Tại sao tôi lại quyết định bán Xiaomi Mi A1 chỉ sau 1 tuần sử dụng?

    Bình Minh,  

    Vỏ kim loại, cấu hình mạnh, camera kép, chạy Android thuần Google mượt mà... còn gì để chê ở Xiaomi Mi A1 mà đã khiến tôi phải bán vội?

    Xiaomi Mi A1 là smartphone rất tốt trong tầm giá. Sở hữu cấu hình mạnh (Snapdragon 625 RAM 4GB), kết hợp với Android thuần Google, có thể nói đây là chiếc máy Android mượt mà nhất mà bạn có thể mua được trong tầm giá 5-6 triệu đồng. Mi A1 còn sở hữu nhiều ưu điểm về cụm camera kép với tính năng xóa phông, cổng USB-C, vỏ kim loại...

     Xiaomi Mi A1

    Xiaomi Mi A1

    Với việc là một fan của Android gốc, tôi cảm thấy rất hào hứng khi Xiaomi hợp tác với Google cho ra mắt chiếc máy này. Chất lượng phần cứng và mức giá rẻ của Xiaomi, khi kết hợp với thế mạnh về phần mềm của Google, chắc chắn sẽ tạo ra một sản phẩm tốt đến độ mà người dùng không cần phải suy nghĩ nhiều khi quyết định chọn mua. Chính vì vậy, khi Mi A1 bắt đầu bán chính hãng tại VN, tôi đã lập tức ra ngoài và sở hữu ngay một chiếc.

     Mi A1 thuộc dự án Android One và là sự kết hợp giữa Xiaomi và Goole

    Mi A1 thuộc dự án Android One và là sự kết hợp giữa Xiaomi và Goole

    Thế nhưng, tôi đã lầm. Chỉ sau khoảng 1 tuần sử dụng, tôi đã buộc phải bán nó. Mặc dù rất thích chiếc máy này, nhưng, Xiaomi Mi A1 sở hữu một vấn đề duy nhất, nhưng cũng là chí mạng khiến tôi không thể tiếp tục sử dụng nó.

    Và vấn đề ở đây liên quan đến màn hình của máy. Xét về thông số, màn hình của Mi A1 có kích thước 5.5 inch, độ phân giải Full HD, công nghệ IPS - không tệ đúng không? Nhưng, vấn đề thực sự ở đây lại không nằm ở những thông số đó, mà lại ở môt thứ khác mà không nhà sản xuất nào nhắc đến: tần số quét màn hình (refresh rate).

    Chiếc Mi A1 mà tôi sử dụng có lẽ là điện thoại tầm trung có tần số quét màn hình tệ nhất hiện nay. Người dùng có thể nhận ra điều này trong mọi tác vụ, từ cuộn nội dung trên màn hình, cho đến các hiệu ứng chuyển cảnh của hệ điều hành Android.

    Cần phải lưu ý rằng đây là một vấn đề rất khó để có thể mô tả bằng từ ngữ, hay thậm chí là cả hình ảnh hay video. Người dùng sẽ phải trực tiếp trên tay và sử dụng mới có thể nhận ra được. Cách duy nhất mà tôi có thể làm được để phần nào chứng tỏ nó là so sánh với một chiếc máy khác. May thay, tôi lại đang có cơ hội sử dụng chiếc Asus Zenfone 4 Max Pro - một chiếc máy cũng nằm cùng phân khúc với Mi A1.

    Mặc dù là một chiếc máy không được đầu tư vào màn hình (màn hình của Zenfone 4 Max Pro chỉ có độ phân giải HD), tuy nhiên, chiếc máy đến từ Asus vẫn giành phần thắng so với Mi A1 về tần số quét.

     Hình ảnh cắt từ clip slow-motion cuộn trang web giữa Mi A1 (trái) và Zenfone 4 Max Pro (phải). Có thể thấy hình ảnh trên màn hình của Mi A1 bị ghosting (bóng ma) nặng hơn nhiều so với Zenfone

    Hình ảnh cắt từ clip slow-motion cuộn trang web giữa Mi A1 (trái) và Zenfone 4 Max Pro (phải). Có thể thấy hình ảnh trên màn hình của Mi A1 bị ghosting (bóng ma) nặng hơn nhiều so với Zenfone

    Slow-motion so sánh màn hình Xiaomi Mi A1 và Asus Zenfone 4 Max

    Để đảm bảo rằng đây không phải là vấn đề mà riêng mình tôi gặp phải, tôi đã tìm hiểu thêm một chút và tìm được không ít những lời phàn nàn từ những người dùng khác - đa phần trong đó đều tỏ ra khá khó chịu bởi lỗi này.

     Một vài chủ đề thảo luận trên XDA-Developers và Reddit về vấn đề của màn hình Mi A1

    Một vài chủ đề thảo luận trên XDA-Developers và Reddit về vấn đề của màn hình Mi A1

    Sử dụng một đoạn mã có sẵn, chúng ta có thể lấy được thông tin về nhà sản xuất màn hình của Mi A1 là Tianma. Do Xiaomi thường sử dụng màn hình từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, vì vậy không loại trừ khả năng màn hình đến từ nhà cung cấp khác có thể sẽ không gặp tình trạng này. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là phỏng đoán - và đích thân bạn sẽ phải là người kiểm tra và đưa ra quyết định.

     Màn hình của chiếc Mi A1 mà tôi sử dụng được sản xuất bởi Tianma

    Màn hình của chiếc Mi A1 mà tôi sử dụng được sản xuất bởi Tianma

    Mi A1 không phải là một chiếc điện thoại chậm, thậm chí còn rất mượt do chạy Android gốc. Tuy nhiên, chính màn hình của nó đã tạo cho người dùng cảm giác giật/lag, trong khi thực tế lại không phải như vậy.

    Lý do mà nhiều người (trong đó có tôi) bị cuốn hút bởi Mi A1 là độ mượt vượt trội so với bất kỳ sản phẩm tầm trung nào khác. Tiếc thay, cấu hình mạnh và Android thuần Google cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa khi chúng phải đi cặp với một màn hình với chất lượng thấp như thế.

     Điểm yếu về màn hình của Mi A1 vô tình phá hỏng chính điểm mạnh nhất của chiếc máy này

    Điểm yếu về màn hình của Mi A1 "vô tình" phá hỏng chính điểm mạnh nhất của chiếc máy này

    Sẽ là sai lầm nếu nói Mi A1 là một chiếc smartphone tệ - tôi vẫn đánh giá rất cao chiếc máy này và coi đây là một trong những sản phẩm đáng mua nhất trong tầm giá 5-6 triệu. Đương nhiên, do không phải phân khúc cao cấp, vậy nên chúng ta sẽ khó có thể đòi hỏi một chiếc điện thoại hoàn hảo ở mọi phương diện, và mỗi sản phẩm trong đó sẽ có điểm yếu riêng. Nhiệm vụ của người dùng là xác định rằng mình coi trọng yếu tố nào và không coi trọng yếu tố nào, để từ đó đưa ra được quyết định phù hợp.

     Tuy nhiên, Mi A1 không phải là một chiếc smartphone tệ

    Tuy nhiên, Mi A1 không phải là một chiếc smartphone tệ

    Và với Mi A1, điểm yếu của nó là ở màn hình. Nếu bạn giống tôi và là người coi trọng chất lượng hiển thị, có lẽ bạn nên đi tìm một sự lựa chọn khác thay vì chiếc máy này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ