Không có Asanzo đứng sau hỗ trợ về vốn và sản xuất, Kooda sẽ khó khăn hơn khi thâm nhập thị trường. Còn không có Kooda, Asanzo sẽ phải xoay xở rất nhiều để chạm tới được mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng trong năm 2017, tăng trưởng gần gấp đôi so với năm ngoái, khi thị trường tivi bình dân đang dần chạm mức bão hòa.
Sau gần 20 năm bán tivi bình dân, ông chủ hãng điện tử Asanzo mới đây tuyên bố đã rót vốn hơn 10 triệu USD vào thương hiệu Kooda, đặt chân vào thị trường sản xuất tivi cao cấp.
Kooda là một startup chuyên sản xuất tivi cận cao cấp của ông Liêu Chí Dũng. Ông Dũng từng có 17 năm lăn lộn trong ngành điện tử, sau vì biến động nhân sự và những chiến lược không phù hợp với thị trường Việt Nam của công ty mà tách ra lập startup riêng.
Chiến lược đầu tư “tảng băng chìm” của Asanzo
Rót hơn 10 triệu USD cho Kooda, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo - cho biết Kooda là thương hiệu kỳ vọng đóng góp tới 25% doanh thu mục tiêu 4.000 tỷ đồng cho Asanzo trong năm 2017.
Mục tiêu này tương đương 182% doanh thu năm 2016, trong bối cảnh ông Tam thừa nhận rằng thị trường tivi bình dân – sản phẩm chủ đạo – của hãng điện tử Asanzo đã dần chạm mức bão hòa.
Tuy nhiên, việc đầu tư này được ví giống như một “tảng băng chìm” - ông Tam không can thiệp vào quy trình phát triển sản phẩm của Kooda, mà chỉ đứng sau đầu tư và định hướng phân khúc phát triển sản phẩm.
“Với Kooda, việc phát triển sản phẩm tôi buông hẳn cho người bạn đồng hành bên đó. Ông Dũng là người đã lăn lộn và hiểu thị trường, nếu tôi can thiệp, sản phẩm sẽ lại phát triển theo lối mòn cũ của Asanzo. Tôi không thích”, ông Tam cho biết.
Đội ngũ phát triển Kooda cũng tách biệt với Asanzo , từ đội ngũ quản lý đến đội ngũ phát triển thị trường.
Như vậy, hiện Asanzo đang phát triển 3 dòng sản phẩm: Tivi (bình dân mang thương hiệu Asanzo, cận cao cấp mang thương hiệu Kooda), Smartphone, và Sản phẩm làm mát (Điều hòa, quạt làm mát).
Trong tương lai, thương hiệu Kooda sẽ phát triển thêm 2 dòng sản phẩm mới là Tủ lạnh và Máy giặt.
Có Asanzo hậu thuẫn, Kooda mỗi ngày bán được 166 tivi!
Kooda có lợi thế hơn so với Asanzo về thị trường khi ông Dũng đã có 17 năm kinh nghiệm trong ngành điện tử cao cấp.
Thực tế, Asanzo từng bước chân vào thị trường tivi cao cấp với sản phẩm tivi 4K mang thương hiệu Asanzo, nhưng kết quả không như kỳ vọng khi người tiêu dùng mặc định thương hiệu Asanzo là sản phẩm bình dân, giá rẻ.
Ngay cả với các chuỗi siêu thị điện máy , họ chỉ nhập các dòng bình dân của Asanzo. Còn các dòng tivi cao cấp hơn như 4K hoặc OLed, họ không nhập của Asanzo mà lựa chọn nhập hàng của các hãng điện tử khác.
“Nhưng nếu không có thương vụ này, bản thân một thương hiệu mới như Kooda chắc chắn khi ra thị trường sẽ khó hơn nếu không có một doanh nghiệp như Asanzo đứng sau hỗ trợ về vốn và sản xuất”, ông chủ Asanzo nhận định.
Về một nhà với Asanzo, Kooda sẽ tận dụng được nhà máy và công suất hiện có của Asanzo, đồng thời chia sẻ trạm bảo hành của Asanzo với điểm bảo hành lên 1.000 trạm.
Thực tế, có sự “chống lưng” của Asanzo, Kooda đã có bước tiến khá thuận lợi khi chỉ sau 2 tháng ra mắt, số lượng tivi bán được của Kooda đã lên tới 10.000 chiếc. Tính trung bình mỗi ngày, Kooda bán ra được 166 chiếc tivi dù là một thương hiệu mới trình làng.
Theo kế hoạch, hệ thống phân phối của Kooda sẽ đạt mục tiêu 5.000 điểm bán lẻ toàn quốc và 100 đại lý cấp 1.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?