Dù tăng cước nhưng tốc độ Internet Việt Nam chúng ta vẫn “dậm chận tại chỗ” , thậm chí là thụt lùi trong 2 năm qua
Nội dung nổi bật:
- Cùng với quyết định tăng giá cước dịch vụ Internet, các nhà mạng cũng không quên khẳng định, người dân đóng tiền nhiều hơn thì sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn, đường truyền nhanh hơn.
- Tuy nhiên, lời hứa thường khá xa vời thực tế. Nghiên cứu gần đây của Akamai cho thấy, tốc độ đường truyền Internet của Việt Nam là 1,7 Mbs, ngang ngửa với cách đây ... 2 năm. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực lại có những bước tăng trưởng vượt bậc và dần bỏ xa chúng ta.
Mới đây, khi dư luận lùm xùm về nghi án các nhà mạng lớn bắt tay nhau để tăng cước 3G, lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông đã lên tiếng minh oan cho doanh nghiệp. Cùng với việc tăng giá, các nhà mạng cũng không quên khẳng định, người dân đóng tiền nhiều hơn thì sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn, đường truyền nhanh hơn.
Tuy nhiên, liệu cam kết của nhà mạng có là "bánh vẽ" không khi theo báo cáo tổng quan về mạng Internet toàn cầu quý 2/2013 của Akamai, đường truyền Internet tại Việt Nam vẫn khá trì trệ.
Quay lại thời điểm cách đây 2 năm, báo cáo của Akamai tỏ ra ấn tượng về sự tăng trưởng trong tốc độ đường truyền của Việt Nam. Akamai cho biết, tốc độ đường truyền Internet Việt Nam trong năm 2011 đạt khoảng 1,7 Mbs, xếp hạng 32/50 quốc gia được khảo sát và thấp hơn mức trung bình trên thế giới (2,6 Mbps).
Tới báo cáo quý 2/2013 mới nhất của Akamai, tốc độ đường truyền của Việt Nam vẫn là 1,7 Mbs, nghĩa là không có gì thay đổi. Nhìn ra thế giới, tính tới quý 2 năm 2013, tốc độ đường truyền trung bình thế giới đã tăng tới 27% so với thời điểm cuối 2011, đạt 3,3 Mbs.
Trong khi tốc độ Internet thế giới đang không ngừng được cải thiện thì Việt Nam chúng ta vẫn “dậm chận tại chỗ”.
Bản báo cáo mới nhất này xếp hạng Việt Nam ở vị trí 111 trên tổng số 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.
Lạ ở chỗ, tốc độ của chúng ta bằng so với năm 2011 nhưng vẫn tăng trưởng tới 22% so với quý 1/2013. Nhìn lại các thống kê quý trước đó, đường truyền của chúng ta càng ngày càng chậm và mãi tới gần đây, mới có thể trở lại tốc độ cách đây 2 năm.
Tốc độ Internet Việt Nam không hề nhanh hơn so với cách đây 2 năm. thậm chí còn thấp hơn thời điểm quý 2/2011.
Hãy thử so sánh Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Đường truyền các quốc gia như Thái Lan hay Malaysia, vốn đã nhanh hơn Việt Nam, vẫn tăng trưởng tốt hơn. Tốc độ Internet của 2 quốc gia này tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 4,5 – 4,6 Mbs, cao hơn mức trung bình thế giới.
Những quốc gia đi sau Việt Nam như Indonesia hay Philippines, cũng cho thấy mức tăng trưởng vượt bậc. Indonesia tăng trưởng 125% so với cùng kỳ, đạt 1,7 Mbs, bằng với Việt Nam. Philippines cũng tăng trưởng 29%, đạt 1,6 Mbs. Đáng chú ý, tốc độ Internet Việt Nam còn thua cả Campuchia và Myanmar và trong khu vực Đông Nam Á, chỉ hơn được Lào, Philippines, Brunei và Đông Timor.
Đường truyền Internet Việt Nam đứng sau hầu hết các quốc gia trong khu vực và xếp 111 thế giới
10 năm qua, Việt Nam vẫn luôn tự hào với tốc độ phát triển Internet. Chúng ta đã phát triển rất nhanh về lượng: Hơn 30 triệu người dùng Internet, chiếm 1/3 dân số, thời gian người dân sử dụng trên Internet ngày càng nhiều và số lượng thuê bao di động không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, ở mặt còn lại, chúng ta lại chưa cho thấy sự phát triển tương xứng về chất: Tốc độ đường truyền không có nhiều cải thiện và thậm chí còn thua kém so với thời điểm trước đó. (Quý 2/2011 tốc độ đường truyền Internet của Việt Nam đạt đỉnh 1,88 Mbs, cao hơn 10% so với thời điểm hiện tại) và ngày càng bị bỏ xa lại so với thế giới.
Trở lại vấn đề tăng giá, dù cho dư luận còn bức xúc thì chuyện cũng đã rồi. Một khi Bộ đã ấn định thì việc tăng cước thì không cần bàn cãi thêm nữa. Người dân chỉ có thể hy vọng, việc "đóng tiền nhiều thì đường truyền sẽ ngày càng tốt lên" như lời hứa của các Nhà mạng.
Theo Trang Lam
Cafebiz.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"