Tại sao Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ, lại từ chối bổ sung XRP vào danh mục của mình?
Dù XRP vẫn đang nằm trong top 3 đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, nó vẫn không đủ tiêu chuẩn để lọt vào danh mục giao dịch của Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ.
Coinbase đã trở thành chủ đề trao đổi sôi nổi trên Twitter khi dường như mọi người đều đang cầu xin startup trị giá 1,6 tỷ USD này bổ sung đồng tiền mã hóa XRP nổi tiếng vào sàn giao dịch của mình.
Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi giá của XRP tăng vọt sau các tin đồn về việc cuối cùng Coinbase cũng cho phép người dùng giao dịch đồng tiền mã hóa này – và cũng sụt giảm nhanh không kém khi Coinbase chính thức phủ nhận các tin đồn trên.
Trong phản hồi chính thức của mình vào thứ Hai vừa qua, Coinbase cho biết, họ “không có quyết định nào về việc bổ sung thêm tài sản” và rằng “bất kỳ tuyên bố nào đi ngược lại điều này đều không đúng sự thật và không được công ty công nhận.”
XRP, hay còn được gọi là Ripple, là đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ ba, xếp sau Bitcoin và Ethereum. Cho dù được tạo ra vào 2012, nó bắt đầu trở nên nổi tiếng vào cuối năm 2017 khi Ripple – công ty tạo ra đồng tiền này – ký thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng, đem lại cho các nhà giao dịch sự tin tưởng lớn hơn.
Không có điều gì cho thấy Coinbase sẽ sớm thêm XRP vào danh sách giao dịch của mình. Nhưng điều này không có gì đáng ngạc nhiên với những ai theo dõi sát sao hoạt động của công ty này.
Coinbase luôn rất thận trọng về việc bổ sung thêm các tài sản mới
Coinbase đã tạo nên tên tuổi của bản thân như một gateway (cổng vào) cho người dùng để tham gia giao dịch tiền mã hóa. Nền tảng của họ rất dễ sử dụng đối với người mới, và nó chỉ giao dịch những đồng tiền mã hóa nào họ xác định đủ an toàn và ổn định để những nhà đầu tư không am hiểu mấy về thị trường này có thể yên tâm rót tiền vào.
Vì vậy, cho dù là sàn giao dịch tiền mã hóa giá trị nhất và lớn nhất tại Mỹ, Coinbase chỉ hỗ trợ 4 trong tổng số khoảng 1.500 đồng tiền mã hóa được niêm yết trên CoinMarketCap: Bitcoin, Ethereum, Litecoin và Bitcoin Cash.
Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên, là sản phẩm duy nhất giao dịch từ khi công ty thành lập vào năm 2011 cho đến 2016, thời điểm họ bổ sung Ethereum. Vào tháng 5 năm 2017, Coinbase cho phép hỗ trợ đồng tiền mã hóa thứ ba, Litecoin, đồng tiền mã hóa do Charlie Lee tạo ra, người sau đó trở thành giám đốc kỹ thuật của Coinbase.
Vitalik Buterin, nhà sáng lập của Ethereum.
Có lẽ danh sách tài sản mới đã dừng ở con số này nếu không có đợt chia tách Bitcoin đầy kịch tính diễn ra vào mùa hè năm 2017. Các bất đồng nội bộ trong cộng đồng Bitcoin đã dẫn đến việc khai sinh ra Bitcoin Cash – đồng tiền mã hóa gần như giống hệt đồng Bitcoin ban đầu, với một số thay đổi nhỏ.
Ban đầu Coinbase từ chối bổ sung hỗ trợ cho Bitcoin Cash, khi tuân thủ theo quy tắc không hỗ trợ các đồng tiền mã hóa không ổn định. Các đợt chia tách vốn thường xuyên diễn ra trong cộng đồng tiền mã hóa, và không phải lúc nào cũng có thể biết rõ công nghệ nền tảng cho đồng tiền mới có bảo mật hay không, hay đồng tiền đó có giá trị nào hay không.
Nhưng công ty đã phải thay đổi ý định sau khi người dùng phản đối quyết liệt sàn giao dịch này. Ngày 3 tháng Tám năm ngoái, công ty thông báo rằng họ sẽ bổ sung việc hỗ trợ cho Bitcoin Cash vào cuối năm 2017.
Việc Coinbase phải trì hoãn đến nhiều tháng trời kể từ khi một thay đổi lớn về tiền mã hóa được thông báo, hay khi họ triển khai tới người dùng, là một điều bình thường. Công ty phát hành việc hỗ trợ cho Segwit, một bản nâng cấp đôi khi đối nghịch với Bitcoin, vào tháng Hai vừa qua – sáu tháng sau khi bản nâng cấp này được thực hiện lần đầu tiên.
Dan Romero, tổng giám đốc của Coinbase, gần đây cho biết trong cuộc phỏng vấn với Business Insider: “Chúng tôi mang trong mình văn hóa lấy hai, chọn một – và trong một số trường hợp, thậm chí nó còn là lấy ba chọn một.”
Công ty có một bộ quy tắc về cách họ bổ sung các đồng tiền mới như thế nào
Coinbase là một người dẫn dắt thị trường, và như các trader nhận thấy, ngay cả các tin đồn về công ty cũng có thể tác động đến giá của một loại tiền mã hóa nào đó.
Đó là vấn đề cho công ty khi cuối cùng họ cũng cho phép giao dịch Bitcoin Cash vào cuối tháng Mười Hai. Cho dù việc giao dịch đã được cho phép sớm hơn 2 tuần so với hạn chót trên thông báo công khai của công ty, Coinbase gặp phải nhiều lời phản đối trên Twitter và Reddit từ những người cho rằng, nhân viên của công ty đang giao dịch nội gián, hoặc thậm chí thao túng giá Bitcoin Cash để làm giàu cho bản thân họ.
Từ khi đó, Coinbase đã đưa ra một hướng dẫn rõ ràng về việc họ quyết định bổ sung tài sản mới như thế nào, được gọi là GDAX Digital Asset Framework. Trong đó nhấn mạnh rằng, bên cạnh các điều kiện khác, những đồng tiền mới phải bảo mật, được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư bên ngoài, và ổn định.
Nhưng hướng dẫn trên cũng yêu cầu các đồng tiền mới phải là decentralized - phi tập trung – một điều mà XRP không đáp ứng được. Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash và Litecoin đều là các đồng tiền phi tập trung, nghĩa là không có máy chủ tập trung nào lưu trữ các công nghệ này, và cũng sẽ không có nhà quản lý tập trung nào có thể ra quyết định điều khiển được chúng.
Ngược lại, XRP lại nằm tập trung trong tay Ripple, nghĩa là nó không đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn của GDAX Digital Asset Framework. Ripple cho biết, họ đang làm việc để phi tập trung sổ cái XRP, nhưng hiện tại thì nó vẫn chưa hoàn thành.
Ripple chính là đối thủ của Coinbase
Một lý do khác khiến cho XRP có thể không bao giờ được thêm vào danh mục của Coinbase: Ripple là đối thủ cạnh tranh với Coinbase.
XRP có giá trị vốn hóa lớn thứ ba trên thị trường tiền mã hóa, đứng sau Bitcoin và Ethereum. Nhưng đây là đồng tiền mã hóa nổi tiếng duy nhất do một công ty điều hành.
Các thay đổi và cập nhật về công nghệ nền tảng cho Bitcoin, Ethereum, Litecoin và ilk, do một nhóm những người đam mê về nó thực hiện, và phần lớn các thay đổi đó phải nhận được sự đồng thuận từ cả cộng đồng trước khi chúng được thực hiện.
Mặt khác, Ripple lại là một công ty. Sản phẩm trung tâm của họ là một công nghệ dựa trên blockchain để giúp các ngân hàng chuyển tiền xuyên biên giới rẻ hơn.
Trên thực tế, XRP được phát triển như một vật đại diện tiền tệ (một token) để sử dụng bên trong hệ thống ngân hàng blockchain của mình. Tuy nhiên, khi đồng tiền này đã chứng tỏ được giá trị riêng của mình, giá của nó đã tăng phi mã một cách đáng kinh ngạc.
Hiện tại Coinbase không có sản phẩm nào cạnh tranh trực tiếp với mạng lưới ngân hàng của Ripple. Tuy nhiên, không khỏi có nghi vấn rằng họ sẽ bán một sản phẩm doanh nghiệp tương tự trong tương lai.
Coinbase đã đưa ra GDAX, một sàn giao dịch tiền mã hóa nhắm đến các tổ chức và các nhà giao dịch chuyên nghiệp. Ngoài ra, Coinbase cũng bán phần mềm doanh nghiệp cho phép các công ty thương mại chấp nhận tiền mã hóa trong thanh toán. Vì vậy, không khỏi có nghi vấn rằng, một ngày nào đó, Coinbase cũng sẽ bước chân vào lĩnh vực ngân hàng.
Romero, tổng giám đốc của Coinbase, cho biết một cách rõ ràng rằng, ông muốn xây dựng công ty thành một Google của tiền mã hóa. Và một điều chúng ta thường thấy ở Google, đó là họ luôn tìm cách đột phá vào các thị trường mới – bất kể là ai và bất kể điều gì cản bước họ trên hành trình đó.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4