Có lẽ với nhiều người, đây chỉ là một triệu chứng đơn thuần. Tuy nhiên đằng sau nó là những vấn đề phức tạp liên quan đến não bộ và các xung thần kinh cảm giác.
Cảm giác khó chịu là khi bạn ngứa và không thể gãi. Dante-một tác giả nổi tiếng người Ý, hiểu rõ điều này. Trong tác phẩm Inferno của ông, Dante miêu tả một rãnh sâu trong tầng địa ngục thứ tám nơi những kẻ luyện vàng, làm tiền giả và những tên dối trá phải chịu sự thiêu đốt trong sự ngứa ngáy suốt đời. Nếu bạn từng trải qua một cơn ngứa dưới da hoặc những phần cơ thể khó có thể chạm tới, bạn có thể hiểu điều đó.
Tin tốt là phần lớn các vết ngứa đều có thể gãi. Sự ngứa ngáy vật lý- dù là do chiếc áo len, một vết muỗi đốt hay cây sồi độc thường chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, trong khi các vết ngứa đa phần không kéo dài quá lâu, nhiều người phải chịu đựng chứng ngứa kinh niên dai dẳng trong suốt cuộc đời.
Việc gãi có thể đem lại cho bạn cảm giác được giải tỏa tạm thời, nhưng nó cũng khiến các vết ngứa trở nên khó chịu hơn và bạn sẽ lại càng gãi mạnh. Cứ như thế cho tới một giới hạn mà chắc bạn cũng hình dung ra.
Chúng ta càng gãi thì cảm giác ngứa ngáy càng khó chịu
Các nhà khoa học gọi chúng là “vòng gãi-ngứa luẩn quẩn”. Gần đây, họ mới khám phá ra việc tại sao chúng ta khó có thể cưỡng lại việc gãi.
Hãy thử hình dung sự khác biệt giữa việc gãi mạnh một vùng da không bị tổn thương và một vùng da có triệu chứng ngứa. Cảm giác bạn trải qua sẽ khác nhau. “Các vết thương thông thường sẽ khiến bạn đau - trừ khi đó là một chỗ ngứa”, Diana Bautista, một nhà sinh vật học tế bào tại trường đại học California, Berkeley nhấn mạnh. “Sau đó bạn sẽ cảm thấy dễ chịu”.
Tại sao lại vậy?
Việc có một vết thương gây ngứa thường khiến chúng ta trở thành người thích "hành xác" tạm thời ở mức độ nhẹ. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy thoải mái nếu được gãi vào những vết thương trên cơ thể.
Bạn có thể thấy sự thay đổi đó khi quan sát vùng não phản ứng với việc gãi. Năm 2013, trong một nghiên cứu với những người gãi các vùng ngứa của họ trong một máy fMRI, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trong khi không có “vùng ngứa” nào được xác định trong bộ não, việc gãi ngứa làm kích thích nhiều vùng của não bộ liên quan tới các cảm xúc như sung sướng, thỏa mãn và khao khát.
Dĩ nhiên, việc gãi ngứa khiến chúng ta thoải mái vì chúng làm gián đoạn tạm thời cơn ngứa. Để hiểu tại sao, bạn cần biết một chút về quy tắc âm dương của vết ngứa và nỗi đau. Cho tới mãi gần đây, các vết ngứa mới được giới khoa học xem như một dạng nỗi đau được gây nên bởi các kích ứng yếu từ dây thần kinh kiểm soát nỗi đau. Tuy nhiên, trong khi hai cảm giác cùng chia sẻ đường dẫn truyền hệ thống thần kinh, nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng ngứa có các tế bào thần kinh, phần tử và thụ quan tế bào riêng.
“Mặc dù có cùng khởi điểm ở vùng da của cơ thể, các vết ngứa và vết thương có con đường dẫn truyền riêng”, Bautista nói. “Về cơ bản đây là hai quá trình khác nhau, nhưng hai quá trình này vẫn có thể tương tác mà đôi lúc khiến bạn không còn cảm giác ngứa nữa hoặc phát triển thành những vết ngứa với cường độ mạnh hơn”.
Những tín hiệu hỗn tạp
Các tương tác đề cập trên là những điều mà Zhou-Feng Chen, một nhà sinh học và là giám đốc trung tâm nghiên cứu về ngứa của đại học Washington muốn tìm hiểu sâu hơn vào năm 2007. Khi đó, anh và nhóm nghiên cứu tình cờ phát hiện một nhóm các tế bào thần kinh bên trong tủy sống mà có chức năng truyền cảm giác ngứa. Những nghiên cứu của họ dẫn tới phát hiện về “gen ngứa” đầu tiên - GRPR. Đây có thể coi là yếu tố then chốt dẫn truyền cảm giác ngứa từ cột sống lên não.
Liệu chứng ngứa và nỗi đau có liên quan gì tới nhau?
Nghiên cứu của Chen sử dụng một nhóm chuột bị biến đổi gen. Nhóm chuột thí nghiệm bị lấy đi nhóm gen GRPR và sau đó được kích thích để gây ngứa. Những chú chuột không có gen GRPR gãi ít hơn nhóm chuột còn lại. Mặc dù ở cùng một thời điểm, cả hai nhóm vẫn có phản ứng với nỗi đau.
Chen nhận ra rằng việc gãi ngứa có thể giúp cơ thể thoải mái hơn bằng việc giúp các tế bào thần kinh trong tủy sống truyền cảm giác đau tới não, thay vì cảm giác ngứa. Điều mà ông không ngờ tới là việc não bộ phản ứng với những tín hiệu của nỗi đau có thể làm vòng luân quẩn ngứa - gãi trở nên trầm trọng hơn.
Trong một nghiên cứu sau đó được công bố trên tờ Neuron, Chen và các cộng sự đã chỉ ra rằng khi chuột gãi, bộ não sẽ tiết ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Khi các tín hiệu giảm đau lan truyền từ bộ não cho tới tủy sống, nó sẽ chuyển từ các nơ ron gây cảm giác đau sang tế bào thần kinh mà ảnh hưởng đến việc ngứa.
“Cái mà chúng ta không biết là khi serotonin được tạo nên từ nỗi đau và đi đến cơ quan tủy sống, nó cũng khiến các nơ ron GRPR trở nên hoạt động tích cực và bạn sẽ ngứa hơn”, Chen nói.
Tin tốt là các nhà nghiên cứu đang tập trung tìm hiểu cơ chế thần kinh của việc ngứa và gãi. Trong tương lai, thay vì sử dụng móng tay để gãi ngứa, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những liệu pháp như dùng thuốc để điều trị tận gốc.
Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ không mang lại cảm giác sung sướng như khi gãi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming