Tất tần tật những gì bạn cần biết về đa vũ trụ của MCU

    Đông Giang,  

    Đa vũ trụ là chủ đề chính trong 3 giai đoạn tiếp theo của MCU và đã phần nào được khai thác trong một số dự án gần đây của Marvel Studios, dù vẫn còn khá nhiều điểm mơ hồ và mâu thuẫn.

    Đa vũ trụ là chủ đề trung tâm mới của vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) sau thời kỳ của Thanos và những viên đá vô cực, với 3 giai đoạn mới (4, 5, và 6) được gộp chung thành “Multiverse Saga”. Tuy nhiên cho đến nay, đề tài này được khai thác một cách khá mơ hồ và đôi khi là thiếu sự nhất quán giữa các tác phẩm của Marvel Studios.

    Đa vũ trụ bắt đầu được đưa vào MCU trong Avengers: Endgame, sau khi các siêu anh hùng hiểu ra cách du hành thời gian cũng như hiểu được cách mà thời gian hoạt động, phân nhánh mỗi khi có sự thay đổi trong quá khứ. Tuy nhiên trên thực tế, Marvel Studios đã “nhá hàng” cho chủ đề này từ rất nhiều năm về trước, thông qua những nghiên cứu đa vũ trụ của tiến sĩ Erik Selvig trong Thor: The Dark World.

    Tất tần tật những gì bạn cần biết về đa vũ trụ của MCU - Ảnh 1.

    Marvel Studios là bậc thầy trong việc "nhá hàng" các tác phẩm tương lai, và họ đã lót đường cho đa vũ trụ từ bom tấn Thor: The Dark World, thông quan nghiên cứu của tiến sĩ Erik Selvig.

    Cho đến nay, đa vũ trụ đã được khai thác thông qua một số bom tấn truyền hình và điện ảnh như Loki, What If…?, Spider-Man: No Way Home hay Doctor Strange in the Multiverse of Madness. Tuy nhiên, Marvel Studios lại chưa thực sự thành công trong việc lý giải ý tưởng này, thậm chí là còn khiến mọi thứ trở nên khó hiểu và mâu thuẫn hơn mỗi khi phần phim mới ra mắt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là vì họ chỉ quyết định đặt ra những quy luật liên quan đến đa vũ trụ sau khi đã đóng máy rất nhiều dự án của mình.

    Ví dụ, Marvel đã từng sử dụng cụm từ “dimension” (chiều không gian) để chỉ tất cả những sự kiện diễn ra trong các dòng thời gian khác, nhưng đôi khi cũng là ám chỉ một thế giới, một hành tinh hoàn toàn tách biệt với MCU. Chính vì vậy, để hiểu được tường tận những quy tắc của đa vũ trụ, khán giả sẽ phải đặc biệt tỉnh táo và cẩn trọng, tránh bị Marvel “bắt lú” với sự thiếu nhất quán của mình.

    Dưới đây là những chi tiết quan trọng liên quan đến đa vũ trụ trong MCU tính đến thời điểm hiện tại.

    Đa vũ trụ không chỉ là tập hợp của những thực tại song song

    Tất tần tật những gì bạn cần biết về đa vũ trụ của MCU - Ảnh 2.

    Cách tốt nhất để hiểu rõ về đa vũ trụ của MCU chính là đối chiếu với các bộ truyện tranh của Marvel. Scott Derrickson, đạo diễn của Doctor Strange từng đề xuất với khán giả chương truyện Sorcerer Supreme #2 - tác phẩm mang đến định nghĩa đa vũ trụ cho Marvel Comics, và cũng là 1 phần cảm hứng giúp hình thành nên giai đoạn 4 của MCU.

    Trong chương truyện này, Trái Đất được ví von như trung tâm của một đại dương vô tận, còn các dòng thời gian khác chỉ là những gợn sóng ở xa. Tuy nhiên, có những vũ trụ khác, hoàn toàn tách biệt với thực tại của chúng ta, nhưng vẫn nằm đủ gần để hoạt động theo cách tương tự. Khi càng đi đến những vũ trụ ở xa, các quy luật tự nhiên càng có nhiều sự thay đổi, thời gian và không gian cũng dần trở nên vô nghĩa tại những thế giới như Dark Dimension. Bản thân ánh sáng tại những nơi đó cũng không giống nhau và biến đổi tùy theo môi trường và điều kiện tự nhiên. Trong khi đó, các sợi thực tại thì thủng lỗ chỗ - chính là vô số lỗ sâu trong vũ trụ.

    Tuy nhiên, MCU đã sử dụng cụm từ “dimension” theo 1 cách khác, ám chỉ những khu vực nằm bên trên hoặc bên dưới thực tại của chúng ta, và chỉ có vào đó thông qua các công nghệ siêu tiên tiến hoặc nhờ nguồn phép thuật mạnh mẽ. Ví dụ, thế giới lượng tử (Quantum Realm) nằm dưới của thế giới của chúng ta, từng được Hank Pym mô tả là “một thực tại mà mọi khái niệm về thời gian và không gian trở nên vô nghĩa khi chúng ta thu nhỏ đến vô tận”. Trong khi đó, Noor Dimension trong series Ms. Marvel, lại là một thế giới nằm phía trên thực tại của chúng ta, và được ngăn cách bằng nguồn năng lượng Noor.

    Như vậy, đa vũ trụ trong MCU không chỉ là các dòng thời gian song song, mà còn là những thế giới, những chiều không gian nằm tách biệt so với thực tại của chúng ta.

    Các bậc thầy bí thuật hấp thụ năng lượng từ những thế giới khác

    Tất tần tật những gì bạn cần biết về đa vũ trụ của MCU - Ảnh 3.

    Trong bom tấn Doctor Strange, Thượng cổ Tôn giả (The Ancient One) đã giải thích rằng phép thuật có liên quan đến việc hút năng lượng từ những chiều không gian hoặc thế giới khác: “Ngôn ngữ của bí thuật đã tồn tại lâu đời như nền văn minh nhân loại. Các pháp sư cổ đại thường gọi ngôn ngữ này là “thần chú”. Nhưng nếu là 1 người hiện đại hơn, bạn cũng có thể gọi nó là “chương trình”. Mã nguồn sẽ định hình thực tại. Chúng ta khai thác năng lượng từ các chiều không gian khác của đa vũ trụ để có thể dùng được thần chú, biến ra khiên chắn và vũ khí, qua đó tạo ra phép thuật”.

    Khi sử dụng cụm từ “dimension”, Thượng cổ Tôn giả không muốn nói đến các dòng thời gian khác, mà là những nguồn năng lượng đến từ các thế giới khác. Về cơ bản, các bậc thầy bí thuật sẽ hút năng lượng từ đó và sử dụng nó để viết lại thực tại xung quanh họ, mà người bình thường nhìn vào sẽ coi đó là ma thuật.

    Một số cổ vật chứa phép thuật có thể đóng vai trò như vật trung gian hay kênh dẫn năng lượng từ các chiều không gian khác. WandaVision và Doctor Strange in the Multiverse of Madness đã một lần nữa khẳng định điều đó thông qua những cuốn sách ma thuật như Darkhold hay Book of Vishanti.

    Tuy nhiên, nguồn năng lượng được dẫn qua những cổ vật này thường không trung tính, mà sẽ mang đặc tính của nơi chứa đựng nguồn năng lượng đó. Darkhold khiến tâm trí của người dùng bị hủy hoại, biến chất, trong khi Book of Vishanti lại hoàn toàn ngược lại và mang tính chất thanh tẩy một cách tự nhiên. Các pháp sư cũng có thể triệu hồi những sinh vật từ chiều không gian khác và hấp thụ sức mạnh của chúng để gia tăng “công lực” của bản thân.

    Loki mang đến khái niệm mới về đa vũ trụ và sự phân nhánh thời gian

    Tất tần tật những gì bạn cần biết về đa vũ trụ của MCU - Ảnh 4.

    Series Loki là dự án đầu tiên trực tiếp khai thác đa vũ trụ trong giai đoạn 4 của MCU, và mang đến nhiều khác biệt so với những gì chúng ta đã phân tích ở trên. Đó chính là sự xuất hiện của nhiều dòng thời gian song song.

    Theo đó, dòng chảy thời gian có bản chất cực kỳ hỗn loạn. Bất kể 1 thời điểm nào, bất kể 1 thay đổi nhỏ nào, cũng có thể gây ra hiện tượng “nexus” - sự phân nhánh thời gian. Hiện tượng này nhạy cảm đến mức chỉ một sai lệch nhỏ trong thực tại, ví dụ như 1 người đi làm muộn (trong khi đáng ra họ phải luôn đúng giờ), cũng có thể kích hoạt nexus.

    Thật không may, khi các biến thể của cùng 1 cá thể trong các dòng thời gian khác nhau nhận ra sự tồn tại của thực tại khác, chiến tranh đa vũ trụ đã nổ ra. He Who Remains là người đã giành chiến thắng cuối cùng, qua đó thành lập nên tổ chức Time Variance Authority (TVA) để duy trì 1 dòng thời gian duy nhất và xóa toàn bộ những thực tại phân nhánh khác. Sau khi bị He Who Remains bị Sylvie hạ sát, đa vũ trụ đã được khôi phục.

    Theo Kate Herron, đạo diễn của series Loki, cho biết khía cạnh này của đa vũ trụ là cực kỳ phức tạp, bởi các nhánh thời gian còn có thể có mối liên kết và thậm chí là hợp nhất với nhau. “Nhánh thời gian có thể xem như là 1 thực tại khác”, Kate cho biết, “Nhưng khi phát triển đến một thời điểm nhất định, nó sẽ kết nối với các dòng thời gian khác. Trong phân cảnh cuối cùng (của Loki), những dòng thời gian đậm hơn mang ý nghĩa tương tự như dòng thời gian chính của chúng ta, và về cơ bản, chúng được kết nối với nhau thông qua những dòng thời gian nhạt hơn”. Tiếp đến, Doctor Strange in the Multiverse of Madness cho biết sự giao thoa này có thể dẫn đến sự sụp đổ của nhiều thực tại, hay còn gọi là hiện tượng xâm lấn (incursion).

    Bên cạnh đó, dường như đa vũ trụ còn là 1 cấu trúc logic nhưng chưa được giải thích rõ ràng. Cả tiến sĩ Erik Selvig và hội Illuminati đều đặt tên cho thực tại của mình bằng những con số khác nhau, Earth-616 và Earth-838. Nếu không nằm trong 1 cấu trúc cụ thể, có quy luật, thì việc đặt tên như vậy sẽ không cơ sở và khá vô nghĩa. Nhưng dù lý do là gì đi nữa, những cá thể đến từ các dòng thời gian phân nhánh được gọi chung là “biến thể” (variant). Trong nguyên tác, đôi khi các biến thể này được gắn thêm cả con số từ vũ trụ của mình để dễ phân biệt, ví dụ như Doctor Strange 616 hay Doctor Strange 838.

    America Chavez là nhân vật quan trọng nhất của đa vũ trụ

    Tất tần tật những gì bạn cần biết về đa vũ trụ của MCU - Ảnh 5.

    Doctor Strange in the Multiverse of Madness đã mang America Chavez lên màn ảnh lớn, siêu anh hùng có thể mở cánh cổng kết nối giữa các thực tại trong đa vũ trụ. Theo bom tấn này cho thấy, sức mạnh của Chavez là không có giới hạn, khi cô có thể đưa Strange đến những dòng thời gian phân nhánh và cả những chiều không gian mà các quy luật vật lý bị thay đổi hoàn toàn.

    Trong series Ms. Marvel, Bruno đã phát hiện ra rằng việc du hành đa vũ trụ là hoàn toàn khả thi, nhưng cần đến nguồn năng lượng rất lớn mà về cơ bản là tương đương với mặt trời. Điều đó gián tiếp cho thấy Chavez đang sở hữu tiềm năng và sức mạnh khủng khiếp đến mức độ nào. Ngoài ra, theo những gì đã phân tích trên đây, cũng có thể tạm khẳng định Chavez đóng vai trò như một vật dẫn, hấp thụ năng lượng từ một thế giới bí ẩn khác để thực hiện những “cú nhảy” trong đa vũ trụ.

    Một điểm đáng chú ý khác: America Chavez là độc nhất, không hề có biến thể từ những dòng thời gian khác. Điều này lý giải vì sao khi du hành đa vũ trụ, cô không gây ra hiện tượng nexus, không tạo ra nhánh thời gian khác. Đó là lý do vì sao Chavez được xem là nhân vật quan trọng nhất, sở hữu sức mạnh đáng sợ nhất của “Multiverse Saga”. Dưới sự chỉ dẫn của các bậc thầy bí thuật tại Kamar-Taj, rất có thể Chavez sẽ sớm làm chủ được năng lực của mình và góp mặt trong những trận chiến đa vũ trụ trong Avengers: The Kang Dynasty và Avengers: Secret Wars.

    Theo ScreenRant

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ