Đó là công việc mà Bryan Henderson tình nguyện làm ròng rã nhiều năm qua, khiến ông trở thành một trong những “ngôi sao Wiki”.
Kỹ sư phần mềm người Mỹ 51 tuổi Bryan Henderson, nickname là Giraffedata, có một sở thích lạ đời: sửa đúng một lỗi của những bài viết trên Wikipedia. Đặc biệt là sửa trực tiếp, bằng tay, không sử dụng công nghệ mạng nào để đơn giản hóa thao tác này.
Trong tám năm, ông đã 47.000 lần sửa lỗi này, khiến nhà báo Andrew McMillen phải viết về ông trên Medium.com trong một bài báo năm 2015 (1).
Từ “Ngôi sao Wiki”
Quả thật Giraffedata là một kiểu “ngôi sao” trong cộng đồng nhỏ những người giám sát Wikipedia, một trong những trang web tiếng Anh nổi tiếng nhất thế giới. Khoảng 8 triệu bài báo của trang này được người ta tìm đọc mỗi giờ, thế nhưng có rất ít độc giả nhấn nút “edit” ở góc phải mỗi trang để tham gia hiệu đính.
Và chỉ có 30.000 người sửa ít nhất 5 lỗi mỗi tháng cho trang web đang phát triển rất nhanh này. Bryan Henderson nằm trong top 1.000 người tích cực nhất.
Đặc biệt, đa số người hiệu đính nhắm vào việc bổ sung nội dung, chỉnh sửa cho chính xác, số khác thì chú trọng văn phạm hay văn phong, hầu như không có người nào như Giraffedata: chỉ sửa đúng một lỗi ngữ pháp duy nhất trong suốt nhiều năm: loại bỏ cụm từ mà Bryan Henderson cho là dùng sai: “comprise of”, thay bằng “compose of” hay “consist of” (có nghĩa bao gồm, gồm có).
Kể từ năm 2007 đến nay, cứ mỗi chủ nhật, trước khi đi ngủ, Bryan Henderson lại thực hiện đúng một “nghi thức” nhất định trong khoảng một giờ: chỉnh sửa khoảng 70-80 cụm từ “comprise of” trong những bài viết xuất hiện trên Wikipedia.
Để làm việc này, đầu tiên Bryan Henderson viết một phần mềm gửi một yêu cầu tới máy chủ Wikipedia tìm những bài báo có từ “comprise of”. Chương trình của ông sẽ phân tích mã HTML từ kết quả tìm kiếm để trích xuất một danh sách dài hàng chục các tiêu đề.
Chương trình sau đó sẽ so sánh các tựa đề này với cơ sở dữ liệu ẩn những bài báo mà Henderson đã biên tập trong sáu tháng qua. Những tiêu đề trùng lặp sẽ bị loại khỏi danh sách cần chỉnh sửa (ông làm thế để tránh sửa lỗi nhiều lần cùng một bài viết, gây khó chịu cho các tác giả).
Lý do Henderson chỉnh sửa từ này? Thì đây, một tiểu luận nhỏ dài 6.000 từ (2) của ông là lời giải thích vì sao “comprise of” sai ngữ pháp. Nó cũng là một trong những kết quả xuất hiện nhiều nhất khi người ta tìm kiếm về “comprise of” trên Google.
Theo ông, thay vì dùng “The Wikipedia editorial community is comprised of many interesting people”, phải nói là “The Wikipedia editorial community is composed of many interesting people” (có nghĩa: Cộng đồng hiệu đính Wikipedia gồm nhiều người thú vị). Theo từ điển, nghĩa nguyên thủy của “comprise” đúng là “bao gồm”, nhưng được khuyến cáo không dùng với “of”, và nếu sử dụng với “of” thì nên thay bằng từ “compose” (3).
Bryan Henderson - một trong những “Chú lùn Wikipedia”-medium.com
Đến “nghiện Wikipedia”
Dĩ nhiên không phải ai cũng thích “sứ mệnh” của Henderson. Ông cho biết năm 2009 đã có người sửa ngược lại 30 từ “comprise of” mà ông đã chỉnh và thậm chí còn gửi than phiền tới người sáng lập Wikipedia James Wales, người sau đó đã trả lời: “Các luận chứng của Giraffedata chống lại cách dùng của chúng ta thì thuyết phục”.
Trên trang “Talk” của mình, Henderson cũng nhận xét “hàng chục biên tập viên nói họ đã học được lỗi ngữ pháp từ sửa chữa của tôi và sau đó đã tránh dùng cụm từ này trong các bài viết của mình”.
Henderson là một trong những người được cộng đồng Wiki gọi là “WikiGnome” (tạm dịch: Chú lùn Wiki) hay WikiGardeners (Người dọn vườn Wiki), tức những người dùng Wiki góp phần chỉnh sửa lỗi của trang này mà không cần được tán tụng hay chú ý.
Họ thường làm việc hậu trường, vá những lỗ hổng hay giúp Wiki chạy tốt hơn, sửa lỗi gõ chữ, lỗi ngữ pháp... Dĩ nhiên, nhiều người khác thích sửa chữa nội dung hay làm cho nó trau chuốt hơn. Trong số này có thể kể Justin Knapp-username: koavf, người đến nay đã thực hiện 1,45 triệu chỉnh sửa.
Với tình trạng quá “say sưa” với công việc bắt lỗi và chỉnh sửa trên Wikipedia, cộng đồng này còn có một trang “wikipediholism” giải thích rằng “giống như mọi thói nghiện ngập khác, việc quá bị ám ảnh bởi Wikipedia có thể dẫn tới mất việc, ly dị, phá sản hay những chuyện tệ hơn...”.
Tháng 5-2011, một người viết trên trang Talk của Henderson: “Xin chào. Hỏi một câu nhé... đừng quá khó chịu vì tôi không biết ông... nhưng nói thật, ông có cuộc sống không?”. Ngày hôm sau, Henderson trả lời: “Cuộc sống của tôi rất vẹn toàn. Tôi có một công việc toàn thời gian và nhiều thú vui bên cạnh việc chỉnh sửa trên Wikipedia”. Ông còn nói thêm việc mình làm mỗi tối chủ nhật chẳng khác nào “một người chọn dọn rác bên ngoài nhà ông ta vào mỗi thứ bảy!”.
(1): https://medium.com/backchannel/meet-the-ultimate-wikignome-10508842caad#.isv1pjn08
(2): https://en.wikipedia.org/wiki/User:Giraffedata/comprised_of
(3): http://public.wsu.edu/~brians/errors/comprised.html
Theo Tuổi trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4