Tạo dựng thói quen đọc sách: Sai! Sai hết cả! Hãy để tôi đưa ra những quan điểm mang tính đột phá
Một bài viết với những quan điểm vô cùng mới mẻ và mang tính đột phá về truyền thông và tạo dựng văn hóa ĐỌC đến từ bạn Tuấn Anh - Hàn sĩ lang thang - một kẻ mê sách.
Định hướng lại cách mà truyền thông nên làm với sách để tạo dựng thói quen đọc.
Từ bao giờ mà chúng ta cầm cuốn sách lên thì ngại ngùng mà cầm smartphone lại “vô tư” dùng?
Đây là thời điểm của smartphone
Đây là thời điểm của mạng xã hội
Nơi mà người ta “lướt lướt” qua nhau trong những mối quan hệ nhạt nhòa và nhạt nhẽo.
Nếu một nhóm ngồi với nhau mà mỗi người một cái smartphone: kẻ chụp ảnh tự sướng, người mang thức ăn lên “cúng” Facebook, cô này “thả thính”, anh kia xem porn… và chẳng ai nói với nhau điều gì cả thì mọi chuyện lại rất bình thường.
Nhưng cứ thử có một người cầm cuốn sách lên đọc mà xem. Mọt sách! Giáo sư! Bởi chúng ta cho rằng người đọc sách là một tầng lớp khác biệt: nội tâm, tri thức, lý thuyết, tự kỷ và không giống người bình thường.
Từ bao giờ mà chúng ta bình thường hóa những chuyện không bình thường và ngược lại? Do hành vi tâm lý đám đông. Có một đám đông không đọc. Như vậy, có một đám “không giống người” đang đọc.
Bởi truyền thông nói rằng: quá ít người đọc sách.
Nếu truyền thông công bố lại một tin”lấp liếm sự thật” rằng ngày càng có nhiều người đọc sách hơn,
10 người quanh bạn ai cũng đọc 2,8 cuốn sách/năm (đừng nói rõ ra là sách giáo khoa) thì số lượng người đọc sẽ tăng do “tâm lý bầy đàn”
Đừng nói những tỷ phú đang đọc sách gì. Người giàu được xếp vào một chủng loại khác, còn đại đa số vừa nghèo vừa không thành công. Chúng ta không thấy sự liên hệ.
Hãy nói rằng “soái ca” hay “nam thần” mà bạn hâm mộ đều đọc sách;
hãy nói về những cuốn sách mà các nhân vật của công chúng như Sơn Tùng MTP, Bê Trần, Trấn Thành, Hoài Linh, Việt Hương, Trường Giang … thích đọc thì Sky và bà con sẽ đọc nhiều hơn.
Cách truyền thông về văn hóa đọc
Dùng sách giả là giết chết sách thật? Khẩu hiệu vô nghĩa không khác gì “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”.
Nếu vậy thì cứ để sách thật chết!
Truyền thông thế mà cũng đòi truyền thông! Người ta còn chẳng thể phân biệt nổi sách giả và sách thật. Hầu hết không hiểu rõ về bản quyền tác giả, họ mua VÌ RẺ. Hai cuốn nội dung như nhau, trong khi đọc sách thì đọc nội dung, nên dù in có lỗi một chút, hình ảnh mờ nhòe một chút, thậm chí in ngược và thỉnh thoảng thiếu trang thì người đọc vẫn mua.
Vì rẻ!
Hãy nói với người đọc thế này:
Nếu bạn mua một cuốn sách giả, sách lậu vì nó rẻ, tốt thôi, bạn đã tiết kiệm được đôi chút.
Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn dám thử chọn một cuốn sách thật, chúng ta không việc gì phải coi rẻ mình như những độc giả khác.
Bạn xứng đáng được cầm trên tay một cuốn sách chất lượng tốt hơn.
Đó là phong cách sống,
và bạn đang tôn trọng mình hơn,
chỉ đơn giản bằng cách thêm vài nghìn cho một cuốn sách thật.
Đó mới là sự khác biệt
Ebook mới là kẻ giết chết sách thật.
Ebook không thể tăng thêm số lượng cuốn sách bán ra, mà chỉ là một giải pháp thay thế.
Đọc tiện hơn? Không. Sách thật không bao giờ có chuyện hết pin và mất kết nối, không phải đăng nhập và nhớ tài khoản.
Rẻ hơn? Đúng, nhưng không có quyền sở hữu. Bạn không thể cầm trên tay, bày trên giá sách hay tặng lại cho ai được, cũng không thể bán.
Khi một người mua ebook, người ta cũng không mua sách thật nữa. Trừ khi muốn sưu tập, nhưng đó là trừ khi.
Thay vì bán một cuốn sách giá 50k, ta bán cuốn ebook giá 20k, vừa giảm doanh số bán hàng, vừa làm mất đi thói quen đọc.
Cảm giác cầm một cuốn sách trên tay và cảm giác cầm một thiết bị điện tử rất khác. Sách giấy kích thích đọc hơn rất nhiều, khi đọc sách giấy ta đọc được nhiều hơn.
Vậy nên trừ khi sách thật hết hàng, còn lại ebook là một ý tưởng tệ về cả phía kinh doanh cũng như văn hóa đọc.
Văn hóa đọc? Quá trừu tượng!
Đọc sách là nét đẹp văn hóa, nâng cao trình độ nhận thức, mang đến tri thức, làm giàu vốn sống …. blah blah ….
Không, không thể nói như tiếng ve kêu mùa hè thế được.
Chúng ta đã dùng quá nhiều ngôn từ hoa mỹ và trang trọng. Vấn đề là: sáo rỗng!
Hãy xem Listerine nói gì khi có ý kiến công kích loại nước súc miệng này có “mùi bệnh viện” :
”The taste you hate, twice a day” (mùi vị bạn không thích, dùng 2 lần một ngày)
Tôi có một ý tưởng, dựa trên giải pháp Kaizen của người Nhật:
“Đọc sách: Làm điều bạn không thích, chỉ cần một phút/ngày”
Hãy thừa nhận là đa số không thích đọc. Và cho họ thấy một điều đơn giản hơn: đọc 1 phút/ngày.
Một phút chỉ bằng thời gian chờ đèn đỏ khi ra đường.
Một phút chỉ bằng thời gian bạn đánh răng.
Một phút chỉ cần bạn đọc trong lúc úp mỳ tôm chờ nó chín.
Và nhiều người ban đầu sẽ miễn cưỡng đọc một phút. Cũng không khó lắm.
Kết quả là họ đọc HƠN một phút.
Chúng ta có 28 ngày để tạo nên một thói quen đọc.
Hãy thử nhân lên xem nếu mỗi ngày một phút dùng cho việc đọc, một năm đọc bao nhiêu phút? Khoảng bao nhiêu cuốn sách đã được đọc? Hãy nhân tiếp với tổng dân số.
Khác biệt nhỏ tạo nên kết quả lớn.
Cà phê sách? Thiếu sự kích hoạt
Khi uống cà phê, ta nhớ ra sách. Khi đọc sách, ta thấy mình cần có một tách cà phê. Đó là sự kích hoạt (1/6 cách tạo nên hiệu ứng lan truyền trong viral marketing)
Khi gắn cà phê với sách, lại thêm một lần nữa tự tách người đọc ra khỏi đám đông.
Cà phê là một đẳng cấp khác biệt so với trà đá vỉa hè. Nó là phong cách sống
Không phải người nào cũng thích cả phê. Không phải ai cũng có phong cách sống.
Nên không phải ai cũng đọc sách.
Chúng ta cần một nhân tố kích hoạt tốt hơn. Ví dụ như ăn uống.
Ý tưởng là: Một bức ảnh, một video trong đó có người mở lồng bàn ra. Trong mâm toàn sách. Họ bắt đầu ăn sách. Và nhớ kèm thông điệp: “Hãy cho tâm hồn của bạn ăn mỗi ngày”
Sự kích hoạt mới: khi ăn, ta nhớ đến sách. Cho cơ thể ăn cơm, cho tâm hồn đọc sách.
Ăn mỗi ngày. Đọc sách một phút mỗi ngày. Và rồi họ luôn đọc HƠN một phút.
Tác dụng của đọc sách hả? “Bạn muốn được tăng lương không? Bạn muốn ưa nhìn và trông thông minh hơn không? Bạn muốn có người yêu không?”
Hãy “gãi đúng chỗ ngứa”
Quay lại với những ngôn từ sáo rỗng, hãy nhớ đến tiếng ve:
Đọc sách là nét đẹp văn hóa, nâng cao trình độ nhận thức, mang đến tri thức, làm giàu vốn sống …. blah blah ….
Thật ngớ ngẩn!
Hàng ngàn người đang thất nghiệp. Đọc sách giúp họ có thêm kỹ năng để làm vừa mắt nhà tuyển dụng
Hàng ngàn người muốn thay đổi công việc. Đọc sách giúp họ thêm can đảm xây dựng điều gì đó cho riêng mình
Hàng ngàn người không thích mức lương đang được nhận. Đọc sách giúp họ có thêm kiến thức chuyên môn, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy nhạy bén, linh hoạt. Họ sẽ có mức lương hậu hĩnh hơn, vị trí cao hơn.
Lãnh đạo là người đọc.
Cầm cuốn sách, bạn được tôn trọng về tri thức hơn.
Các cô gái sẽ chú ý bạn hơn vì sự thông minh của bạn. Bởi bạn đọc nhiều biết nhiều. Bạn tinh tế. Và bạn có cơ hội trở nên giàu có.
“Gái ham tài, trai ham sắc”. Tài ở đây là tiền tài. Con gái cần sự chu cấp. Họ sẽ chọn bạn trai có khả năng hoặc có tiềm năng chu cấp.
Đọc truyện cười. Kể lại cho cô bạn nghe. Bạn trở nên hài hước và thú vị.
Thông minh. Hài hước. Thú vị. Bạn sẽ có người yêu. Hơn một người yêu.
Đọc sách đi.
Tôi gọi đó là thông điệp đi vào lòng người. Không phải đi vào sọt rác. Những thông điệp chui vào trong tai bên phải, ở lại nơi não họ, thay vì rơi ra chỗ tai bên trái.
Chuyện là thế đấy.
Trạm Đọc trân trọng cảm ơn bạn Tuấn Anh vì đã chia sẻ cùng các bạn độc giả những quan điểm và sáng kiến vô cùng hữu ích về truyền thông và tạo dựng văn hóa Đọc.
Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming