Tại sao suốt 45 năm qua con người không còn muốn khám phá Mặt trăng nữa? Câu trả lời có vẻ sẽ khiến nhiều người buồn lòng

    J.D, Theo Helino 

    Mặt trăng vẫn luôn còn rất nhiều bí ẩn, nhưng vì sao con người lại dừng lại?

    NASA đã từng đưa 12 người lên Mặt trăng, và đó là một trong những thành tựu lớn nhất trong lịch sử. Mà cũng có gì to tát đâu? Chỉ là thu thập vài mẫu đá, chụp vài tấm ảnh, làm vài thí nghiệm, cắm vài lá cờ rồi đi về, thế thôi!

    Tại sao suốt 45 năm qua con người không còn muốn khám phá Mặt trăng nữa? Câu trả lời có vẻ sẽ khiến nhiều người buồn lòng - Ảnh 1.

    Nhưng những ngày đó đã xa quá rồi. Đã hơn 45 năm kể từ khi nhiệm vụ chở người cuối cùng lên Mặt trăng - con tàu Apollo 17 - kết thúc vào tháng 12/1972.

    Vấn đề là tại sao ngần ấy năm vẫn chẳng có chuyến bay nào? Chẳng lẽ Mặt trăng không còn điều gì thu hút con người nữa? Hoàn toàn không phải, vì thực chất chúng ta có rất nhiều lý do để tiếp tục chinh phục Mặt trăng.

    Mặt trăng - địa điểm chưa bao giờ hết "hot" để chinh phục

    Đối với cả khoa học và giới kinh doanh, căn cứ trên Mặt trăng có thể được cải tiến. Nó sẽ trở thành trạm cung cấp năng lượng dành cho các chuyến khai phá vũ trụ xa hơn, hoặc là nơi thiết lập các đài quan sát thiên văn để cải thiện khả năng quan sát của chúng ta.

    Đó là chưa tính đến chuyện vệ tinh này vẫn còn rất nhiều bí ẩn cần chinh phục, như việc Mặt trăng được hình thành như thế nào? Thậm chí, nó có thể trở thành nơi tiềm năng để khai phá du lịch vũ trụ nữa.

    Tại sao suốt 45 năm qua con người không còn muốn khám phá Mặt trăng nữa? Câu trả lời có vẻ sẽ khiến nhiều người buồn lòng - Ảnh 2.

    Mặt trăng có thể trở thành địa điểm khai phá đầy tiềm năng

    "Trạm nghiên cứu trên Mặt trăng là một nước đi hợp lý. Nó chỉ cách chúng ta có 3 ngày di chuyển, thế nên dù sai lầm đi chăng nữa cũng không quá nguy hiểm" - Chris Hadfield, một cựu phi hành gia cho biết.

    "Và chúng ta cũng có cả tá thứ về vũ trụ cần được kiểm tra và thu thập thông tin, trước khi muốn đi xa hơn."

    Nhưng rốt cục thì vẫn chẳng có nhiệm vụ nào được thực hiện tiếp sau Apollo 17 cả. Lý do là vì sao?

    Chi phí quá đắt đỏ để thực hiện

    Theo đạo luật được ký bởi tổng thống Donald Trump vào năm 2017, ngân quỹ được cấp cho NASA mỗi năm rơi vào khoảng 19,5 tỉ USD, và có thể tăng lên thành 19,9 tỉ vào năm 2019.

    Nghe thì oách đúng không? Nhưng hãy xem những dự án hiện tại họ đang phải theo đuổi, bao gồm kính thiên văn vũ trụ James Webb, Hệ thống phóng tên lửa, nhiệm vụ tiếp cận Mặt trời, sao Mộc, sao Hỏa, vành đai thiên thạch Asteroid Belt, vành đai Kuiper, và khu vực rìa Hệ Mặt trời.

    Tại sao suốt 45 năm qua con người không còn muốn khám phá Mặt trăng nữa? Câu trả lời có vẻ sẽ khiến nhiều người buồn lòng - Ảnh 3.

    Các nhiệm vụ trên vũ trụ đều có chi phí cực lớn

    Mỗi dự án đều cần các khoản kinh phí trị giá hàng tỉ đô. Và đó là chưa tính đến việc ngân quỹ của NASA đã bị cắt giảm rất nhiều so với những gì họ từng có.

    "Năm 1965, phần của NASA đạt 4% ngân quỹ liên bang, là mức cao nhất. Trong 40 năm tiếp theo thì luôn duy trì ở mức dưới 1%. Và trong 15 gần nhất thì chỉ còn 0,4%." - Walter Cunningham, cựu phi hành gia của tàu Apollo 7 chia sẻ.

    Năm 2005, NASA đã thử ước tính chi phí đưa con người trở lại Mặt trăng, và nó rơi vào khoảng 104 tỷ USD. Nếu quy đổi theo tỷ lệ lạm phát, nó tương đương với 133 tỷ USD ngày nay. Hoặc như nhiệm vụ Apollo ngày xưa, giờ cũng phải tốn đến 120 tỷ.

    Với những con số như vậy thì ngân quỹ đưa ra là không thể đủ, kể cả khi cắt giảm phí duy trì dành cho trạm vũ trụ ISS vốn cũng sắp đến hồi kết.

    "Đưa con người đi du hành vũ trụ là các nhiệm vụ đắt đỏ nhất, vậy nên rất khó để nhận được hậu thuẫn từ các chính trị gia." - Cunningham thẳng thắn chia sẻ.

    "Cho đến khi chính phủ chấp thuận đầu tư thêm tiền, thì chúng ta chỉ có thể dừng lại ở những gì đang làm thôi."

    Ngay cả với nhiệm vụ với sao Hỏa, Cunningham cũng buộc phải thừa nhận rằng ngân quỹ hiện tại cũng là quá nhỏ để nghĩ đến điều đó. Và vấn đề là các chính trị gia cũng chẳng bận tâm. Họ có nhiều việc để lo hơn.

    Những thách thức không chỉ nằm ở kinh phí

    Kinh phí và sự phản đối của các chính trị gia không phải là lý do duy nhất khiên con người chưa thể quay lại Mặt trăng. Trên thực tế, vệ tinh này là có thể trở thành một nơi rất nguy hiểm để tiếp cận mà chúng ta không được phép đánh giá thấp nó.

    Đầu tiên, bề mặt của Mặt trăng có rất nhiều miệng núi lửa và đất gập ghềnh, gây nguy hiểm cho việc hạn cánh. Như nhiệm vụ năm 1969, chính phủ Mỹ đã phải đầu tư số tiền trị giá hàng tỷ USD vào ngày nay chỉ để phát triển một vệ tinh cho phép tái lập bản đồ Mặt trăng, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu Apollo hạ cánh.

    Một mối lo còn lớn hơn thế, đó là cái gọi là "bụi Mặt trăng" - moon dust. Theo Madhu Thangavelu - một kỹ sư hàng không tại ĐH Nam California, thì bề mặt của vệ tinh này có chứa "một lớp bụi mịn, có thể dày tới hàng chục centimet. Chúng được tích điện rất mạnh do tiếp xúc với gió Mặt trời, nên có thể bám vào các thiết bị và ăn mòn chúng rất nhanh."

    Tại sao suốt 45 năm qua con người không còn muốn khám phá Mặt trăng nữa? Câu trả lời có vẻ sẽ khiến nhiều người buồn lòng - Ảnh 4.

    Bụi Mặt trăng là một trong những mối nguy rất lớn

    Peggy Whitson - một phi hành gia từng sống trên vũ trụ tổng cộng 665 ngày chia sẻ rằng Apollo ngày xưa đã gặp rất nhiều vấn đề với thứ bụi này. "Nếu có thể ở lại lâu hơn và xây dựng được một trạm Mặt trăng, chúng tôi có thể tìm ra cách để xử lý chúng."

    Mặt trời cũng là vấn đề nghiêm trọng. Tốc độ quay của Mặt trăng là rất chậm, nên sẽ có tới 14,75 ngày một bên mặt của Mặt trăng bị ánh mặt trời chiếu vào. Và câu chuyện là Mặt trăng không có khí quyển, nơi ấy sẽ giống như một lò lửa vậy.

    Và trong 14,75 ngày sau đó, toàn bộ khu vực lại chìm vào bóng tối, và nhiệt độ trở nên lạnh đến mức không ai có thể tưởng tượng ra.

    Dù vậy, NASA cũng đã phát triển được rất nhiều công cụ để xử lý những khó khăn này. Như Kilopower - một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ có thể cung cấp đủ năng lượng cho các nhà du hành trong giai đoạn không có Mặt trời. Nó cũng có thể sử dụng được trên sao Hỏa nữa.

    Ngoài ra, chúng ta cũng có các bộ đồ phi hành chống được bức xạ, robot tự hành kháng bụi, và rất nhiều công cụ khác chưa có cơ hội được sử dụng.

    Tương lai được trao vào tay... các tỷ phú yêu vũ trụ

    "Chúng ta có một thế hệ tỷ phú cực kỳ đam mê vũ trụ, và điều này thật tuyệt" - phi hành gia Jeffrey Hoffman cho biết.

    "Tất cả các bước đột phá trong 10 năm qua sẽ không thể thành thực nếu chúng tôi chỉ có một mình."

    Tại sao suốt 45 năm qua con người không còn muốn khám phá Mặt trăng nữa? Câu trả lời có vẻ sẽ khiến nhiều người buồn lòng - Ảnh 5.

    Đó là Elon Musk và công ty "xịn đét" của ông - SpaceX, và Jeff Bezos với Blue Origin,

    Rất nhiều phi hành gia ao ước quay trở lại Mặt trăng, và ao ước này cũng đúng với dự định của Bezos. Nhà tỷ phú muốn cùng Blue Origin xây dựng trạm không gian đầu tiên trên Mặt trăng, với hệ thống tên lửa New Glenn mới phát triển. "Chúng ta sẽ mang mọi ngành công nghiệp nặng ra khỏi Trái đất, để hành tinh xanh chỉ là nơi ở với các ngành công nghiệp nhẹ nhàng hơn." - Bezos chia sẻ tham vọng của mình vào tháng 4/2018.

    Musk thì đã có những bước đột phá trong công nghệ phát triển tên lửa. Hệ thống tên lửa Big Falcon đã tạo ra một tương lai giảm thiểu mọi chi phi khi di chuyển đến Mặt trăng, vì đó là tên lửa có thể tái sử dụng.

    "Giấc mơ của tôi là biến Mặt trăng trở thành một vùng kinh tế quan trọng với Trái đất." Hoffman chia sẻ. "Có thể một ngày nào đó."

    Nhìn chung, giới chuyên gia chẳng nghi ngờ gì việc chúng ta sẽ sớm quay lại Mặt trăng. Vấn đề là khi nào thôi.

    Tham khảo: Business Insider, Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ