Tại sao tần số quét 120Hz trên màn hình Galaxy S20 chỉ dành cho độ phân giải Full HD+?
Hóa ra không phải ngẫu nhiên Samsung giới hạn tùy chọn này của người dùng Galaxy S20.
- Đã có điểm benchmark đầu tiên giữa chip Snapdragon 865 trên Galaxy S20 và Snapdragon 855 trên Galaxy S10
- Video trên tay Samsung Galaxy S20 Plus, không còn cong nhiều, màn hình 120Hz, mất jack cắm tai nghe 3.5mm
- Rò rỉ thông số kỹ thuật bộ ba Galaxy S20, trong đó S20 Ultra sẽ thực sự là một con "quái vật"
Ngành công nghiệp smartphone dường như đang chuyển từ cuộc chiến megapixel sang cuộc đua bất tận về tần số quét (refresh rate) màn hình ngày càng cao hơn. Đối thủ mới nhất trên đường đua này chính là Samsung, khi người khổng lồ Hàn Quốc được cho sẽ trang bị màn hình với tần số quét ở mức rất cao lên chiếc Galaxy S20 sắp ra mắt.
Các tin đồn cho rằng Galaxy S20 sẽ được trang bị màn hình AMOLED 120Hz. Bằng chứng của tin đồn này là một menu ẩn trong giao diện One UI 2.0 Beta, cho thấy người dùng có thể chuyển đổi giữa các tần số quét khác nhau, như 60Hz và 120Hz, cả bằng tay hoặc tự động.
Tuy nhiên, người dùng sẽ phải chấp nhận đánh đổi, khi ở chế độ màn hình ultra-smooth với tần số quét cao, độ phân giải màn hình sẽ không còn ở mức tối đa. Leaker nổi tiếng Ice Universe nhấn mạnh rằng, Samsung đã loại bỏ tùy chọn độ phân giải WQHD ở chế độ 120Hz trên dòng Galaxy S20. Vì vậy trên thực tế, tần số quét 120Hz sẽ chỉ hoạt động ở độ phân giải Full HD mà thôi.
Tuy nhiên, chính Ice Universe trước đó là người đã "xác nhận rằng" chế độ 120Hz trên Galaxy S20 sẽ vẫn hoạt động với màn hình độ phân giải cao. Dù sao đi nữa, có lẽ thông tin mới nhất mà leaker này có được đã thay đổi.
Dòng tweet của Ice Universe về việc người dùng Galaxy S20 sẽ phải đánh đổi giữa màn hình 120Hz và độ phân giải cao.
Dù điều này có thể làm bạn thất vọng đôi chút, nhưng trước tiên hãy tìm hiểu về những lợi ích của màn hình 120Hz và có thể bạn sẽ thấy việc Samsung giới hạn độ phân giải ở chế độ màn hình này lại là một bước đi thông minh như thế nào.
120Hz: tốt hơn 90Hz, nhanh hơn 2 lần so với 60Hz
Hiển nhiên màn hình 120Hz sẽ mượt mà hơn so với màn hình 90Hz trên những chiếc flagship của năm 2019 như Google Pixel 4 hay OnePlus 7 Pro. Với tần số quét cao như trên, nội dung hiển thị trên màn hình sẽ được làm tươi 120 lần mỗi giây, nhanh gấp đôi so với cả các flagship của Samsung vào năm ngoái khi vẫn dùng màn hình 60Hz.
Điều này nghĩa là nó sẽ mang lại cho người dùng trải nghiệm điều hướng giao diện UI trơn tru hơn, các hình ảnh cũng ít bị vỡ hơn khi đang chơi các game 3D tốc độ cao và trải nghiệm tổng thể của người dùng smartphone cũng sẽ nhanh hơn rõ rệt.
Mặc dù không phải ai cũng nhận ra các khác biệt này khi so sánh với màn hình 90Hz, nhưng rõ ràng trang bị màn hình này là một bước tiến dài đối với flagship trong năm nay của Samsung.
Điểm trừ đáng tiếc nhưng bắt buộc đối với Galaxy S20
Trong khi màn hình 120Hz chắc chắn là một nâng cấp đáng mừng đối với người dùng, nhưng nó cũng có điểm trừ khó tránh khỏi: thời lượng pin.
Các tin đồn cho thấy, Galaxy S20 Ultra sẽ có viên pin lớn nhất, đến 5.000 mAh, gia tăng đáng kể so với khối pin 4.300 mAh trên Galaxy Note 10 Plus và viên pin 4.100 mAh trên Galaxy S10 Plus. Tuy nhiên, khối pin lớn trên chưa hẳn đã đủ cho màn hình với tốc độ làm tươi lên đến 120Hz.
Khả năng tiêu thụ pin thực sự là một vấn đề lớn đối với các smartphone có màn hình với tần số quét cao. Một thử nghiệm của trang Android Authority cho thấy, thời lượng pin của OnePlus 7 Pro giảm đi đáng kể khi chuyển từ màn hình 60Hz thông thường sang màn hình 90Hz.
Đó cũng là lý do tại sao những thiết bị như Google Pixel 4 chuyển đổi linh hoạt giữa màn hình 90Hz và 60Hz nhằm giảm mức độ hao tốn pin. Các thử nghiệm cho thấy, dù có khối pin lớn hơn, thời gian sáng màn hình của Pixel 4 XL sẽ chỉ tương đương với Pixel 4 khi chuyển sang chế độ 90Hz.
Người dùng sẽ buộc phải lựa chọn giữa tần số quét cao và độ phân giải cao trên màn hình Galaxy S20.
Có lẽ đây cũng là lý do vì sao Samsung lại đưa ra chế độ màn hình thích ứng khi chuyển đổi giữa các tần số quét màn hình khác nhau, tương tự như cách làm của Google và OnePlus. Điều này lại đặc biệt cần thiết hơn khi theo tin đồn, có thể Galaxy S20 và S20 Plus sẽ có dung lượng pin nhỏ hơn S20 Ultra.
Bản thân việc hoạt động ở độ phân giải WQHD (với tổng cộng 3.686.400 pixel trên màn hình) đã ngốn một lượng lớn sức mạnh xử lý cũng như thời lượng pin, nếu thiết bị phải gánh thêm tần số quét lên tới 120Hz sẽ càng làm thời lượng sử dụng trở nên ngắn hơn. Trong khi đó, với độ phân giải Full HD (với 2.073.600 pixel trên màn hình), năng lực xử lý và thời lượng pin sẽ được giảm nhẹ đáng kể.
Cho đến nay trên thị trường mới chỉ có Asus ROG Phone 2 là điện thoại duy nhất trang bị màn hình AMOLED với 120Hz. Ngay cả khi được trang bị khối pin lớn đến 6.000 mAh, thiết bị này cũng chỉ có độ phân giải cao nhất 1080p khi ở chế độ màn hình 120Hz.
Trong thế giới game thủ, màn hình độ phân giải cao và tần số quét cao là combo hoàn hảo cho họ. Đó là lý do tại sao các game thủ không tiếc tiền mua cho mình các màn hình gaming đắt đỏ. Tuy nhiên, đáng tiếc là smartphone lại không có nguồn điện liên tục như màn hình để mang lại trải nghiệm tốt đến như vậy.
Rõ ràng Samsung biết rất rõ điều này nên đang đưa ra lựa chọn cân bằng giữa thời lượng pin và mức độ mượt mà của màn hình. Liệu màn hình 120Hz trên OnePlus có tránh khỏi giới hạn này hay không? Chúng ta sẽ biết sau khi nó ra mắt.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI