Tại sao việc Alphabet bị dư luận ghẻ lạnh lại là tin mừng với các lãnh đạo Google?
Hơn một năm kể từ ngày chính thức được thành lập, Alphabet hiện đang hoạt động giống như một công ty "underground".
Tháng 8 năm ngoái, Google bất chợt thông báo thành lập công ty mẹ Alphabet để quản lý hiệu quả hơn các mảng tìm kiếm, quảng cáo, Youtube, Android cùng hàng loạt dự án thử nghiệm đầy tham vọng vào y sinh, drone, robot hay xe tự lái,…
Lý do mà Google đưa ra là để rõ ràng hoạt động hơn với các nhà đầu tư. Bằng việc tạo ra hai mảng riêng biệt cho Google, các mảng kinh doanh đang hoạt động tốt như tìm kiếm, quảng cáo, Youtube,… có thể tránh được những tác động xấu không đáng có từ các dự án “moonshot” thử nghiệm lĩnh vực mới.
Sau hơn một năm, nếu bạn hỏi bất chợt ai đó đi ngoài đường xem Alphabet là gì, khả năng cao họ sẽ phải gãi đầu khá lâu. Đây hóa ra lại là tin mừng cho các lãnh đạo của Google.
Theo số liệu so sánh số lượt tìm kiếm giữa hai từ khóa “Google” và “Alphabet” trên Google Trends, rõ ràng dư luận vẫn chỉ chăm chăm để mắt đến Google chứ chẳng mảy may quan tâm xem Alphabet là cái gì.
Điều tuyệt vời của sự “ghẻ lạnh” từ dư luận này chính là nó giúp Google tránh được những phiền phức hay chỉ trích dành cho các dự án thất bại và gây tranh cãi. Những nỗ lực bành trướng tầm phủ sóng của drone hay công nghệ y tế có phần nhạy cảm hiện đều không còn được gắn mác Google mà chỉ thuộc công ty chủ quản Alphabet – cái tên “ngây thơ vô tội” có thể nhiều người chẳng biết đến từ đâu.
Google từng phải vật lộn với vấn đề hình ảnh suốt nhiều năm trời
Suốt gần một thập kỷ hoạt động, Google đã và đang là con cưng của kỷ nguyên Internet với các công cụ tìm kiếm, bản đồ và email hàng đầu thế giới. Tôn chỉ hoạt động không chính thức của công ty là “Đừng làm gì trái với lương tâm” – lời nhắn nhủ ngụ ý rằng cho dù có đang nắm trong tay dữ liệu cá nhân của hàng tỷ người trên thế giới thì họ cũng sẽ cam kết không sử dụng chúng vào mục đích xấu. Đây cũng chính là lời tuyên thệ giúp Google gây dựng niềm tin với người dùng.
Xe tự lái - một trong những dự án được Google khởi động từ lâu nhưng hiện vẫn chưa đi đến đâu
Thế nhưng càng về cuối thập niên 2000, hình ảnh của Google lại càng thay đổi nhanh chóng. Thời khắc trọng đại trong thời kỳ này là năm 2008, khi công ty lần đầu ra mắt Android - hệ điều hành tương tự như iOS ra mắt vào năm 2007. Rất nhiều người đã bày tỏ nghi vấn về việc Google bí mật phát triển hệ điều hành này khi CEO Eric Schmidt còn ở trong hội đồng quản trị của Apple đúng vào lúc Apple đang phát triển iPhone. Mọi chuyện lại trở nên tệ hại hơn khi nhà sáng lập quá cố của Apple Steve Jobs gọi Android là “tên đạo chích không hơn không kém” và buông lời thề sẽ hủy diệt Android. Chính điều này đã khiến cho hình ảnh “vô tội” của Google suy giảm nặng nề trong mắt công chúng.
Một số bằng chứng khác về những động thái không chính đáng của Google:
- Năm 2010, những chiếc xe chụp hình Street View của Google bị bắt gặp nghe trộm cuộc hội thoại của nhiều người qua kết nối Wifi.
- Năm 2011, Google đồng ý nộp phạt 500 triệu USD sau khi một cuộc điều tra từ sở Tư pháp phát hiện ra rằng Google đã cho phép các hãng dược phẩm Canada bán hàng tại Mỹ một cách bất hợp pháp qua quảng cáo online.
- Năm 2012, Google tìm cách lách quy định không dùng cookies trên trình duyệt Safari và phải nộp phạt 22,5 triệu USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang.
- Cũng trong năm 2012, Google cố tạo ra một chính sách về quyền riêng tư cho các dịch vụ của mình khiến nhiều người tức giận vì cho rằng chính sách này có thể giúp hãng dễ dàng bán dữ liệu người dùng cho các nhà quảng cáo.
Chính vì vậy mà việc thay bình mới nhưng rượu vẫn cũ này giúp Google tránh được không ít mũi dùi của dư luận. Ngoài các dự án được cho xâm phạm quyền riêng tư, Google còn có một dự án y sinh tham vọng kéo dài tuổi thọ của con người hoàn toàn được giấu bí mật trước truyền thông.
Tất cả những điều này không phải để nói Google hay Alphabet là một công ty xấu mà chính xác hơn là họ đã có một chiêu thức PR rất khôn ngoan. Nếu lần tới có nhìn thấy cái tên Alphabet xuất hiện trên mặt báo, bạn có thể chắc chắn 99% rằng đó sẽ lại là tin về Google mà thôi.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"