Tại sao suốt nhiều năm liền Microsoft không thẳng tay phạt hàng triệu người dùng phần mềm “lậu”?
Microsoft cố tình nhắm mắt làm ngơ hay còn mục đích sâu xa nào khác?
Một người dùng Quora đã khơi mào một chủ đề tưởng như cũ kỹ nhưng lại thu hút nhiều câu trả lời và bình luận đến không ngờ:
Tại sao suốt nhiều năm liền Microsoft không ra tay xử lý hàng triệu người dùng Windows “lậu”?
Có lẽ người dùng Windows, nhất là ở các nước đang phát triển, không còn xa lạ gì với việc lên Google tìm “Product Key” hay “Windows Activation” với hàng ngàn kết quả hướng dẫn vô cùng chi tiết vẫn ngang nhiên tồn tại suốt bấy lâu nay. Câu hỏi đặt ra là, với tiềm lực mạnh như vậy, tại sao Microsoft không thực hiện những biện pháp xử lý trên diện rộng để loại bỏ tình trạng này?
Balaji Viswanathan, một cựu nhân viên Microsoft đã đưa ra câu trả lời thậm chí còn nhận được khá nhiều lượt upvote từ chính các nhân viên Microsoft trên Quora. Cụ thể, anh cho rằng Microsoft thực chất đã nỗ lực ngăn chặn nhưng vẫn cố ý bỏ ngỏ cho một bộ phận người dùng sử dụng "lậu" như một chiến lược marketing miễn phí.
Nhiều năm qua, gã khổng lồ phần mềm đã tiến hành không ít biện pháp khiến cho việc sử dụng phần mềm lậu khó khăn hơn, chẳng hạn như việc liên tục yêu cầu người dùng cập nhật Windows bản mới hay gây áp lực lên chính phủ các nước về vấn đề luật bản quyền. Nhiều doanh nghiệp cũng đã phải đầu tư mua phần mềm bản quyền để tránh rắc rối về sau.
Một người dùng Quora khác có tên Mathew Lodge cũng đồng tình khi cho rằng tại các nước có tỷ lệ dùng lậu cao như Trung Quốc, Phillippines, Hong Kong, Malaysia,…, Microsoft đều phải thuê rất nhiều luật sư chống hàng giả và vi phạm bản quyền. Thế nhưng những luật sư này thường sẽ chỉ xử lý các công ty, tổ chức chứ không xử lý các cá nhân, bởi đơn giản người dùng cá nhân chắc chắn cũng chẳng có đủ tiền để đền bù kiện cáo về vi phạm bản quyền.
Đối với người dùng cá nhân, việc bảo vệ bản quyền có khó khăn hơn nhưng Microsoft cũng khôn khéo đưa ra các gói “Starter pack” giá rẻ cho người mới bắt đầu nhằm hạ thấp rào cản mua phần mềm thật với những ai chưa thực sự sẵn sàng.
Tuy nhiên, ngay cả khi người dùng phần mềm lậu quá đông, quá nguy hiểm đến mức không chống lại nổi thì Microsoft cũng…chẳng thiệt hại là bao, thậm chí còn được lợi từ nhóm này, tại sao vậy?
Có hai lý do chính:
- Một là, nhóm người này hoàn toàn không được tính vào phần doanh thu bị mất bởi ngay cả khi không tải được phần mềm lậu thì khả năng cao họ cũng sẽ chẳng chịu bỏ tiền ra mua phần mềm bản quyền, đằng nào thì Microsoft cũng vẫn không thu được gì từ họ.
- Hai là, nếu phần mềm Microsoft crack không dễ kiếm như hiện nay, các “tín đồ Win lậu” kia hẳn đã quay sang dùng Linux, Mac,… cũng như nhiều phần mềm văn phòng mã nguồn mở khác, và Windows, Office có lẽ đã không phổ biến như ngày nay. Đây chính là kịch bản khủng khiếp nhất đối với Microsoft.
Những bản phần mềm “miễn phí” có thể lấy đầy rẫy từ internet hay đĩa cài này đã giúp Microsoft “nuôi” một lượng lớn trong số hàng triệu người dùng của hãng, đồng thời tạo nên một hệ sinh thái khổng lồ trên PC.
Ai cũng biết hệ sinh thái là thứ có thể nuôi sống và cũng có thể giết chết các phần mềm cũng như các công ty phát triển chúng. Chính hệ sinh thái khổng lồ đã thu hút không ít lập trình viên tham gia phát triển hàng ngàn phần mềm, ứng dụng cho Windows – điều mà Microsoft có dùng tiền hay các chiêu thức marketing rầm rộ cũng chưa chắc đã mang về được hiệu quả tương đương.
Chưa hết, những học sinh, sinh viên từng dùng Windows lậu rồi cũng sẽ đến lúc bước vào thị trường lao động. Đúng như Microsoft kỳ vọng, họ đã quen với Windows và vẫn sẽ tiếp tục trung thành với Windows, biến nó thành nền tảng tiêu chuẩn tại vô vàn công sở trên khắp thế giới. Microsoft chắc chắn sẽ để mất rất nhiều doanh thu nếu ngăn chặn những người này sử dụng Windows ngay từ khi họ mới chập chững làm quen với PC.
Chiến lược cố ý lỏng tay đó đã giúp Microsoft chiếm mất kha khá thị phần của Linux, tương tự như cách họ “cho không” trình duyệt Internet Explorer kèm trong Windows để đánh bại Netscape thuở nào. Bằng cách tung “Windows cho tất cả mọi người”, Microsoft ung dung chiếm trọn một mảng lớn thị trường mà không bao giờ phải lo đến chuyện có vi phạm luật chống độc quyền hay không.
Điều này có thể sẽ nhắc nhiều người nhớ đến chiến lược “dụ dỗ” tương tự của IBM khi xưa: Cung cấp phần mềm, khóa huấn luyện và chứng chỉ miễn phí để người nhận chứng chỉ có thể sẵn sàng sử dụng các phần mềm IBM tại các văn phòng, công sở. Thế nhưng trong khi IBM vẫn phải chi tiền cho DVD, khóa huấn luyện và chứng chỉ thì Microsoft, rõ ràng cao tay hơn, lại chẳng mất xu nào để có được kết quả như kỳ vọng.
Giờ thì có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao Microsoft lại phải ghét bỏ những kẻ phát tán Windows lậu trong khi “công lao” của họ cũng không hề nhỏ chút nào?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4