    Ngoài ra, Snapdragon 630 cũng hỗ trợ công nghệ đa angten 2x2 MU-MIMO 802.11ac Wi-Fi. Điều đó có nghĩa là những vật cản như bức tường dày sẽ khó có thể ảnh hưởng tới tốc độ kết nối WiFi của bạn. So với các chip trong dòng Snapdragon series 600 của Qualcomm, khả năng kết nối WiFi của Snapdragon 630 đã được tăng gấp đôi.

    Hơn nữa, Snapdragon 630 cũng hỗ trợ những công nghệ không dây mà một con chip từ năm ngoái như Snapdragon 821 không thể có. Những công nghệ được thêm vào như Bluetooth 5 sẽ giúp các thiết bị sử dụng chip Snapdragon 630 hỗ trợ IoT (vạn vật kết nối) tốt hơn so với các thiết bị khác. Bên cạnh đó, khả năng hỗ trợ giải pháp ngoại vi RF thông qua các công nghệ độc đáo như TruSignal cho phép gộp mạng và angten tự tương thích với độ mạnh yếu của tín hiệu, cũng giúp cho Snapdragon 630 có khả năng kết nối tốt hơn hẳn.

    Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới? - Ảnh 4.

    Thậm chí, Snapdragon 630 còn được hỗ trợ bởi các hệ thống định vị mới như QZSS (Quasi-Zenith Satellite System) và SBAS (Satellite-based augmentation systems). Điều này sẽ giúp các thiết bị sử dụng chip Snapdragon 630 tìm kiếm vị trí trên bản đồ nhanh hơn và chính xác hơn rất nhiều.

    Nói tóm lại, công nghệ chip đang thay đổi chóng mặt theo từng năm. Điều này khiến cho một chip tầm trung như Snapdragon 630 cũng có thể tạo ra một thiết bị có kết nối không dây tốt hơn hẳn so với chip cao cấp Snapdragon 821 của năm ngoái.

    Nhiều ưu điểm khác

    Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới? - Ảnh 5.

    Snapdragon 630 ra mắt vào tháng 5 vừa qua và đã được Qualcomm trang bị cho những công nghệ mới nhất như sạc nhanh Quick Charge 4.0, hỗ trợ USB Type-C và USB 3.1. Điều này có nghĩa là Snapdragon 630 có khả năng kết nối dữ liệu nhanh hơn và khả năng sạc nhanh tốt hơn hẳn chip của năm ngoái (Snapdragon 821 chỉ hỗ trợ Quick Charge 3.0). Ngoài ra, bộ hỗ trợ cảm biến All-Ways Aware của Qualcomm cũng giúp Snapdragon 630 tiết kiệm điện năng hơn khi sử dụng các cảm biến trên smartphone như cảm biến con quay hồi chuyển.

    Hơn nữa, khả năng hỗ trợ bảo mật sinh trắc học đã được Qualcomm cải tiến trên Snapdragon 630 khi cho phép bảo mật mống mắt và khuôn mặt chính xác và nhanh hơn. Điều đó, có nghĩa là một thiết bị sử dụng Snapdragon 630 sẽ bảo mật tốt hơn so với Snapdragon 821.

    Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới? - Ảnh 6.

    Một ưu điểm khác cũng không kém phần quan trọng đó là khả năng hỗ trợ camera. Một hệ thống camera tốt đôi khi đã là quá đủ để người dùng bỏ tiền ra mua một chiếc smartphone. Snapdragon 630 hỗ trợ công nghệ Spectra ISP thế hệ thứ 2 của Qualcomm và cho phép cải thiện chất lượng hình ảnh, độ tự nhiên cho màu da cũng như chụp đẹp hơn trong điều kiện thiếu sáng. Hơn nữa, Snapdragon 630 còn hỗ trợ tốt hơn cho những smartphone sử dụng camera kép, một điểm cộng đáng kể so với Snapdragon 821.

    Về hiệu suất, Snapdragon 630 còn có tốc độ xung nhịp của CPU và khả năng xử lý 3D của GPU tốt hơn so với các chip Snapdragon series 600 trước đây. Tuy nhiên, nếu bạn nói Qualcomm làm chip tầm trung trong năm nay tốt hơn năm ngoái, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Sự thật là chip tầm trung Snapdragon 630 trong năm nay còn tốt hơn cả chip cao cấp Snapdragon 821 trong năm ngoái.

    Vấn đề cập nhật của Qualcomm

    Nếu bạn để ý, hầu hết các nhà sản xuất trên thị trường đều có gắng trang bị những con chip được ra mắt trong thời gian gần nhất cho smartphone của mình. Không chỉ là do những chip mới hơn sẽ được trang bị những công nghệ tốt hơn, nguyên nhân sâu xa là do việc hỗ trợ và cập nhật của Qualcomm.

    Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới? - Ảnh 7.

    Qualcomm chỉ hỗ trợ cho những con chip của hãng trong một thời gian hữu hạn. Điều đó có nghĩa là một con chip tầm trung trong năm 2017 sẽ nhận được cập nhật lâu hơn so với một con chip cao cấp trong năm 2016.

    Tất nhiên, việc có chấp nhận cập nhật hay không hoàn toàn là quyền của nhà sản xuất. Tuy nhiên, những cập nhật này rất quan trọng vì Qualcomm và các đối tác sản xuất chip khác như Broadcom sẽ cung cấp những nâng cấp và cải tiến để giúp thiết bị của bạn sẵn sàng cho việc "lên đời" hệ điều hành Android mới. Google đã thỏa thuận với Qualcomm và các hãng làm chip khác về việc cập nhật thông qua một dự án có tên là Project Trebled được kí kết vào hồi đầu năm nay.

    Nói cách khác, nếu smartphone của bạn sử dụng một con chip sản xuất trong năm 2017, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để trải nghiệm các phiên bản hệ điều hành Android mới từ Google.

    Vấn đề giá

    Tại sao các hãng không dùng chip cao cấp đời cũ cho smartphone tầm trung mới? - Ảnh 8.

    Giá là một nguyên nhân quan trọng khiến các nhà sản xuất smartphone tầm trung không muốn mua chip cao cấp từ năm ngoái hay thậm chí là năm kia của Qualcomm. Bên cạnh việc sản xuất chip, Qualcomm cũng cấp phép sử dụng những công nghệ của hãng cho các nhà sản xuất smartphone và điều này yêu cầu phải trả tiền.

    Những chip Snapdragon series 800 cao cấp có đầy đủ những công nghệ mới nhất và các tính năng được tối ưu hóa. Tuy nhiên, các nhà sản xuất smartphone tầm trung không muốn mất tiền cho những công nghệ không có trên điện thoại của họ. Thay vào đó, những chip Snapdragon series 600 và 400 rẻ hơn nhưng vẫn có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu của họ. Hơn nữa, dù một năm đã trôi qua, giá của Snapdragon 821 vẫn đắt hơn so với Snapdragon 630.

    Lợi nhuận luôn là mục đích được hướng tới cuối cùng. Vì vậy, chẳng có lý do nào để các nhà sản xuất sử dụng chip cao cấp của năm ngoái nếu muốn làm smartphone tầm trung trong năm nay.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ