Khi mô típ người tốt - kẻ xấu trở nên nhàm chán, cũng là lúc mà các nhà làm phim lựa chọn một phương án khác thu hút được sự chú ý của rất nhiều khán giả: buộc các siêu anh hùng phải đối đầu với nhau.
Nói nhỏ thế này thôi nhé, trong bộ phim "Batman v Superman: Dawn of Justice", nếu muốn, Batman hoàn toàn có thể hạ gục Superman chỉ trong vòng chưa đầy 30 giây. Nhất là khi Batman được trang bị "tận răng" với khí ga Kryptonite có thể làm Superman suy yếu, cùng với một cây thương làm từ Kryptonite với khả năng tiêu diệt Superman một cách dễ dàng. Và nếu tình tiết phim diễn ra như vậy, thì tiêu đề bộ phim chắc sẽ phải sửa thành "Batman hủy diệt Superman: Uầy, nhanh vãi!". Nhưng không, trái lại, Batman không làm vậy, mà thay vào đó là một màn "giảng đạo" và kéo dài trận đấu chờ Superman phục hồi dần dần.
Tại sao Batman lại làm vậy? Đơn giản bởi vì, anh muốn Superman phải nếm trải cảm giác tuyệt vọng cùng cực mà người dân ở thành phố Metropolis phải chịu đựng từ trận chiến với Zod - sự kiện kết thúc bộ phim Man of Steel. Với lại, nếu như Batman chỉ đơn thuần hủy diệt Superman một cách chóng vánh, có thể sẽ khiến "hình tượng người hùng" của anh sụp đổ hoàn toàn.
Nhưng, lý do cuối cùng, cũng là lý do quan trọng nhất ngăn cản việc Batman thẳng tay, là vì các nhà làm phim muốn như vậy. Một trận chiến giữa hai người hùng mà kết thúc quá đỗi chóng vánh, thì sẽ không có gì thú vị cả, cũng sẽ chẳng tạo ra được một chút giá trị nào - cả về mặt nội dung lẫn giải trí - cho bộ phim. Khán giả không đến xem những bộ phim mà ở đó, các người hùng đối đầu với nhau, với một thế trận một chiều. Họ muốn từng tình tiết một được đi sâu, từng khung cảnh hành động diễn ra cụ thể. Khán giả muốn nhìn thấy tất cả những gì có thể diễn ra, trong một cuộc đối đầu giữa các nhân vật ưa thích của mình. Họ muốn biết, những người hùng bị đặt trong tình thế "phải tung hết sức mình" sẽ làm được những gì.
Nói ngắn gọn, những gì khán giả muốn, là một-chuỗi-cảm-xúc-đặc-biệt, không xuất hiện trong những trận chiến mà ở đó, hai phe tốt/xấu phân định rõ ràng.
Người hùng đối đầu - từ những trang truyện bước lên màn ảnh
Người hùng trong truyện tranh thường là những người sở hữu năng lực phi thường (hoặc nếu không có siêu năng lực thì sẽ giàu "nứt đố đổ vách"), với sứ mệnh cao cả là giải cứu thế giới khỏi bàn tay của những tên phản diện độc ác. Thế nhưng, có một nghịch lý khá đỗi buồn cười, đó là nhiều lúc, giá trị thực sự của những người hùng lại được thể hiện trong khoảnh khắc mà họ đối đầu với nhau. Kể từ thời điểm truyện tranh phương Tây mới bắt đầu ra đời cho đến nay, các nhà xuất bản luôn thường xuyên tạo ra những sự kiện đặc biệt để siêu anh hùng so tài với nhau - như một cách đơn giản để tăng cao doanh số. DC Comics đã cho Batman và Superman đối đầu với nhau không dưới hàng chục lần, bởi đủ các lý do khác nhau: từ bị kẻ gian điều khiển, đến bất đồng quan điểm. Marvel cũng tỏ ra không kém cạnh, với những sự kiện nổi tiếng như Avengers đối đầu X-men, hay Civil War - được chuyển thể thành phần phim Captain America thứ 3 và chuẩn bị công chiếu toàn thế giới. Thậm chí, không chỉ dừng lại trong "đa vũ trụ" của riêng mình, Marvel và DC cũng đã từng cùng bắt tay tạo ra những ấn bản mà ở đó, Superman có thể đối đầu với Hulk, hay Batman quyết đấu Captain America.
Với việc vũ trụ điện ảnh của Marvel ngày càng có nhiều người hùng, việc họ đối đầu với nhau trở thành điều không tránh khỏi. Iron Man và Captain America đụng độ với Thor, Hulk tấn công Black Widow, Ant Man đương đầu với Falcon,... bản danh sách cứ thế tiếp diễn, mà đỉnh điểm có lẽ sẽ nằm ở sự kiện Civil War chuẩn bị ra mắt khán giả trên màn ảnh bạc.
Tại sao các tác giả lại thích thú với việc cho những người hùng của mình so tài với nhau như vậy? Đơn giản thôi, khi người hùng đối đầu, câu chuyện sẽ trở nên thú vị hơn, và độc giả cũng sẽ thích thú với điều đó hơn.
Trong truyện tranh, chúng ta đều biết rằng, cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác. Chính nghĩa tất thắng - điều đó hoàn toàn hiển nhiên. Thế còn khi những con người cùng đại diện cho "cái thiện" đương đầu với nhau, ai sẽ là người chiến thắng? Rõ ràng, điều này trở nên khó đoán biết hơn rất, rất nhiều so với mô típ người tốt - kẻ xấu thông thường. Những cuộc thảo luận xem ai mạnh hơn ai thường xuyên nổ ra tại các diễn đàn truyện tranh lớn nhỏ khác nhau. Ai ai cũng muốn tin rằng, "người hùng" của mình mới là người mạnh nhất. Và cứ thế, chúng ta dần coi người hùng giống với đội bóng ưa thích của bản thân. Chúng ta muốn nhìn thấy họ chiến thắng, như một cách để chứng tỏ rằng, người hùng của mình mới là số một.
Khi chúng ta theo dõi các bộ truyện tranh trong một thời gian dài, những xung đột của nhân vật chính trở thành yếu tố được để tâm đến nhiều hơn. Có một thực tế hết sức thú vị diễn ra trong những bộ truyện tranh kinh dị phương Tây như "Friday the 13th" hay "A Nightmare on Elm Street": sau một thời gian, độc giả dần dần ngừng quan tâm tới nạn nhân, mà thay vào đó tập trung hơn vào nhân vật chính như Freddy và Jason - dù chúng hoàn toàn là kẻ xấu giết người không gớm tay. Cũng dễ hiểu thôi, bởi việc độc giả dành nhiều thời gian theo dõi bất cứ nhân vật nào cũng làm họ trở nên gần gũi, thân quen hơn. Khi nhìn sang các bộ truyện tranh siêu anh hùng, hầu như các nhân vật phản diện chỉ xuất hiện được một vài tập, rồi lại phải nhường chỗ cho kẻ khác. Do đó, một nhân vật phản diện càng nổi tiếng sẽ càng làm người hùng trở nên vĩ đại hơn - ví dụ tiêu biểu nhất cho trường hợp này là Joker và Batman.
Và cũng bởi vậy, mà việc một người hùng khác như Spider-Man xuất hiện trong trailer của Civil War lại thu hút được rất nhiều sự chú ý - điều ắt hẳn sẽ không xảy ra nếu như Marvel thay anh bằng một nhân vật phản diện nào đó khác. Khán giả sẽ tò mò không biết anh có thể "kề vai" và đối đầu với các siêu anh hùng khác như thế nào.
Một cảm xúc khác cũng xuất hiện khi theo dõi các siêu anh hùng đối đầu với nhau, là sự thông cảm - khi phải chứng kiến cuộc chiến giữa những người từng là chiến hữu. Phần lớn cảm xúc mà trailer của Civil War tạo ra cho khán giả, đến từ câu nói của Iron Man khi đối đầu với Captain America: "Nhưng tôi cũng là bạn anh cơ mà?". Chính những xung đột này tạo nên một tầng cảm xúc mới cho các trận chiến giữa các siêu anh hùng - sự ân hận, hối tiếc khi phải đối đầu với những người mà mình yêu quý. Các tầng lớp cảm xúc này tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt mà khán giả sẽ không thể nào có được khi xem những bộ phim siêu anh hùng thông thường.
Tuy nhiên, việc tạo ra được những cuộc đối đầu giữa các siêu anh hùng là một thử thách không hề nhỏ đối với tác giả. Ví dụ điển hình là trận chiến giữa Ant-Man và Falcon trong bộ phim Ant-Man. Các nhà làm phim phải làm sao để có thể phô diễn sức mạnh của cả hai người hùng, đem lại trải nghiệm mãn nhãn cho khán giả. Đồng thời họ phải đảm bảo chiến thắng cho Ant-Man, nhưng không thông qua việc "dìm" Falcon xuống. Thông thường, phương án được lựa chọn sẽ là vận dụng một cách sáng tạo yếu tố môi trường, tâm lý, cũng như năng lực của các siêu anh hùng, để có thể khiến nhân vật thể hiện được hết những gì mình có, và không khiến cho kẻ thua cuộc bị "mất mặt".
Và chính những hạn chế này, tạo nên nhược điểm lớn nhất của các trận chiến giữa các siêu anh hùng - thường kết quả sẽ không rõ ràng. Tác giả sẽ phải đảm bảo sau những sự kiện đối đầu, nhân vật của mình vẫn có thể tiếp tục được câu chuyện mà không gặp phải tổn thương gì đáng kể. Mô-típ thường thấy trong vũ trụ điện ảnh của Marvel đó là: cả hai bên sẽ "bất phân thắng bại", sẽ tôn trọng quan điểm và năng lực của nhau hơn. Bởi vì, người hùng thường không bao giờ thua cuộc.
Vậy nên, khi những bộ phim mà người hùng chiến đấu với nhau được giới thiệu, sự kỳ vọng của khán giả thường lớn hơn rất nhiều so với những gì sẽ thực sự diễn ra. Ý tưởng về cuộc đối đầu giữa các siêu anh hùng được yêu thích khơi dậy trí tưởng tượng, sự quan tâm, và nhiều tầng lớp cảm xúc trong lòng khán giả. Tuy nhiên, kỳ vọng càng lớn thì càng dễ thất vọng. Batman v Superman nhận được không ít phản hồi tiêu cực từ các nhà phê bình cũng như khán giả đại chúng. Civil War sắp tới có vẻ sẽ triển vọng hơn, nhưng cũng có thể sẽ lại trở thành một sản phẩm thất bại khác.
Và rồi, sau khi bộ phim ra mắt, dẫu kết quả có thế nào, thì cả DC và Marvel cũng đều sẽ quay trở lại công thức "người tốt - kẻ xấu" thông thường, với Wonder Woman, Aquamen, hay Doctor Strange, Black Panther. Có lẽ, sau nhiều bộ phim về các siêu anh hùng đối đầu với nhau, công thức truyền thống sẽ lại trở nên mới mẻ và thành công hơn. Cũng có thể, các nhà làm phim sẽ chuyển qua một phương án khác đã đẩy doanh số bán truyện tranh lên rất cao: buộc các siêu anh hùng hợp tác với kẻ xấu. Và có lẽ, biết đâu đấy, nếu như Suicide Squad thành công, chúng ta sẽ được chứng kiến bộ phim Batman Joker vs. Superman Luthor vào ra mắt vào năm 2022.
Tham khảo TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming