Tấm ảnh này cho thấy một dạng ô nhiễm hoàn toàn mới của nhựa và nó đang khiến giới khoa học phải đau đầu

    J.D, Theo Helino 

    Tấm ảnh này cho thấy một dạng ô nhiễm hoàn toàn mới của nhựa và nó đang khiến giới khoa học phải đau đầu

    Khủng hoảng nhựa đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Nhựa giờ đây có mặt ở khắp mọi nơi: trên cạn, dưới biển, thậm chí là ở 2 cực lạnh giá và dưới khe vực sâu nhất thế giới ở Thái Bình Dương.

    Nhưng các thông tin này có lẽ ai cũng nắm được rồi, thậm chí cảm thấy chán vì đã nghe thấy quá nhiều. Nếu vậy thì chúng ta có tin mới đây: Khoa học vừa xác nhận một dạng ô nhiễm nhựa hoàn toàn mới. Họ đã chứng kiến các tảng đá ngoài bờ biển được bọc một lớp nhựa nhỏ bên ngoài.

    Tấm ảnh này cho thấy một dạng ô nhiễm hoàn toàn mới của nhựa và nó đang khiến giới khoa học phải đau đầu - Ảnh 1.

    Họ đặt tên cho hiện tượng này là "vỏ nhựa" - plasticrust (ghép từ plastic và crust). Vấn đề là ở chỗ plasticrust không chỉ là dấu hiệu cho thấy rác nhựa đang quá nhiều, mà còn gây nguy hiểm thực sự cho các loài sinh vật đang sinh sống và kiếm ăn trên các ghềnh đá. Chúng có thể lọt vào chuỗi thức ăn, gây ra hậu quả khôn lường.

    Plasticrust do các chuyên gia từ Trung tâm khoa học Hải dương và Môi trường (MARE) tại Bồ Đào Nha tìm ra. Họ nhận thấy hiện tượng này từ năm 2016, khi chứng kiến các lớp nhựa xuất hiện ở các tảng đá ven biển thuộc hòn đảo núi lửa Madeira.

    "Lớp vỏ này có vẻ được hình thành do sự va chạm giữa các mảnh nhựa lớn với bờ đá. Nó khiến mảnh nhựa vỡ ra, bám vào đá giống như cách rêu, tảo và địa y vẫn thường làm," - trích lời Ignacio Gestoso, chuyên gia sinh thái biển.

    Tấm ảnh này cho thấy một dạng ô nhiễm hoàn toàn mới của nhựa và nó đang khiến giới khoa học phải đau đầu - Ảnh 2.

    Các lớp vỏ nhựa nhìn qua thì trông rất giống mảnh kẹo cao su ai đó vừa nhai, hoặc vết kem đánh răng quệt lên đá

    Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn quá ít nghiên cứu liên quan đến plasticrust - chúng được hình thành thế nào, ảnh hưởng ra sao... Tuy nhiên Gestoso cho biết đội nghiên cứu của ông đang thu thập nhiều mẫu vật để tiếp tục đào sâu hơn. Các phân tích ban đầu cho thấy những vết vỏ nhựa chủ yếu được cấu thành từ polyethylene (PE) - chất liệu phổ biến, được dùng trong đa số các túi nhựa và vỏ bọc thực phẩm ngày nay.

    Đáng chú ý, nghiên cứu còn chỉ ra rằng nhựa PE hiện đang bọc lấy 10% số đá trên hòn đảo. Ngoài ra, còn có các bằng chứng về việc những loài vật có vỏ như hàu, ốc... vốn bám trên đá biển để ăn tảo cũng đang hút thêm cả nhựa.

    Theo Gestoso, chúng ta sẽ cần đến các nghiên cứu trong tương lai tìm hiểu mức độ nghiêm trọng về ảnh hưởng của vỏ nhựa lên đời sống tự nhiên. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ông và giới khoa học muốn kêu gọi sự chú ý của dư luận vào vấn đề này. Bởi rõ ràng, đây là một dấu hiệu cho thấy số lượng nhựa thải ra tự nhiên vẫn đang là rất cao. 

    Tiếc thay, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thấy hiện tượng nhựa "hòa quyện" với đá tự nhiên. Năm 2014, khoa học tìm ra một loại "đá" mới được làm hoàn toàn từ nhựa nóng chảy và rác hữu cơ, có tên plastiglomerate.

    Tấm ảnh này cho thấy một dạng ô nhiễm hoàn toàn mới của nhựa và nó đang khiến giới khoa học phải đau đầu - Ảnh 3.

    Hiện tại, các chuyên gia tin rằng chúng ta đã đến giai đoạn cần xem nhựa là một dấu hiệu hóa thạch, cho thấy sự tồn tại của một nền văn minh.

    "Là một nhà sinh thái biển, tôi muốn tìm ra những thứ khác, thay vì phải công bố một nghiên cứu đáng buồn như vậy," - Gestoso chia sẻ.

    Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment.

    Tham khảo: Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ