Tảng băng rộng gần gấp đôi Hà Nội sắp trôi khỏi Nam Cực

    Steve,  

    Tảng băng 1.000 tỉ tấn sắp rời khỏi quê hương Nam Cực.

    Theo thông tin mới nhất từ Cơ quan Không gian châu Âu ESA, một trong những tảng băng trôi lớn nhất trong lịch sử sắp sửa trôi khỏi Nam Cực. Tảng băng này có kích thước dự tính khoảng 6.500 kilomet vuông – gần gấp đôi diện tích thành phố Hà Nội.

     Minh họa từ Đại học Edinburgh

    Minh họa từ Đại học Edinburgh

    Tảng băng sắp trôi đi được gọi là Larsen C thuộc một trong những thềm băng lớn nhất của lục địa Nam Cực. Các nhà khoa học đã theo dõi Larsen C nhiều tháng trở lại đây, sau khi quan sát một vết nứt sâu từ từ kéo dài tới 193 km. Hiện tại, theo ESA, tảng băng này chỉ còn gắn liền với thềm băng Larsen C bằng một đoạn chỉ khoảng 5 km. Không thể dự đoán chính xác thời điểm tảng băng rời khỏi Nam Cực, nhưng theo dự đoán nó sẽ dày khoảng 188 m, để dễ hình dung bạn hãy tưởng tượng chiều cao của tòa nhà Vietcombank Tower tại thành phố Hồ Chí Minh. Tảng băng sẽ trôi về phương Bắc như bình thường, dự kiến nặng khoảng 1.000 tỉ tấn.

     Một trong những vệ tinh chuyên theo dõi băng Nam Cực của ESA

    Một trong những vệ tinh chuyên theo dõi băng Nam Cực của ESA

    Những tảng băng vẫn không ngừng tách khỏi Nam Cực, nhưng tảng băng lớn như thế này sẽ tạo ra khác biệt. Theo nhiều nhà khoa học, trường hợp này có thể là một dấu hiệu cho việc băng Nam Cực tách ra do nóng lên toàn cầu. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng đây chỉ là những vận động tự nhiên bình thường. Helen Fricker, nhà khoa học nghiên cứu Nam Cực thuộc Viện Hải dương học Scripps, đơn giản nói rằng: “Chúng ta chẳng cần phải hoảng loạn chút nào về Larsen C đâu.”

    Chúng ta có thể dựa vào những tảng băng lớn tương tự tách ra vào năm 1995 và 2002 để biết trước về những diễn biến sau khi Larsen C tách khỏi Nam Cực. Những thềm băng dạng này vốn luôn nổi trên bề mặt đại dương, thế nên khi chúng tan chảy hay tách ra, mực nước biển sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp. Thế nhưng, cần phải nhấn mạnh, các thềm băng có vai trò giữ phần băng nằm trên lục địa Nam Cực khỏi chảy xuống biến. Khi những bức tường chắn này mất đi, sẽ có nhiều băng từ lục địa chảy xuống biển hơn, đồng nghĩa với việc mực nước biển tăng lên.

    Dù cho việc tảng băng Larsen C rời khỏi Nam Cực có bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu hay không, rõ ràng là hành tinh của chúng ta đang nóng lên. Năm 2016 vừa rồi đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp chúng ta phá kỷ lục năm nóng nhất. Với một lục địa đầy băng, thì điều này có vẻ không hay cho lắm.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ