Tại sao càng trưởng thành, chúng ta càng thấy thời gian trôi nhanh hơn?

    zknight,  

    Chúng ta cảm nhận được thời gian, vì tâm trí của chúng ta liên tục bị kích thích và thay đổi. Chính sự thay đổi kích thích đó sẽ tạo nên dòng chảy thời gian trong tâm trí.

    Năm phút cuối giờ kiểm tra là bằng chứng rõ ràng nhất cho bạn biết: Thời gian trong tâm trí và thời gian trên đồng hồ không hề giống hệt nhau. Có những thời điểm, chúng trôi với tốc độ khác hẳn nhau.

    Thời gian trên đồng hồ và trên những cuốn lịch là thời gian ổn định và có thể đo lường được chính xác. Nhưng thời gian trong tâm trí, hay nói đúng hơn là cách bạn cảm nhận thời gian, thay đổi theo nhiều điều kiện, từ việc bạn đang làm gì, vui vẻ hay nhàm chán, gấp gáp hay thảnh thơi cho đến tuổi tác và tuổi thọ còn lại của bạn.

    Một bài báo khoa học sắp được đăng trên tạp chí European Review, của Adrian Bejan một giáo sư kỹ thuật cơ khí đến từ Đại học Duke, sẽ giải thích cho bạn nguyên lý vật lý phía sau sự thay đổi của cảm giác thời gian, và nó sẽ tiết lộ lý do tại sao khi càng lớn tuổi, chúng ta càng thấy thời gian trôi nhanh hơn.

    Tại sao càng trưởng thành, chúng ta càng thấy thời gian trôi nhanh hơn? - Ảnh 1.

    Adrian Bejan giáo sư kỹ thuật cơ khí đến từ Đại học Duke

    Con mắt của tâm trí

    Giáo sư Bejan đã cống hiến nhiều năm nghiên cứu của mình trong một loạt các lĩnh vực, bao gồm khoa học thời gian, thị giác, khoa học nhận thức và xử lý tâm thần. Ông rút ra được một kết luận rằng: Thời gian mà chúng ta trải nghiệm được đại diện cho những thay đổi nhận thức trong kích thích tâm thần.

    Nghĩa là chúng ta cảm nhận được thời gian, vì tâm trí của chúng ta liên tục bị kích thích và thay đổi. Chính sự thay đổi kích thích đó sẽ tạo nên dòng chảy thời gian trong tâm trí.

    Vì vậy, hiển nhiên là thời gian liên quan đến những gì bạn thấy bằng mắt. Tốc độ tiếp nhận hình ảnh vào mắt và thời gian não bộ mất để xử lý được những hình ảnh đó là khả biến, bởi vậy, nhận thức về thời gian của chúng ta không hề bất biến, nó có thể thay đổi theo từng người và từng thời điểm.

    Theo một nghĩa nào đó, mỗi người trong chúng ta đều có một "thời gian trong tâm trí" của riêng mình. Chúng ta cảm nhận thời gian không giống nhau, độc lập với thời gian của chiếc đồng hồ đeo trên tay hay lịch treo trên tường, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tuổi thọ.

    Giáo sư Bejan là người đầu tiên định nghĩa dòng chảy của thời gian theo lăng kính đặc biệt này, nhưng kết luận của ông cũng tham khảo những phát hiện của các nhà khoa học khác, những người trước đó cũng đã nghiên cứu những quy trình vật lý và tinh thần liên quan đến thời gian.

    Tại sao càng trưởng thành, chúng ta càng thấy thời gian trôi nhanh hơn? - Ảnh 2.

    Chúng ta cảm nhận được thời gian, vì tâm trí của chúng ta liên tục bị kích thích và thay đổi. Chính sự thay đổi kích thích đó sẽ tạo nên dòng chảy thời gian trong tâm trí.

    Như đã nói, những thay đổi trong kích thích tâm trí cho chúng ta cảm giác về dòng chảy của thời gian. Giáo sư Bejan viết:

    "Hiện tại khác với quá khứ vì góc nhìn của tâm trí đã thay đổi, không phải vì đồng hồ của ai đó đổ chuông. "Thời gian của đồng hồ" có thể đo lường được, nó là đồng nhất ở tất cả hệ thống xung quanh cuộc sống của chúng ta, cho dù chúng sống hay không sống hữu tri hay vô tri. Thời gian ngày-đêm kéo dài 24 tiếng trên mọi chiếc đồng hồ đeo tay, treo tường hay trên tháp chuông. Tuy nhiên, thời gian vật lý không phải là thời gian tâm trí. Thời gian mà bạn cảm nhận không giống với thời gian mà người khác cảm nhận".

    Thời gian đang diễn ra trong con mắt của tâm trí. Nó liên quan đến số lượng hình ảnh tinh thần mà não tiếp nhận và xử lý được cũng như trạng thái của bộ não khi chúng ta già đi. Tuổi tác làm giảm tốc độ thiếp thu và xử lý hình ảnh tinh thần vì một số lý do đến từ thị giác, độ phức tạp của não và con đường truyền thông tin. Những sự thay đổi trong xử lý hình ảnh này dẫn đến cảm giác thời gian trôi nhanh hơn.

    Hiệu ứng này có liên quan đến chuyển động saccadic của mắt. Saccade là chuyển động giật vô thức của mắt xảy ra vài lần một giây. Giữa mỗi chuyển động saccadic, mắt bạn sẽ đứng im và não xử lý thông tin hình ảnh mà nó đã nhận được. Tất cả chu trình xảy ra một cách vô thức, mà không cần bất kỳ nỗ lực chủ động nào từ phía bạn. Ở trẻ sơ sinh, thời gian đứng im của mắt giữa các chuyển động saccadic ngắn hơn ở người lớn.

    Tại sao càng trưởng thành, chúng ta càng thấy thời gian trôi nhanh hơn? - Ảnh 3.

    Chuyển động saccade của mắt có liên quan đến cách chúng ta cảm nhận thời gian

    Chu trình xử lý kích thích và cảm giác thời gian tăng tốc có mối tương quan tỷ lệ nghịch với nhau, giáo sư Bejan nói. Vì vậy, khi bạn còn trẻ và trải nghiệm nhiều kích thích mới - tất cả mọi kích thích đều hoàn toàn mới - thời gian thực sự như trôi qua chậm hơn. Khi bạn già đi, việc sản xuất các hình ảnh tinh thần chậm lại, mang lại cảm giác thời gian trôi qua nhanh hơn.

    Sự mệt mỏi cũng ảnh hưởng đến chuyển động saccade của mắt, tạo ra sự chồng chéo và tạm dừng trong những chuyển động mắt này dẫn đến tín hiệu chéo. Bộ não mệt mỏi không thể chuyển giao thông tin một cách hiệu quả khi nó cùng lúc cố gắng nhìn và hiểu ý nghĩa của thông tin hình ảnh. Nó được thiết kế để làm những việc này một cách riêng biệt.

    Đây là những gì khiến cho những vận động viên thể thao thi đấu kém dần khi đã hết sức. Sức mạnh xử lý của họ bị rối loạn và ý thức về thời gian của họ bị tắt. Họ không thể nhìn thấy hoặc phản ứng nhanh với các tình huống mới.

    Tại sao càng trưởng thành, chúng ta càng thấy thời gian trôi nhanh hơn? - Ảnh 4.

    Sự cảm nhận thời gian thay đổi khi chúng ta già đi

    Một yếu tố khác tham gia vào định hình cảm giác thời gian là sự phát triển của bộ não. Khi não và cơ thể phát triển phức tạp hơn và có nhiều kết nối thần kinh hơn, các con đường mà thông tin di chuyển qua cũng ngày càng phức tạp. Chúng phân nhánh như một cái cây trổ cành và sự thay đổi trong xử lý này ảnh hưởng đến trải nghiệm của chúng ta về thời gian, theo giáo sư Bejan.

    Cuối cùng, não của chúng ta đều bị suy thoái khi về già và điều đó hưởng đến nhận thức. Ví dụ như các nghiên cứu về chuyển động mắt saccadic ở người cao tuổi cho thấy các khoảng thời gian trễ dài hơn. 

    Nghĩa là thời gian não cần để xử lý thông tin thị giác trở nên dài hơn, nó khiến người già khó giải quyết các vấn đề phức tạp hơn. Họ nhìn thấy chậm hơn nhưng cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn, giáo sư Bejan lập luận.

    Tại sao càng trưởng thành, chúng ta càng thấy thời gian trôi nhanh hơn? - Ảnh 5.

    Khi sự phức tạp của não bộ gia tăng, cảm giác về thời gian sẽ thay đổi

    Đo lường một cuộc đời

    Giáo sư Bejan bắt đầu quan tâm đến chủ đề này từ hơn nửa thế kỷ trước. Khi ông còn là một vận động viên trẻ trong đội bóng rổ Rumani danh tiếng. Những trận bóng rổ và cả mùa giải được xen kẽ bằng những khoảng thời gian nghỉ, giáo sư Bejan nhận thấy thời gian trôi chậm lại khi ông được nghỉ ngơi tốt và điều này cho phép ông thi đấu tốt hơn.

    Không chỉ vậy, ông có thể dự đoán hiệu suất của cả đội trong một trận đấu dựa trên lịch thi đấu của họ, trận đấy diễn ra vào khung giờ nào trong ngày. Giáo sư Bejan nói với Quartz:

    "Những trận đấu sớm, diễn ra lúc 11 giờ trưa, có chất lượng chuyên môn rất kém, thời gian đó là một kẻ giết người; những trận đấu vào buổi chiều và buổi tối sẽ diễn ra tốt hơn. Vào lúc 11 giờ trưa, chúng tôi như người mộng du, không quan tâm đến những gì chúng tôi đã làm trong đêm.

    Hiệu ứng rõ ràng đến nỗi từ đầu mùa giải, khi lịch thi đấu được công bố tôi đã biết trận đấu nào sẽ tốt và trận nào sẽ tệ. Những trận chơi ở sân khách, sau chuyến đi dài và giấc ngủ tồi tệ sẽ tồi tệ, những trận chơi ở sân nhà sẽ tốt hơn vì lý do ngược lại.

    Ngoài ra, tôi đã có một huấn luyện viên tuyệt vời, người đã liên tục nhắc nhở chúng tôi rằng nhiệm vụ đầu tiên của một vận động viên là ngủ thường xuyên, ngủ tốt, và sống lành mạnh".

    Tại sao càng trưởng thành, chúng ta càng thấy thời gian trôi nhanh hơn? - Ảnh 6.

    Thời gian sẽ chậm đi khi bạn ngủ thật ngon và sống một lối sống lành mạnh.

    Bây giờ, giáo sư Bejan đã trải nghiệm được sự thay đổi của "thời gian tâm trí" trong một quãng đời dài hơn nhiều. "Suốt 20 năm qua, tôi nhận thấy thời gian của mình trôi đi càng lúc càng nhanh hơn và tôi phải phàn nàn rằng mình ngày càng có ít thời gian hơn", ông nói. Đó là những lời phàn nàn mà giáo sư Bejan cũng nghe được từ nhiều người khác xung quanh.

    Tuy nhiên, ông lưu ý một điều rằng chúng ta không hoàn toàn là những tù nhân của thời gian. Mọi người có thể thay đổi nhận thức của mình về thời gian, để kéo nó trôi chậm lại bằng cách làm đúng theo những gì mà vị huấn luyện viên bóng rổ năm xưa đã khuyên ông ấy: Hãy ngủ thật ngon và sống một lối sống lành mạnh.

    Tham khảo Qz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ