Bitcoin không bao giờ thay thế được các đồng tiền pháp định như Đôla Mỹ hay Yên Nhật.
Đồng “tiền ảo” Bitcoin đã tồn tại từ năm 2009 nhưng tới đầu năm nay, thế giới mới chú ý đến nó sau khi giá trị của 1 Bitcoin (BTC) tăng hơn 10 lần từ 20 USD hồi đầu tháng 2 lên tới đỉnh 266 USD vào ngày 10/4 rồi rớt một mạch về 66 USD chỉ trong hai ngày sau đó. Hiện 1 BTC đang được giao dịch ở mức giá khoảng 60 USD.
Khi Bitcoin lập đỉnh, giới báo chí quốc tế sôi động với hàng loạt lời tụng ca dành cho loại “tiền ảo” này. Một số ý kiến cho rằng Bitcoin sẽ sớm thay thế đồng tiền pháp định do các NHTW phát hành. Tuy vậy, theo người viết, nhiều người đang quá vội vàng tung hô Bitcoin mà quên mất (hoặc không biết) tiền là gì.
Tàu sân bay không bảo vệ cho Bitcoin
Người ta hay chỉ trích đồng tiền do các NHTW phát hành là “không có giá trị nội tại”, nó đơn giản chỉ là một tờ giấy (ở Việt Nam là một tờ … nhựa) và nó có giá trị vì có người chịu nhận lấy nó để đổi lấy hàng hóa dịch vụ của họ.
Và ở điểm này thì hình như đồng bạc xanh 100 USD chẳng hơn gì đồng xu Bitcoin, và nếu tiêu được “đồng bạc xanh” thì tại sao lại không tiêu được “đồng vàng Satoshi”?
Sự thực không đơn giản như thế. Từ thuở khởi nguyên của các loại tiền “không có giá trị nội tại” như Đôla Mỹ hay … Bitcoin, giá trị của đồng tiền nằm ở sức mạnh của tổ chức phát hành ra nó.
Ai phát hành ra Bitcoin? Một thanh niên nào đó mà ‘nghe đồn’ tên là Satoshi Nakamoto đã phát minh và hình như là cậu nhóc ở nhà kế bên vừa ‘đào’ được sáng qua từ dàn máy tính ở nhà.
Ai phát hành Đôla đồng? Về mặt kỹ thuật, đó là Cục dự trữ liên bang Mỹ nhưng bảo đảm giá trị cho USD là Hoa Kỳ và toàn bộ sức mạnh của nhà nước này.
Đó là tổ chức có 10 tàu sân bay, 71 tàu ngầm và 1.400.000 sĩ quan binh lính. Đó là tổ chức sở hữu kho vàng lớn nhất thế giới. Đó cũng là tổ chức có quyền ban hành và thực thi pháp luật (mà một trong số đó là luật quy định cấm không được từ chối nhận USD, vì thế nên mới có tên gọi “đồng tiền pháp định”).
Trong một chừng mực nào đó, những nguồn lực kể trên chính là “giá trị nội tại” của USD, khiến người ta tin tưởng để nắm giữ và sử dụng. Còn Bitcoin? Tất cả những gì đồng tiền này có là một thuật toán phức tạp mà đa phần mọi người không hiểu nổi để mà kết luận có nên tin vào nó hay không.
Đồng tiền của suy thoái
Người thiết kế ra Bitcoin giới hạn tổng cung tiền ở mức 21 triệu BTC để nhằm bảo toàn giá trị, tránh hiện tượng in tiền tràn lan. Có lẽ người (hoặc nhóm người) này chưa hiểu biết nhiều lắm về hệ thống tiền tệ và đây không phải ưu điểm mà là một nhược điểm của Bitcoin.
Thực tế thì cung tiền phải luôn đảm bảo tương đương với tổng giá trị hàng hóa dịch vụ trong lưu thông, khi kinh tế tăng trưởng và tổng giá trị HH-DV lưu thông tăng lên, cung tiền cũng phải tăng nếu không sẽ gây ra giảm phát.
Khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát, người ta đơn giản sẽ cất tiền dưới gối và không đưa vào đầu tư kinh doanh, khiến kinh tế càng lún sâu vào suy thoái (đây chính là điều đã diễn ra ở Nhật Bản suốt hai thập kỷ qua).
Nói cách khác, thiết kế của Bitcoin khiến hệ thống kinh tế nào lấy nó làm đồng tiền chính thức chắc chắn sẽ rơi vào giảm phát và Bitcoin biến thành một tài sản thuần túy mang tính đầu cơ thay vì một “đồng tiền”.
Không biết có mua được Viettel mệnh giá thấp nhất không?
Thẻ điện thoại mệnh giá thấp nhất tại Việt Nam là 10.000 VNĐ, tức gần nửa USD. Mức giá này đã ổn định trong cả chục năm nay (tính theo VNĐ) và gần hai năm (tính theo USD). Nhưng tương đương với bao nhiêu Bitcoin? Rất khó biết chính xác, thậm chí là ước lượng.
Khi bắt đầu viết bài này, người viết được trang MT.GOX thông báo giao dịch mới nhất của Bitcoin là 58 USD/BTC, hiện giá đã là 77 USD/BTC, tức tăng 30% chỉ trong vài giờ. Hầu như không có doanh nghiệp nào lại yết giá Hàng hóa - Dịch vụ của mình bằng một đồng tiền có mức độ biến động lớn đến thế.
Khi yết giá bằng Bitcoin, người bán không cách nào chắc chắn được giá trị mình sẽ thu về là bao nhiêu. Nếu người bán sẵn sàng “liều” như trong một ván bạc với mức độ thắng thua theo giờ cỡ hàng chục % (trong khi biên lợi nhuận gộp nhiều công ty chỉ vài %), thì Bitcoin là một tài sản đầu cơ chứ không phải là phương tiện trao đổi.
Về phía người mua, có lẽ không ai muốn giá xăng niêm yết bằng Bitcoin, vì chẳng ai biết đổ đầy bình sẽ tốn số tiền tương đương với 100 ngàn hay 1 triệu VNĐ, hay có thể vừa cắn răng đổ đầy bình giá tương đương 1 triệu xong thì hôm sau cùng số xăng ấy chỉ còn đáng giá có 100 ngàn.
Có thật là đồng tiền dành cho tương lai?
Từ góc độ kinh tế học mà nói, với thiết kế như hiện nay Bitcoin không thể cạnh tranh với đồng tiền do các NHTW phát hành, vì nó không phải phương tiện trao đổi, cũng khó có thể lưu trữ giá trị.
Vậy giả sử giá trị của Bitcoin dần đi vào bình ổn, liệu nó có phải phương tiện thanh toán của tương lai? Và câu chuyện về một đột phá công nghệ mang tên “tiền ảo” không mất chi phí in ấn, di chuyển tiện lợi khắp toàn cầu và có thể thanh toán ở bất kỳ đâu có phải là mới mẻ?
Kỳ sau: Tiền nào chẳng là “tiền ảo”
Theo Minh Tuấn/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"