Tại sao dẫn đầu thị trường TV OLED nhưng màn hình OLED của LG trên điện thoại lại kém như vậy?

    Nguyễn Hải,  

    Nếu không được làm rõ, những vấn đề trên điện thoại màn hình OLED của LG có thể sẽ làm người dùng phải chùn tay khi muốn mua một chiếc TV OLED của LG.

    Những màn hình OLED của LG là tệ hại hay họ là những người giỏi nhất trong mảng kinh doanh này? Nếu đọc các bài đánh giá công nghệ, bạn sẽ thấy có 2 vấn đề đối nghịch. Nhưng đừng lo, đơn giản là bởi vì bạn đang đọc hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau về màn hình OLED, phụ thuộc vào việc bạn đang đọc bài đánh giá về thiết bị gì.

    Trong khi các nhà phê bình điện thoại cho rằng các tấm nền OLED của LG có vấn đề về chất lượng, các nhà đánh giá TV lại cho rằng điều ngược lại – rằng tấm nền OLED của LG thật tuyệt hảo. Người tiêu dùng bối rối nhưng rõ ràng, những các nhà phê bình không hề mâu thuẫn nhau, bởi vì đúng là LG làm ra các tấm nền TV OLED có chất lượng hàng đầu, nhưng đồng thời họ cũng là công ty làm nên các tấm nền OLED cho điện thoại với chất lượng chưa ổn lắm.

    Vậy tại sao chiếc Pixel 2 XL và LG V30 lại có màn hình kém cỏi đến như vậy, khi LG đã có thể làm được một màn hình OLED rất tốt cho TV? Trong khi đó tại sao Galaxy S8 và iPhone X lại có màn hình OLED tốt hơn Pixel 2 XL và LG V30, nhưng vẫn không tốt bằng TV LG?

    OLED là gì?

    OLED là viết tắt của “diode phát quang hữu cơ”, và nó rất khác với công nghệ màn hình LCD phổ biến trên phần lớn điện thoại và tivi trong những năm gần đây. Không giống như các tấm nền LCD, các tấm nền OLED không có đèn nền phát sáng. Mỗi pixel có khả năng tự phát sáng riêng lẻ.

    Bởi vì mỗi pixel đều có thể điều khiển một cách riêng lẻ, TV OLED có hiển thị được màu đen thực sự - điều không thể làm được và không bao giờ làm được với các màn hình LCD. Điều này có thể ảnh hưởng đến thời lượng pin khi sử dụng trong thời gian dài, nhưng đồng thời, nó chắc chắn giúp cho chất lượng hình ảnh tốt hơn nhờ gia tăng độ tương phản. Thời gian đáp ứng cũng như góc nhìn màn hình cũng khá tốt.

    TV OLED được định giá khá cao trên thị trường. Điều này là vì một số vật liệu được sử dụng để làm nên nó, như Iridium, tương đối đắt đỏ. Ngoài ra, nhiều vật liệu khác còn bị lãng phí trong quá trình sản xuất. Các nhà sản xuất phải sản xuất một lượng tương đương nhiều tấm nền tivi, nhưng sau đó sẽ phải loại bỏ phẩn lớn vật liệu chỉ để có được một tấm nền chất lượng. Khoảng cách này đã được thu hẹp lại theo thời gian, giúp hạ giá thành.

    Trong những năm gần đây, hàng loạt nhà sản xuất đã thử nghiệm đưa màn hình OLED lên điện thoại, nhưng với Pixel 2 XL, iPhone X, Samsung Galaxy S8 và nhiều thiết bị khác nữa, dường như cuối cùng thời điểm của OLED trên điện thoại di động đã tới.

    POLED, AMOLED và OLED

    LG gọi màn hình OLED trên điện thoại của mình là POLED, còn Samsung gọi màn hình điện thoại của mình là AMOLED. Nhưng thực ra thì POLED hay AMOLED, dù có một ít sự khác biệt, phần lớn chỉ là các thuật ngữ marketing.

    Có hai loại màn hình OLED – ma trận chủ động và bị động. Chữ “AM” trong AMOLED là viết tắt của active-matrix (ma trận chủ động). Các tấm nền OLED ma trận bị động rẻ hơn và dễ làm hơn, nhưng chất lượng hình ảnh chuyển động lại thua kém so với ma trận chủ động. Vì vậy, để dùng cho smartphone hiện đại, cách đặt tên của Samsung không có ý nghĩa gì mấy – hầu như tất cả smartphone và tivi OLED hiện đại đều là loại ma trận chủ động. Bạn có thể gọi nó là OLED.

     Dù tên gọi khác nhau, nhưng bản chất giữa AMOLED của Samsung và POLED của LG là tương tự nhau.

    Dù tên gọi khác nhau, nhưng bản chất giữa AMOLED của Samsung và POLED của LG là tương tự nhau.

    Thuật ngữ POLED của LG cũng không mấy khác biệt với Samsung. Các màn hình OLED có thể sản xuất với nhiều loại vật liệu tấm nền khác nhau. Chúng có thể là nhựa hoặc thủy tinh. Tấm nền thủy tinh thường cho chất lượng hình ảnh tốt hơn, nhưng nhựa rẻ hơn, bền hơn và dễ uốn cong hơn thành các hình dạng khác thường hơn – giống như các cạnh cong trên màn hình Samsung Galaxy S8 . Trên những chiếc smartphone hiện đại, cả LG và Samsung đều sử dụng các tấm nền bằng nhựa, nên chữ “P” đó cũng vô ích khi dùng để so sánh.

    Nhưng điều này không có nghĩa là các tấm nền của Samsung và LG không có gì khác biệt. Tuy nhiên rất khó để tìm ra các khác biệt này cũng như chuẩn đoán được nguyên nhân làm cho tấm nền OLED của LG đang tỏ ra kém cỏi hơn Samsung, khi không công ty nào chia sẻ các chi tiết về quá trình sản xuất của họ.

    Mặc dù vậy, trong khi các tấm nền OLED trên các thiết bị như iPhone X, Samsung Galaxy S8 được các nhà phân tích của DisplayMate đánh giá như những màn hình smartphone tốt nhất hiện nay (cho dù vẫn có rủi ro bị lưu ảnh, độ sai màu và hiệu năng ánh sáng thấp, nhưng đây không phải vấn đề quá nghiêm trọng), trang Arstechnica cho rằng, chúng vẫn chưa thể so sánh với các TV OLED của LG.

     Bên trái là chiếc Pixel 2 với màn hình OLED của Samsung, và bên phải là chiếc Pixel 2 XL với màn hình OLED của LG.

    Bên trái là chiếc Pixel 2 với màn hình OLED của Samsung, và bên phải là chiếc Pixel 2 XL với màn hình OLED của LG.

    TV và điện thoại

    Những chiếc TV OLED của LG vẫn có một vài vấn đề cố hữu như trên màn hình điện thoại. Nó vẫn bị hiện tượng chuyển màu. Nhưng hình ảnh trên những chiếc TV OLED như LG C7 hay B7 vẫn gần như nhau dù xem ở góc hẹp hay nhìn trực tiếp từ phía trước.

    Hiện tượng burn-in (lưu ảnh) là điều đáng lo ngại, tuy nhiên phải mất một thời gian dài sử dụng, hiện tượng hình ảnh xuất hiện thường trực trên màn hình mới xảy ra – ví dụ như, các yếu tố UI (giao diện người dùng) luôn hiển thị trong một trò chơi, sau hàng chục giờ chơi liên tục – sẽ bị bám lại trên màn hình. Trong phần lớn trường hợp, màn hình sẽ trở lại bình thường và nhanh chóng biến mất khi xem nội dung khác.

    Và theo bài đánh giá chiếc tivi LG B7 của trang Rtings.com, khi so sánh về độ đồng nhất hình ảnh màu ghi trên TV này với những chiếc smartphone màn hình OLED kể trên, chiếc TV OLED này đã bỏ xa các đối thủ của mình.

     So sánh giữa màn hình LG V30 và Samsung Galaxy S8 trong điều kiện ánh sáng phòng tối.

    So sánh giữa màn hình LG V30 và Samsung Galaxy S8 trong điều kiện ánh sáng phòng tối.

    Dù đều là màn hình OLED, nhưng phương pháp tiếp cận, vật liệu và công nghệ trong những chiếc TV này có một số khác biệt căn bản so với điện thoại. Ví dụ, nhiều màn hình OLED điện thoại sử dụng cái được gọi là “cách sắp xếp ma trận pixel dạng kim cương”, khác biệt rõ rệt với cách sắp xếp WRGB được sử dụng trên tivi OLED của LG.

    Trong TV OLED của LG, mỗi pixel là một điểm OLED phát ánh sáng trắng làm từ ba lớp màu, nhưng các bộ lọc màu thực sự tạo ra các subpixel màu đỏ, xanh lá cây và xanh nước biển. Nghe có vẻ lạ, nhưng nó vẫn có những ưu điểm về tuổi thọ sử dụng, góc nhìn và chi phí.

    Và cho dù những chiếc TV OLED có những điểm chưa hoàn thiện, những vấn đề đó còn lớn hơn trên các điện thoại màn hình OLED. Cách sắp xếp ma trận pixel dạng kim cương được sử dụng trên điện thoại của Samsung, iPhone X hay nhiều điện thoại màn hình OLED khác đã phải hy sinh tính chính xác và chất lượng.

    Cho dù có rất nhiều yếu tố có thể làm nên sự khác biệt về chất lượng màn hình OLED của LG trên điện thoại và TV, nhưng chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho chúng. Các nhà sản xuất điện thoại còn phải lo lắng về mức tiêu thụ năng lượng nữa. Vì thế, việc sản xuất các tấm nền TV LG sử dụng những vật liệu và quy trình khác với các tấm nền điện thoại LG. Ngoài ra, còn nhiều điểm khác biệt khác không được công bố công khai.

    Samsung đã dành nhiều năm qua để hoàn thiện công nghệ tấm nền OLED trên điện thoại của họ. LG cũng đã đã làm điều tương tự cho các công nghệ của mình trên TV. Bộ phận màn hình của LG được cho rằng sẽ tập trung vào các tấm nền lớn hơn trong thời gian tới, vì vậy công ty hiện đang chơi trò đuổi bắt trên thị trường điện thoại. Nhưng bất kể nhà sản xuất nào đi nữa, không phải mọi tấm nền OLED đều được tạo ra như nhau, đặc biệt là khi so sánh giữa điện thoại và TV. Công nghệ này chỉ mới hoàn thiện gần đây – đặc biệt là khi đề cập đến thiết bị di động.

    Vì vậy, đừng vội bỏ qua những chiếcTV OLED của LG chỉ bởi vì các trục trặc trên màn hình OLED của Pixel 2 XL và LG V30. Hãy kỳ vọng rằng, chất lượng tấm nền OLED sẽ trở nên tốt hơn trong thời gian tới, đối với tất cả các sản phẩm cần đến nó.

    Tham khảo Arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ