Tam giác ánh sáng và 3 yếu tố quan trọng nhất khi mới chụp ảnh
Ba yếu tố quan trọng nhất trong chụp ảnh là tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO. Vậy tác dụng của chúng là gì? Chúng hoạt động ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Tốc độ màn trập là gì?
Hầu hết các máy ảnh hiện nay đều có cơ chế cửa trập, ngay sau khi bạn bấm nút chụp, cửa trập sẽ mở ra, để lộ cảm biến trong máy với ánh sáng đi vào ống kính và thu lại hình ảnh. Tốc độ màn trập là đơn vị dùng để đo lượng thời gian mà cảm biến máy ảnh lộ ra trước ánh sáng đi vào. Chúng có thể dao động từ 1/8000 giây tới 20,30 giây. Màn trập mở càng lâu thì ánh sáng lọt vào cảm biến hình ảnh càng nhiều, hình ảnh sẽ càng sáng.
Tốc độ màn trập nhanh sẽ đóng băng chuyển động và tránh được những rung lắc khi chụp. Tốc độ chậm hơn sẽ khiến các vật thể chuyển động bị mờ đi, tạo ra nhiều hiệu ứng khác nhau.
Khẩu độ là gì?
Khẩu độ là một bộ phận dùng để điều chỉnh lượng ánh sáng từ ống kính đi vào máy ảnh. Lượng ánh sáng đi vào máy ảnh do khẩu độ quyết định được tính bằng f. Thông số f càng lớn thì khẩu độ càng khép nhỏ và ánh sáng lọt qua ống kính sẽ càng ít. Thông số f càng nhỏ thì khẩu độ càng mở lớn và ánh sáng lọt qua ống kính sẽ càng nhiều. Ống kính đã được định sẵn các khẩu độ khác nhau để kiểm soát lượng ánh sáng đi qua ống kính và bạn chỉ có thể điều chỉnh độ mở của ống kính ở các mức định sẵn này, gọi là các f-stop
Khẩu độ cũng ảnh hưởng đến phạm vi của vùng nét trong ảnh. Khẩu độ càng lớn vùng lấy nét sẽ càng nhỏ và ngược lại. Khái niệm này được gọi là độ sâu trường ảnh.
ISO là gì?
ISO là thuật ngữ để chỉ độ nhạy sáng trên máy ảnh. Lượng ánh sáng đi vào máy ảnh do khẩu độ và tốc độ màn trập quyết định, từ lượng đi vào này, ánh sáng được khuyếch đại trong máy ảnh để hình ảnh có ánh sáng mong muốn. ISO càng cao, hình ảnh sẽ càng sáng, tuy nhiên kèm theo đó là sự xuất hiện nhiễu hạt với mức độ tương ứng khiến hình ảnh giảm chất lượng.
Tam giác đo sáng là gì
Tam giác đo sáng thể hiện cách tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO làm việc với nhau để xác định mức phơi sáng của một bức ảnh. Khi sử dụng chế độ tự động, máy ảnh của bạn sẽ tự cân bằng các yếu tố này để tạo ra một bức ảnh đo sáng đúng. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp bạn không vừa ý với những bức ảnh được tự cân bằng này, hoặc bạn muốn tạo ra các hiệu ứng “xóa phông” hoặc phơi sáng cho riêng mình. Hiểu được mối liên hệ giữa 3 yếu tố này và cách chúng ảnh hưởng đến những bức ảnh của bạn sẽ giúp bạn tạo ra những bức ảnh như mong muốn một cách dễ dàng.
Giả sử, bạn muốn chụp một bức ảnh phong cảnh với khẩu độ nhỏ nhất để gia tăng độ nét, nên bạn đặt khẩu độ ở F/22. Việc này sẽ khiến hình ảnh bị tối đi nhiều, nên bạn sẽ cần phải giảm tốc độ màn trập. Tuy nhiên, bạn không mang chân máy để có thể thiết lập tốc độ màn trập quá chậm, hình ảnh sẽ bị nhòe. Lúc đó bạn sẽ cần phải tăng ISO. Ngược lại nếu bạn có mang theo chân máy, bạn có thể giảm ISO xuống để giảm thiểu nhiễu hạt trong hình.
Nếu bạn đã hiểu rõ về 3 yếu tố cơ bản của chụp ảnh và cách sử dụng tam giác đo sáng, xin chúc mừng, bạn đã tiến những bước đầu tiên vào thế giới nhiếp ảnh. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc cân bằng ánh sáng cũng như sáng tạo với chúng hơn khi chụp.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Độc lạ: Startup Mỹ dùng kim cương làm mát GPU, giảm nhiệt khủng và tiết kiệm điện vượt xa mong đợi
Akash tuyên bố rằng công nghệ của họ có thể giảm nhiệt độ điểm nóng của GPU từ 10 đến 20 độ C, giúp trung tâm dữ liệu tiết kiệm hàng triệu USD chi phí làm mát
Người sáng tạo nội dung này bị phạt gần 7 tỷ Đồng vì bay drone quấy rối người vô gia cư