Tân Viện trưởng Vin Hi-Tech: Chưa mua được nhà, vẫn sống ở KTX, chưa từng đi Vinmart!
"Có những bạn tò mò hỏi tôi đồng lương bao nhiêu, thu nhập thế nào, có nhà chưa, có bao nhiêu biệt thự, chỗ này hay chỗ kia… Tôi cũng trả lời thẳng là tôi chưa có một căn nhà cho riêng mình", Viện trưởng Vin Hi-Tech, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ tâm sự.
Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech vừa được Vingroup công bố thành lập ngày 21/8, mà Viện trưởng - GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ nói đùa là viện mới được "1 ngày tuổi".
Đây là viện công nghệ đa ngành chuyên về nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao thuộc các lĩnh vực năng lượng mới; vật liệu mới; công nghệ sinh học, môi trường; cơ điện tử và các công nghệ liên quan đến công nghệ - công nghiệp cao.
Từng ôm mộng giúp đỡ các viện nghiên cứu Việt Nam nhưng thất bại
Giải thích lý do thành lập Viện Vin Hi-Tech khi Vingroup thường chi tiền "mua" thay vì tự xây, ví như làm ô tô thì mua lại General Motors (GM) Việt Nam, ông Sỹ cho biết viện của ông được giao trọng trách, và cũng là trọng trách của VinTech là khẩn trương xúc tiến những nghiên cứu, không chỉ nghiên cứu cơ bản, mà bao gồm cả ứng dụng công nghệ, kỹ thuật để nhanh chóng tiến kịp thế giới và chủ động hơn về mặt công nghệ.
"Để rút ngắn quá trình và nhanh chóng cho ra sản phẩm, có thể mua công nghệ thiết kế lúc ban đầu, nhưng sau đó bộ phân R&D (nghiên cứu và phát triển), trong đó có Vin Hi-Tech sẽ phụ trách, tích hợp, sử dụng công nghệ đó thế nào cho hiệu quả".
Có những bạn tò mò hỏi tôi đồng lương bao nhiêu, thu nhập thế nào, có nhà chưa, có bao nhiêu biệt thự, chỗ này hay chỗ kia… Tôi cũng trả lời thẳng là tôi chưa có một căn nhà cho riêng mình
"Giờ các đơn vị mua công nghệ gì cũng phải có bộ phận thẩm định, và bộ phận ấy thường nằm trong viện nghiên cứu của chúng tôi", ông Sỹ - từng là lưu học sinh tại Nga - cho biết.
Ông Sỹ chia sẻ ông đã về nước làm việc được mười mấy năm, thất bại rất nhiều. Thời gian đầu về nước, như logic tư duy quen thuộc, ông muốn làm việc với các viện nghiên cứu của Việt Nam, giúp họ làm các đồ án khoa học cụ thể.
"Qua hơn chục năm lăn lộn, hiệu quả so với công sức bỏ ra rất thấp", ông thổ lộ.
"Một điều chúng tôi rút ra được từ thất bại đó là chúng tôi phải tổ chức được một hệ thống, cơ chế làm việc mới, môi trường làm việc mới cho các nhà khoa học mới có thể làm được công việc khoa học công nghệ cho Việt Nam".
Vingroup chính là nơi tạo cho nhóm ông Sỹ môi trường cần thiết cho các nhà khoa học - điều kiện vật chất làm việc, tăng cường khả năng sáng tạo, môi trường, hệ sinh thái phát triển tư duy.
"Hệ sinh thái ở đây là tập hợp của một loạt yếu tố để có thể cho các nhà khoa học công nghệ của chúng tôi có thể đến và làm việc: Tác phong văn hoá, thượng tôn kỷ luật, trách nhiệm với xã hội… Đó là văn hoá tồn tại rất lâu trong khoa học. Văn hoá này là thứ chúng tôi tìm thấy ở đây", ông Sỹ cho biết.
Vẫn ở ký túc xá, chưa có nhà Vinhomes, chưa từng đi Vinmart
Ông chia sẻ rất thật lòng: "Có những bạn tò mò hỏi tôi đồng lương bao nhiêu, thu nhập thế nào, có nhà chưa, có bao nhiêu biệt thự, chỗ này hay chỗ kia… Tôi cũng trả lời thẳng là tôi chưa có một căn nhà cho riêng mình".
"Nhưng tôi có rất nhiều nhà. Nhà của tôi là các cán bộ khoa học chỗ chúng tôi. Nhưng nếu tính về vật chất, tôi cũng không nghèo".
Ông Sỹ cho biết ông không cảm thấy những thiếu thốn về vật chất là lớn lắm. Cái quan tâm nhiều nhất của ông cũng như nhiều người trong giới khoa học là làm thế nào cho đồ án của mình thành hiện thực, được thực thi thì tài chính có đủ không, trang thiết bị có đủ không, nhân lực có đủ không, tiến độ có kịp không…
"Đấy là những điều chúng tôi quan tâm thường xuyên. Còn chuyện ăn bữa nay có thịt cá không, ngày mai đi chơi, xem đá bóng không, thì chúng tôi không quan tâm chuyện đấy", ông Sỹ cho biết.
Khi được hỏi đã thử dịch vụ - sản phẩm nào của Vingroup, ông thú thật là chưa từng đến thuỷ cung dù khu vui chơi này nằm ngay dưới Times City, cũng chưa từng vào Vinmart.
Về chỗ ở của bản thân, ông Sỹ cho biết hiện ông vẫn sống ở ký túc xá.
Hồi năm 2007, khi trả lời phỏng vấn về cách sử dụng khoản tiền thưởng của mình, ông Sỹ thổ lộ đã dùng toàn bộ số tiền 600 ngàn rúp từ giải thưởng cho các nhà khoa học trẻ người Nga, tương đương 23.000 USD thời đó, tặng cho phòng thí nghiệm mà ông đang công tác, trong khi gia đình ông vẫn phải thuê ký túc xá.
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967, đã có 30 năm gắn bó với nghiên cứu chuyên ngành Vật lý Công nghệ Plasma. Ông hiện là Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Trường ĐH Năng lượng Quốc gia Nga (MEI), Giám đốc Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma.
Ông đã nhận được giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga và được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012 do Tổng thống Nga Vladimia Putin trao tặng, đồng thời trở thành Viện sỹ Hàn lâm khoa học kỹ thuật điện Liên bang Nga năm 2015 với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín