Tất cả những gì chúng ta cần biết về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và làm thế nào để "sống sót"

    NGUYỄN THÁI THẠCH, Theo Trí Thức Trẻ 

    "Các dữ liệu viễn thám và các số liệu đều cho thấy ô nhiễm bụi mịn không diễn ra cục bộ mà trên quy mô vùng. Không phải ô nhiễm chỉ có ở Hà Nội, đó là cách hiểu sai lầm" - anh Nguyễn Thái Thạch - kiến trúc sư, chuyên gia tự do về ô nhiễm không khí nhận định.

    Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, kể từ ngày 13/9. Website Air Visual đưa Thủ đô của Việt Nam vào top những thành phố lớn có chỉ số ô nhiễm không khí tức thời cao nhất thế giới, khi mà chỉ số AQI luôn trên 200 nhiều ngày liên tiếp.

    Dưới đây, chúng tôi xin phép chia sẻ bài viết của anh Nguyễn Thái Thạch - kiến trúc sư, chuyên gia tự do về ô nhiễm không khí, người đã dành nhiều năm để quan sát, tìm tòi và nghiên cứu về đề tài này.

    Tất cả những gì chúng ta cần biết về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và làm thế nào để sống sót - Ảnh 1.

    Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí đáng báo động.

    Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội như thế nào?

    Ô nhiễm không khí có nhiều loại, trong đó có ô nhiễm khí độc, ô nhiễm khí có hại cho sức khỏe và ô nhiễm bụi. Trong đó, ở Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nổi lên tình trạng ô nhiễm bụi và bụi mịn.

    Bụi mịn là các hạt bụi có kích thước rất nhỏ, chỉ vài micromet nên chúng lơ lửng và lấp đầy trong không khí. Người ta thường gọi bụi mịn là PM2.5 vì chúng có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet.

    Nồng độ bụi mịn được quy đổi ra giá trị thang đo. Nếu mức chất lượng không khí tốt được xác định nhỏ hơn 50 thì mức khá dao động từ 50 đến 100. Mức không tốt dịch chuyển từ 100 đến 200, mức nguy hiểm đến sức khỏe từ 200 đến 300 và từ 300 trở lên là mức rất nguy hại cho sức khỏe.

    Chúng ta vẫn có những ngày trời rất trong lành, đặc biệt là vào mùa hè. Và ngược lại, cũng có những ngày ô nhiễm vượt mức 300.

    Bụi mịn là gì, ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

    Bụi có nhiều loại. Theo nhiều cách phân chia, nhưng nhìn chung bền vững trong không khí là các loại bụi rắn.

    Bụi phân chia theo kích thước. Bụi to, bụi thô, bụi cát, bụi cỡ vừa, cỡ nhỡ, cỡ PM20, PM10, PM5, PM2.5, PM1... Các loại bụi to, bụi thô và cỡ vừa là các loại bụi nặng và nhanh chóng lắng xuống mặt đất và dễ bị cuốn đi theo nước. Bụi đường và bụi xây dựng phần lớn là loại bụi này. Xe cộ thường cuốn lên hoặc theo những cơn gió to. Nhìn chung loại bụi này chủ yếu gây bẩn, gây khó chịu, gây dị ứng tức thời chứ không ảnh hưởng tới sức khỏe một cách lâu dài, trừ trường hợp nồng độ quá cao tại mỏ than, cơ sở sản xuất xi măng, đá... Còn với đa số trường hợp ở thành thị, bụi thô cho đến bụi cỡ nhỡ dễ dàng lọc bởi khẩu trang và kể cả nếu không có khẩu trang, hệ hô hấp cũng có hệ thống ngăn chặn, lọc và đào thải bụi một cách tự động.

    Bụi mịn và siêu mịn, từ 20µm cho đến khoảng dưới 2.5µm. Loại bụi này lơ lửng nhiều trong không khí, kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ nên rất ít lắng, chúng lơ lửng và lấp đầy trong không khí, dễ dàng len lỏi qua các loại khe cửa. Vì vậy, dù ở trong nhà, con người cũng vẫn bị ảnh hưởng dù đóng kín. Loại bụi này là kết quả của việc đốt cháy như: đốt củi, đốt rạ, đốt rác, đốt các chất cháy dở dang, khí xả động cơ, đốt than...

    Bụi siêu mịn hoặc gọi chung là bụi mịn (tên gọi đúng của PM2.5) là loại có ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì kích thước quá nhỏ khiến chúng dễ dàng xuyên qua hệ thống lọc của hệ hô hấp để đi vào các mao quản và xâm nhập về hệ tuần hoàn. Một khi đã vượt qua được lá chắn bụi ở phổi, chúng đi vào cơ thể và rất khó đi ra.

    Bụi sẽ được máu luân chuyển và kết thúc ở các điểm cuối của mạch máu. Đến các mô và trở thành các chất cản trở trao đổi chất, thành những vị khách "không mời mà tới", có thể gây khó khăn trong chuyển hóa hoặc trục trặc trong quá trình trao đổi chất, quá trình nguyên phân. Bụi mịn theo máu đi đến não và tích lại ở nền sọ lâu dần có thể làm cản trở quá trình trao đổi thông tin, tắc nghẽn sự truy cập và gây ra bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

    Sự nguy hiểm của ô nhiễm bụi mịn là việc sức khỏe bị ảnh hưởng về lâu về dài chứ không phải gây ra các vấn đề cấp tính. Nó giống như những người nghiện thuốc lá. Người hút thuốc lá cũng liên tục đưa vào phổi làn khói thuốc, họ không chết ngay, cũng không ốm ngay nhưng các vấn đề về hô hấp và các vấn đề khác lâu dài rồi cũng... "rủ nhau mà tới".

    Tất cả những gì chúng ta cần biết về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và làm thế nào để sống sót - Ảnh 2.

    Bụi mịn lơ lửng trong không khí, có khả năng "xuyên qua" những chiếc khẩu trang thông thường.

    Ô nhiễm bụi mịn quan sát thế nào?

    Khác với bụi thô và bụi nhỡ có thể quan sát được, phần lớn bụi mịn và siêu mịn không thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường. Thế nhưng, chúng ta có thể quan sát được chúng ở quy mô lớn vì bụi mịn làm tán xạ các tia sáng và làm không khí trở nên mù đục. Với sự xuất hiện của bụi mịn nồng độ cao, chúng ta sẽ thấy một bầu không khí nhờ nhờ, đục đục, không thể nhìn rõ những tòa nhà cách xa từ vài trăm đến vài km. Những tòa nhà ở xa quá 3km đôi khi cũng không thể nhìn thấy.

    Bụi mịn có thể được quan sát bằng một thủ thuật dựa trên nguyên lý tán xạ ánh sáng. Dùng nguồn sáng mạnh, dải hẹp trong phòng tối để làm rõ sự tán xạ ánh sáng của bụi mịn.

    Nguồn gốc của ô nhiễm bụi mịn?

    Bụi mịn được sinh ra nhờ quá trình đốt các chất hữu cơ, cháy dở dang, đốt nhiên liệu chứa nhiều tạp chất như đốt củi, đốt rạ, đốt rác, đốt rơm rạ, khí xả từ động cơ chạy xăng dầu, đốt than và các vụ cháy như cháy nhà, cháy rừng, núi lửa phun trào.

    Có thể phân loại nguồn gốc của ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội gồm các loại: Nội sinh bao gồm nội sinh cục bộ, nội sinh lân cận, nội sinh vùng và ngoại xâm như sau.

    Nội sinh cục bộ: gồm đốt rác, đốt rơm rạ, đốt bếp than, khí xả động cơ của các phương tiện giao thông.

    Nội sinh lân cận: gồm khí xả của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như than - xăng - dầu, các hoạt động đốt rác, đốt rơm rạ, đốt tre nứa để sản xuất than hoạt tính.

    Nội sinh vùng: gồm nhiệt điện đốt than, dầu, các khu công nghiệp nặng nhiệt luyện, tiêu thụ nhiều nhiên liệu như sản xuất gang thép, kim loại và xi măng.

    Ngoại xâm: từ khu vực lân cận, theo gió Đông Bắc thổi tới. Ô nhiễm không khí theo gió khuếch tán từ nơi này tới nơi khác nên không thể tránh được việc bị ảnh hưởng khi miền Bắc đón những đợt gió Bắc yếu thổi về.

    Tất cả những gì chúng ta cần biết về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và làm thế nào để sống sót - Ảnh 3.

    Tại sao không khí ô nhiễm nhưng vẫn có những ngày trời trong xanh, không khí sạch sẽ trong lành?

    Nói về tác nhân làm sạch không khí thì phải khẳng định rằng những gì thuộc về không khí đều gắn bó mật thiết tới các khí tượng và ô nhiễm không khí cũng vậy. Chính các yếu tố khí tượng ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm và theo các chiều hướng khác nhau, như sau:

    Mưa

    Những cơn mưa rào lớn trên diện rộng có thể giúp gột bớt lượng bụi trong khí quyển và rửa trôi những bụi bặm bám lại trên đường và cây cối, nhờ đó không khí sẽ trong lành hơn, đường sá cũng sạch sẽ hơn. Mưa lớn cũng thường đi cùng với 1 yếu tố quan trọng nữa giúp làm sạch không khí, đó là gió. Mưa lớn cũng làm đối lưu diễn ra mạnh và góp phần khuếch tán ô nhiễm trong tầng không khí sát đất.

    Mưa nhỏ mà đặc biệt là mưa phùn thì không suy chuyển gì nếu không đi cùng với gió.

    Gió

    Gió chính là yếu tố tự nhiên giúp làm sạch ô nhiễm không khí một cách hiệu quả nhất. Gió như cây chổi quét nhà, đẩy không khí ô nhiễm đi nơi khác và khuếch tán nó.

    Những ngày gió mạnh là những ngày không khí sạch. Nếu gió thổi từ vùng ít ô nhiễm tới thì không khí sẽ cực kì sạch. AQI có thể tới mức 15~30 tức là sạch như ngoài đảo xa. Nếu gió được thổi từ vùng ô nhiễm thì không khí đương nhiên bị bẩn nhưng nếu thổi mạnh thì vẫn sạch hơn thổi nhẹ, vì thổi mạnh tức làm tăng cường khuếch tán, đối lưu.

    Đối với miền Bắc Việt Nam: Nguồn ô nhiễm nội sinh lớn nhất là phía Đông: ở vùng Quảng Ninh - Hưng Yên - Hải Dương. Và ô nhiễm ngoại xâm là từ phía Bắc tức Trung Quốc. Bởi Trung Quốc cũng như Việt Nam nhưng ở quy mô đô thị đông đúc hơn, hoạt động công nghiệp mạnh hơn và cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu tương đồng nên nhìn chung họ gây ô nhiễm và chịu ô nhiễm hơn so với mình.

    Vào những ngày Trung Quốc ô nhiễm mà có gió thổi từ họ về, thì đương nhiên Việt Nam sẽ nhận được thêm ô nhiễm không khí, dù có thể trên đường đi, ít nhiều ô nhiễm được khuếch tán bớt hoặc được giữ lại bởi một số diện tích rừng. Nhưng bụi mịn rất ít lắng nên rừng giữ lại cũng không nhiều.

    Như vậy, những ngày đầu, gió Bắc - Đông Bắc thổi mạnh trời trong trẻo, đục dần lên ở những ngày tiếp theo và khí gió thổi yếu đi không khí sẽ cực kì bẩn và kéo dài cho đến đợt gió mùa tiếp theo.

    Vào mùa hè, không khí sẽ cực sạch vào những ngày gió phơn, tức gió Tây, Tây Nam. AQI những ngày này có thể dưới 10, thậm chí trong nhà từng có nơi đo được chỉ 3~4 đơn vị nồng độ PM2.5.

    Những ngày trời gió Đông thì không khí sẽ lại ô nhiễm. Những ngày gió Đông Nam hoặc gió Nam không khí sẽ sạch hơn nhưng không thể sạch như những ngày gió Tây.

    Đối lưu

    Rõ ràng đối lưu đóng vai trò rất quan trọng trong việc khuếch tán ô nhiễm. Đối lưu tạo ra các dòng khí dịch chuyển theo chiều dọc, khuấy động tạo gió và khuếch tán ô nhiễm. Đó là lý do mùa hè, những ngày trời nắng nóng thường không khí sạch sẽ hơn do nhiệt độ cao thúc đẩy đối lưu và những cơn gió.

    Nghịch nhiệt

    Trái với đối lưu, nghịch nhiệt là hiện tượng khí tượng thường xảy ra vào mùa đông, những ngày trời âm u, nền nhiệt sát đất thấp trong khi mặt trời làm nóng phần không khí phía trên khiến cho không khí bị tình trạng dưới lạnh trên nóng và vì vậy không thể xảy ra đối lưu. Ô nhiễm cũng vì vậy mà bị giữ lại, thậm chí bị nén lại xuống sát đất. Đó là lý do những ngày mùa đông trời âm u, tĩnh gió, không khí lại rất bẩn.

    Tất cả những gì chúng ta cần biết về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và làm thế nào để sống sót - Ảnh 4.

    Liệu rời khỏi Hà Nội là có không khí trong lành?

    Câu trả lời là chưa hẳn.

    Trong số những nguyên nhân của ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội thì nội sinh vùng được nhắc đến là yếu tố gây ô nhiễm trên quy mô cả vùng lãnh thổ, không bó hẹp phạm vi khu vực như một thành phố.

    Các dữ liệu viễn thám và các số liệu đều cho thấy ô nhiễm bụi mịn không diễn ra cục bộ mà trên quy mô vùng. Không phải ô nhiễm chỉ có ở Hà Nội, đó là cách hiểu sai lầm. Đôi khi chúng ta đi về Hưng Yên, Nam Định hay ngược lên Vĩnh Phúc, bầu không khí vẫn mù đục và các chỉ số chất lượng không khí (AQI) đều giống nhau.

    Chỉ có khu vực Tây Bắc địa hình cao, sự lan truyền ô nhiễm không khí ở tầng thấp đôi khi không vượt qua được các dãy núi nên khó ảnh hưởng tới khu vực miền núi cao. Do vậy, Tây Bắc Bộ hầu như quanh năm không khí đều sạch.

    Hàng năm, vào mùa gặt, nông dân đốt rơm rạ đôi khi cũng gây ra ô nhiễm cục bộ trầm trọng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

    Các tháp thải khí xả được đưa lên cao tại các nhà máy nhiệt điện cộng với việc khí nóng bốc lên cao khiến cho lượng bụi khủng được bốc lên cao rồi mới từ từ khuếch tán dần và chìm xuống. Chính điều đó khiến ô nhiễm bụi mịn từ một nhà máy đôi khi không ảnh hưởng nặng nhất ở chính khu vực đó, mà trải rộng ra vùng và ảnh hưởng nặng hơn ở 1 khoảng cách xa so với nhà máy theo chiều gió thổi.

    Tất cả những gì chúng ta cần biết về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và làm thế nào để sống sót - Ảnh 5.

    Giải pháp rời khỏi Hà Nội để tránh ô nhiễm không khí xem ra không mấy khả quan.

    Chúng ta có thể làm gì để giảm ô nhiễm bụi mịn?

    Để làm giảm ô nhiễm bụi mịn, theo tôi, chúng ta có 2 nhóm công việc:

    1. Giảm phát thải bụi mịn

    Như đã phân tích, bụi mịn phần lớn được phát tán vào môi trường thông qua việc đốt, sự cháy của các nhiên liệu hóa thạch hoặc các chất hữu cơ chứa nhiều tạp chất. Vì vậy, giảm phát thải bụi mịn tức là giảm đốt nhiên liệu như than, củi, rơm rạ, rác.

    Nếu đốt rơm rạ một năm chỉ diễn ra 2 đợt thì đốt than lại liên tục hàng ngày và khối lượng than phục vụ sản xuất năng lượng cũng chiếm một tỉ trọng lấn át các nguồn khác. Chính vì vậy, giải pháp để giảm phát thải bụi mịn cần phải nhắm vào việc hạn chế dần nhiệt điện than. Dần dần thay thế nhiệt điện than bằng các nguồn điện khác sạch hơn như điện gas và năng lượng tái tạo, thậm chí điện hạt nhân. Đây là cả một câu chuyện dài và là một đề tài nhức đầu óc nhưng ít nhất về nhận thức xã hội, chúng ta cần nhìn nhận rằng vì môi trường, thì nhiệt điện than trong tương lai cần được khống chế và thay thế dần.

    Các siêu thành phố với dân số vài chục triệu người cũng là những nguồn phát thải bụi mịn và ô nhiễm đáng kể khi có hàng triệu phương tiện lưu thông chạy bằng xăng/ dầu. Trong tương lai, cần tham khảo luật môi trường của phương Tây và học theo họ trong việc hạn chế những phương tiện xả thải nhiều, hạn chế các phương tiện chạy dầu, và dần dần ưu tiên, khuyến khích các phương tiện sử dụng gas/ điện/hybrid xăng điện..

    2. Lọc bớt bụi

    Trung Quốc và các nước tiên tiến trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm bụi mịn đã cho lắp đặt các tháp lọc không khí ở những khu vực công cộng. Đó là những hành động rất thiết thực của chính quyền để bảo vệ môi trương và sức khỏe cho người dân.

    Ngoài ra theo ý tưởng của tôi, chính quyền Hà Nội có thể cho lắp ở mỗi nhà chờ xe bus các máy lọc hoặc tháp lọc không khí kích cỡ nhỏ, các tháp lọc lớn ở các công viên và khu vực đông dân cư để cải thiện chất lượng không khí cục bộ từng khu vực.

    Trồng nhiều cây xanh đô thị chưa hẳn là giải pháp tốt trong việc hạn chế bụi mịn. Cây xanh giữ bụi lại chứ không thổi bụi đi, vì vậy chúng không giúp làm sạch bụi mịn. Đồng thời, cây xanh trong đô thị làm triệt tiêu gió - tác nhân giúp làm khuếch tán ô nhiễm. Bởi thế, ô nhiễm có xu hướng tích tụ ở lại. Mặc dù vậy, cây xanh vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nhiệt độ cho đô thị, tạo bóng mát, tạo oxy,...

    Tất cả những gì chúng ta cần biết về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và làm thế nào để sống sót - Ảnh 6.

    Mỗi cá nhân có thể làm gì để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm bụi mịn?

    Về cá nhân mỗi chúng ta, để giảm sự ảnh hưởng của bụi mịn, chúng ta có 2 việc:

    1. Theo dõi cập nhật tình trạng ô nhiễm bụi mịn hàng ngày qua các app: Air visual/ Pam Air... Với những ngày cảnh báo đỏ về nồng độ bụi mịn, nếu phải ra ngoài đường, chúng ta cần đeo các khẩu trang tốt, kín, có thể lọc được bụi mịn.

    Nói về khẩu trang, khẩu trang y tế là không hiệu quả vì nó nhiều khe hở. Các khẩu trang thông thường cũng rất ít hạn chế được bụi mịn nếu không có kết cấu đeo bịt kín lấy khuông mặt và có van thở một chiều. Bởi lẽ nếu khẩu trang đeo không chặt, mỗi lần hít vào - thở ra, bụi sẽ luồn theo không khí qua khe hở giữa khẩu trang và mặt nhiều hơn là qua lớp lọc của khẩu trang.

    Nên dùng loại khẩu trang khi đeo thì bịt kín so với mặt, có kim loại nẹp mũi, có van thở 1 chiều và được quảng cáo là có thể lọc được các loại bụi mịn.

    Van thở một chiều giúp cho việc không khí thở ra được thoát ra dễ dàng, nếu không có van thở, bụi, hơi ẩm và vi khuẩn từ hơi thở của người sử dụng có xu hướng tích tụ lại ở mặt trong của khẩu trang và gây ô nhiễm cho chính người sử dụng.

    2. Đóng kín cửa trong những ngày được cảnh báo đỏ về ô nhiễm bụi mịn. Nên có máy lọc không khí ít nhất là trong phòng ngủ.

    Bản chất máy lọc là một cái quạt hút không khí đi qua các màng lọc. Máy lọc không khí tốt là loại máy có đủ 3 màng, lọc thô - màng HEPA lọc bụi và bụi mịn - màng than hoạt tính để lọc bớt tạp chất hữu cơ. Máy lọc không khí tốt phải có bộ sensor đo đầy đủ nhiệt độ - độ ẩm - và nồng độ bụi mịn trong không khí và cập nhật lên màn hình hoặc qua app điện thoại.

    Máy lọc không khí chuẩn là loại máy thay được tấm lọc thường kì. Thường là 6 tháng đến 1 năm 1 lần vì than hoạt tính có tuổi thọ tác dụng của nó, cũng như các màng lọc sẽ trở nên kém đi sau khi đã lọc được 1 thời gian dài.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày