Tại sao đến tận bây giờ các hãng Android vẫn không thể tạo ra cảm giác rung phản hồi tốt như Taptic Engine của Apple
Dù cùng sử dụng công nghệ rung phản hồi giống nhau, nhưng mức độ chú tâm của Apple vào Taptic Engine, cả về phần cứng và phần mềm khiến thế giới Android không thể theo kịp họ.
Cuộc chạy đua khốc liệt về tính năng giữa Android và iOS kéo dài hơn 10 năm nay đang khiến hai đối thủ này dần hòa quyện vào nhau. Cả hai nền tảng đều nỗ lực học hỏi những gì tốt nhất của nhau để đưa tới những người dùng trung thành của mình. Đến lúc này, khoảng cách giữa khả năng làm chủ phần cứng chính là điều mang lại khác biệt về trải nghiệm người dùng giữa iPhone và thế giới Android.
Một trong những người hùng vô danh đằng sau sự khác biệt này của Apple lại chính là chi tiết khiến nhiều người chỉ trích, đó là tính năng rung phản hồi dựa trên động cơ Taptic Engine của họ. Trong khi nó giúp Apple loại bỏ các phím bấm vật lý mà không làm phiền lòng người hâm mộ, nó lại bị xem là kẻ tội đồ khi khởi đầu cho sự biến mất của jack cắm âm thanh 3,5mm trên điện thoại.
Taptic Engine trên iPhone 7, người hùng và là kẻ tội đồ khi dẫn đến cái chết của jack tai nghe 3,5mm.
Bất chấp tất cả, Taptic Engine không chỉ là một kỳ tích nhỏ về kỹ thuật mà còn là một ưu thế chiến lược, khi nó vẫn giữ lại được điểm nhấn của Apple về một trải nghiệm người dùng đơn giản và dễ dàng. Ngay cả các kỹ sư của iFixit cũng ấn tượng về nó trên mỗi thiết bị của Apple mà họ mổ xẻ ra, cũng như cách mà nó đưa Apple hướng tới tương lai.
Ngôi đầu về rung phản hồi của Apple
Rung phản hồi chính là công nghệ cốt lõi đằng sau phím bấm ảo trên iPhone 7, 8, hiệu ứng Force Touch trên bàn rê chuột MacBook và tính năng 3D Touch trên các iPhone và Apple Watch mới.
Hiểu một cách đơn giản, rung phản hồi tái tạo lại cảm giác chạm hoặc chuyển động trên một đối tượng không chuyển động được hoặc ít xê dịch như một phím bấm hoặc một bàn rê chuột. Công nghệ này bao gồm một động cơ rung, phát ra các tiếng rung khe khẽ khi bạn ấn hoặc chạm vào nó.
Từ trái qua phải, Taptic Engine trên iPhone 7, 6S và 6.
Apple đăng ký thương hiệu cho động cơ rung của riêng mình dưới tên Taptic Engine. Được giới thiệu lần đầu tiên trên chiếc Apple Watch năm 2014 và sau đó được đưa lên iPhone 6S năm 2015, cuối cùng nó đã hiện diện trên mọi dòng sản phẩm của Apple (trừ iPad). Force Touch và 3D Touch dù có chút khác biệt, nhưng chức năng cốt lõi của nó vẫn tương tự nhau: đưa rung phản hồi lên cấp độ tiếp theo.
Apple không phải công ty đầu tiên tìm cách đưa rung phản hồi thành một tính năng thú vị trên bề mặt kính của điện thoại. Khi những chiếc điện thoại mất dần bàn phím cứng vào đầu những năm 2000, nhiều công ty đã cố gắng tái hiện lại cảm giác đó trên bề mặt cảm ứng.
BlackBerry là công ty đầu tiên nỗ lực làm điều đó với chiếc Storm, khi xem toàn bộ màn hình như một phím bấm. Chiếc Motorola Rokr E8 cũng sử dụng rung phản hồi để mô phỏng cảm giác của phím bấm thực. Hầu hết điện thoại Android (đặc biệt từ trước năm 2014) đều được trang bị tính năng có tên "vibrate on touch" (rung khi chạm) cho phép rung cả điện thoại mỗi khi bạn chạm vào.
Nhưng điều làm Taptic Engine của Apple khác biệt với các ứng dụng rung phản hồi khác trong nhiều năm qua đó là mức độ chính xác mà Apple đặt vào nó, đặc biệt trong một ngày càng không gian chật hẹp bên trong smartphone. Với nỗ lực đó, Apple đang tiến xa hơn bất kỳ công ty nào khác trong việc loại bỏ phím cứng mà không làm người dùng nào cảm thấy luyến tiếc.
Chuyển động rung của Taptic Engine trên iPhone 6S.
Chắc hẳn không nhiều người để ý rằng từ iPhone 4 sang iPhone 6, Apple đã thay thế 3 loại động cơ rung khác nhau trước khi thử nghiệm một phiên bản Taptic Engine theo thiết kế riêng của mình trên iPhone 6. Khi Apple ra mắt Engine này vào năm 2014, nó chỉ bổ sung một tính năng duy nhất đó là mang lại khả năng rung tinh tế cho 3D Touch.
Tuy nhiên, đến iPhone 7, nó thực sự trở thành người hùng trong hành trình mang lại cảm giác đặc trưng của một phím bấm đang chuyển động trên một bề mặt bất động. Một số người thích, một số khác thì không, nhưng dù sao đi nữa, nó thực sự là một tính năng hấp dẫn.
Điều gì làm Taptic Engine trở nên khác biệt như vậy
Để hiểu được điều này, cần phải thấy được những gì mọi người đang làm trên điện thoại của mình. Phần lớn các thiết bị Android đều chuyển từ động cơ rung Eccentric Rotating Mass (ERM – động cơ xoay lệch tâm) sang loại động cơ nhạy hơn, Linear Resonant Actuator (LRA – bộ truyền động cộng hưởng tuyến tính) – cùng loại với động cơ rung trên Apple. Nhưng phần lớn các nhà sản xuất Android không chú ý đến việc tận dụng khả năng của nó như Apple đã làm với phần mềm của mình. Ngoại trừ LG, với các thiết bị LG V30 và V40.
Hai loại động cơ rung trên điện thoại, động cơ xoay lệch ERM và động cơ cộng hưởng tuyến tính LRA.
Vậy Apple đã làm gì để Taptic Engine mang lại cảm giác rung tốt hơn hẳn các đối thủ khác? Một số có thể là sở thích hoặc cảm giác của mỗi người, nhưng yếu tố chính yếu cho điều này nằm ở sự cộng hưởng.
Khi sức nặng nhấn vào động cơ rung để nó chuyển động lên xuống với đúng tốc độ, hiệu ứng rung do động cơ tạo ra sẽ được khuếch tán trên toàn bộ điện thoại. Các động cơ rung trên smartphone hiện đại được thiết kế để hoạt động trong một tần số cộng hưởng của chúng – đúng như cái tên của nó Linear Resonant Actuator – nhưng chỉ bởi vì một động cơ chỉ rung ở tần số tốt nhất của nó không có nghĩa rằng hiệu ứng rung đó sẽ cộng hưởng với cảm giác của người dùng.
Các động cơ rung khác nhau sẽ cộng hưởng ở các tần số dao động khác nhau, do vậy, ngay cả khi sức nặng đặt vào động cơ chuyển động ở tần số cộng hưởng, hiệu ứng rung cũng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào hình dạng, kích thước, và vị trí của động cơ. Các thay đổi về kích thước, hình dạng động cơ cũng tác động đến thời gian nó cần để rung lên ở tần số cộng hưởng, và do vậy cũng ảnh hưởng đến độ chính xác của nó khi được sử dụng trong hệ điều hành.
Chuyển động rung của Taptic Engine trên iPhone 7.
Chính vì vậy, Apple đã tinh chỉnh Taptic Engine của mình để tần số cộng hưởng được tối ưu cho những cú chạm nhanh và chính xác, và do chúng được công ty tự thiết kế, họ có thể chọn các kích thước, hình dạng cụ thể và tần số cho mỗi sản phẩm. Ngược lại, các nhà sản xuất smartphone khác hài lòng với bất cứ động cơ rung nào mà nhà cung cấp mang đến cho họ.
Phần lớn các nhà sản xuất Android không đủ khả năng tích hợp theo chiều dọc cả phần cứng và phần mềm như cách Apple làm, điều luôn giúp họ có lợi thế trong trò chơi này. Ngoại lệ là những chiếc Pixel của riêng Google – dù về mặt kỹ thuật không được Google sản xuất nhưng họ tham gia sâu vào quá trình thiết kế và sản xuất.
Những chiếc Pixel cũng dùng các động cơ LRA hình vuông, có khả năng mang lại nhiều chế độ rung tốt hơn, tương tự như Taptic Engine của iPhone. Nhưng Google không tích hợp nhiều tính năng rung vào phần mềm của mình, vì vậy, các API rung phản hồi của họ dành cho các nhà phát triển ứng dụng không rõ ràng như của Apple. Người sở hữu thiết bị Android không thể thiết lập các kiểu rung hoặc mức độ rung khác nhau cho những cuộc gọi hoặc tin nhắn khác nhau, ít nhất nếu không có các ứng dụng bổ sung.
So sánh chuyển động rung giữa Taptic Engine trên 7 Plus và động cơ của Pixel XL.
Phần mềm cũng là một yếu tố làm Taptic Engine trở nên độc đáo và có nhiều khả năng hơn các thiết bị khác. Nói một cách đơn giản, Taptic Engine trở thành ông vua trong việc rung phản hồi là vì Apple quan tâm đến nó hơn bất kỳ công ty nào khác trong ngành.
Hiện giờ cuộc chiến trong thế giới smartphone đang chuyển dần lên phân khúc cao cấp. Mọi linh kiện bên trong thiết bị giá 1.000 USD đó đều tồn tại vì các lý do cụ thể. Hãy nhìn vào phần không gian quan trọng bên trong thiết bị mà Apple đã hy sinh cho động cơ Taptic Engine của mình so với các đối thủ khác. Ngay cả với chiếc iPhone XS Max có kích thước lớn hơn, động cơ Taptic Engine cũng lớn hơn.
Tại sao rung phản hồi lại quan trọng với tương lai
Sự chú trọng về rung phản hồi của Apple được thể hiện trong mọi dòng sản phẩm của họ. Bộ phận Taptic Engine chiếm đến một phần diện tích bên dưới màn hình nhỏ bé của Apple Watch, chiếm cả vào phần không gian dành cho pin.
Bàn rê Force Touch trên MacBook Retina 2015.
Bàn rê Force Touch của MacBook Pro được sinh ra một phần vì mong muốn tiết kiệm không gian vốn đã chật hẹp bên trong MacBook Pro 2015, do vậy không đủ chỗ trống cho một bàn rê chuột chuyển động. Nhưng canh bạc của Apple đã được đền đáp. Phần lớn những người sử dụng MacBook mới đều sẽ nói với bạn rằng việc sử dụng bàn rê Force Touch sẽ hấp dẫn bạn hơn bất cứ thứ gì khác.
Cho dù vậy, không phải mọi người đều chú ý đến mọi thứ mà sức mạnh về khả năng rung phản hồi của Apple mang lại. Trừ khi bạn có ai đó nói với bạn về nó, nếu không có lẽ bạn sẽ chẳng nghe thấy nhiều người sở hữu iPhone ca ngợi về 3D Touch. Trang The Verge còn cho rằng, việc loại bỏ 3D Touch trên iPhone XR cho thấy nó là một tính năng không cần thiết và thừa thãi như thế nào.
Nhưng các tài năng về rung phản hồi này đang nắm giữ nhiều khả năng mới cho tương lai của công ty. Một trong các tương lai có thể nằm ở việc thay thế các bàn phím đang gặp vấn đề của Apple bằng một bàn phím không phím cứng: một màn hình cảm ứng có thể phát hiện lực bấm, đưa ra phản hồi và chỉnh sửa theo ý muốn, ví dụ địa phương hóa bàn phím của họ.
Một laptop toàn màn hình cảm ứng như vậy có thể giống một nguyên mẫu trình diễn hơn là một sản phẩm hữu ích. Nhưng cũng giống như một phím Home ảo và một bàn rê chuột không cần thực sự bấm vào, đừng ngạc nhiên nếu đến một lúc nào đó Apple sẽ mang nó đến cho bạn.
Tham khảo iFixit
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín