Tại sao tim lại là bộ phận duy nhất trong cơ thể gần như không thể bị ung thư?

    Đức Khương,  

    Khi nhắc tới ung thư, chúng ta có thể đã nghe nói đến ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư gan và ung thư tuyến tụy nhưng hiếm khi có ung thư tim.

    Ung thư là do đột biến gen, thường xảy ra trong giai đoạn phân chia tế bào, vì lúc này tế bào đang tự sao chép DNA của chính mình, nếu quá trình sao chép gặp trục trặc thì ung thư có thể xảy ra.

    Do đó, tế bào phân chia trong mô càng thường xuyên thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Ví dụ, tế bào gan của chúng ta có thể tái tạo nhanh chóng sau chấn thương, tế bào da tự làm mới khoảng 28 ngày một lần, tế bào vị giác trên lưỡi tự làm mới khoảng 10 ngày một lần và tế bào biểu bì ở ruột kết tái tạo hoàn toàn trong vòng vài ngày.

    Sự luân chuyển nhanh chóng của các tế bào này tạo điều kiện cho sự tích tụ các lỗi trong quá trình sao chép DNA, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Nhưng trái tim thì khác, nó được xem là bộ phận duy nhất trong cơ thể gần như không thể bị ung thư.

    Tại sao tim lại là bộ phận duy nhất trong cơ thể gần như không thể bị ung thư?- Ảnh 1.

    Ung thư có thể phát triển ở hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể, tuy nhiên hiếm khi người ta nghe nói đến căn bệnh này ảnh hưởng đến tim. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi người vẫn có thể mắc bệnh ung thư tim nguyên phát - mặc dù rất may là trường hợp này rất hiếm.

    Tại sao lại như vậy? 

    Tế bào cơ tim hiếm khi sinh sôi và phân chia, khoảng 20 năm mới được đổi mới, với tốc độ chậm như vậy, tế bào tim sẽ ít xảy ra sai sót hơn. Thứ hai, tim và mạch máu tạo thành một hệ tuần hoàn khép kín độc đáo, không dễ bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập, can thiệp của các chất độc hại từ bên ngoài.

    Ngay cả khi có tế bào ung thư ngoại lai, do máu chảy vào tim cực nhanh nên nhiều chất gây đột biến không thể tồn tại. Cùng với vị trí đặc biệt của tim, nó luôn ở trong môi trường áp suất cao và oxy hóa cao liên tục. Môi trường này sẽ thúc đẩy các tế bào cơ tim áp dụng cơ chế phản ứng và sửa chữa tổn thương nghiêm ngặt hơn, do đó làm giảm đáng kể khả năng mắc bệnh ung thư.

    Tại sao tim lại là bộ phận duy nhất trong cơ thể gần như không thể bị ung thư?- Ảnh 2.

    Ung thư xảy ra do một “lỗi” trong quá trình phân chia tế bào, dẫn đến một tế bào bị đột biến tiếp tục sinh sôi nảy nở một cách bất thường và phân chia không kiểm soát. Tuy nhiên, trong cơ tim, các tế bào phân chia tương đối chậm, khoảng 20 năm.

    Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ung thư tim hoàn toàn không thể xảy ra, khối u ở tim vẫn tồn tại. Cũng giống như bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể, một người có thể có khối u không ác tính phát triển trên tim, ví dụ như khối u được gọi là u nhầy. Mặc dù lành tính nhưng chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu khối u ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong buồng tim.

    Tiến sĩ Tochukwu Okwuosa, bác sĩ tim mạch và giám đốc khoa tim mạch- ung thư tại Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago, nói với IFLScience: "Trong suốt sự nghiệp của mình, có lẽ tôi đã gặp bệnh ung thư tim nguyên phát ác tính hai hoặc ba lần".

    Bà nói thêm: "Chúng không phải là những khối u ác tính phổ biến và đó là lý do tại sao hầu hết mọi người không thường xuyên nói về chúng".

    Không khác gì bất kỳ bệnh ung thư ác tính nào khác, căn bệnh này liên quan đến sự phát triển tế bào không kiểm soát được, khiến bệnh lây lan và xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn. Khi điều này xảy ra ở tim, nó thường chuyển hóa nhanh và đặc biệt dữ dội.

    Nghiên cứu cho thấy các khối u ở tim có thể bắt nguồn từ các tế bào trong tim hoặc di căn từ các tế bào ung thư ở nơi khác trong cơ thể và hầu hết là các khối u lành tính.

    Đánh giá từ số liệu thống kê dữ liệu lâm sàng, tỷ lệ mắc bệnh u tim chỉ là 0,0017% đến 0,028%.

    Tại sao tim lại là bộ phận duy nhất trong cơ thể gần như không thể bị ung thư?- Ảnh 3.

    Virgil Abloh, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng đằng sau thương hiệu Off-White, qua đời vào năm 2021 ở tuổi 41 do ung thư mạch máu tim, một dạng ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến mạch máu của tim. Eric Carr, người từng là tay trống của ban nhạc rock Kiss trong những năm 1980, qua đời vì bệnh ung thư tim vào năm 1991, cũng ở tuổi 41.

    Các triệu chứng của bệnh ung thư tim là gì?

    Sự khan hiếm cực độ của bệnh ung thư tim nói chung là một điều tích cực, nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta đang thực sự thiếu dữ liệu chính xác về căn bệnh này, khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong việc giải quyết chúng. Ví dụ, chúng ta vẫn không rõ liệu bất kỳ lựa chọn lối sống hoặc tình trạng sức khỏe cụ thể nào có làm tăng nguy cơ ung thư tim hay không. Thậm chí người ta còn không rõ làm thế nào và tại sao các khối u tim phát sinh hoặc cách điều trị chúng tốt nhất.

    "Chúng tôi không biết yếu tố rủi ro là gì", tiến sĩ Okwuosa tiếp tục: "Không có yếu tố nguy cơ cụ thể nào khiến bệnh nhân mắc bệnh ung thư tim".

    Các triệu chứng của bệnh ung thư tim cũng có thể khó xác định. Một số khối u không có triệu chứng, trong khi hầu hết những khối u khác chỉ gây ra các triệu chứng không đặc hiệu, chẳng hạn như mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, đau ngực và đánh trống ngực.

    Nếu bạn cảm thấy khó chịu và nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì đó không chắc là khối u ở tim, nhưng bạn nên nhờ chuyên gia y tế kiểm tra.

    Tham khảo: Iflscience; Zhihu

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ