Nếu vẫn nghĩ Taylor Swift chỉ là một cô ca sĩ trẻ yếu đuối, sau khi đọc bài viết này có lẽ bạn sẽ phải nghĩ lại.
Bài viết thể hiện quan điểm của Mic Wright, nhà báo chuyên công nghệ và âm nhạc trên trang TheNextWeb.
Vài ngày trước, trên tạp chí Vanity Fair, Taylor Swift đã chia sẻ về lý do khiến cô viết bức tâm thư gửi tới Apple, điều dường như là chất xúc tác khiến công ty này phải thay đổi lập trường về chính sách thanh toán tiền bản quyền cho các nghệ sĩ trong thời gian 3 tháng dùng thử miễn phí.
Cô tâm sự: “Tôi bắt đầu gõ những dòng này vào khoảng 4 giờ sáng. Vài ngày trước đó, Apple đã gửi những bản hợp đồng tới bạn bè nghệ sĩ của tôi, và vài người trong số họ đã trao đổi với tôi những ảnh chụp màn hình về bản giao kèo bất công đó. Và tôi đọc tới dòng “thù lao 0% cho người nắm giữ tác quyền”. Đôi khi tôi thức dậy giữa đêm chỉ vì cảm hứng sáng tác tìm đến, và sẽ không thể ngủ tiếp nếu chưa viết nhạc xong. Với lá thư này cũng vậy… Tôi đọc thư cho mẹ nghe, bởi mẹ luôn là người đầu tiên tôi muốn chia sẻ mọi chuyện. Tôi nói với mẹ: “Con thực sự rất hoang mang, nhưng con sẽ phải làm điều gì đó. Có thể con sẽ không đưa lên mạng, nhưng chắc chắn họ cần phải biết con muốn gì”.
Có thể bạn sẽ không tin hoàn toàn những lời cô ấy nói, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng Taylor đang làm rất tốt trong việc thể hiện là một người thẳng thắn, luôn đứng về phía kẻ yếu và hành động vì chính nghĩa. Cụ thể ở đây, cô lên tiếng để bảo vệ bạn bè của mình chứ không vì lợi ích cá nhân khi không một lời nhắc tới hãng đĩa hay tên nhãn hiệu riêng. Quả là một hành động đẹp và tử tế trong thị trường âm nhạc đầy cạnh tranh này.
Gây sự với Taylor Swift chẳng khác nào… đùa với lửa.
Bức thư này được viết sao cho có vẻ giống như tiếng lòng của một cô gái trẻ đơn độc nhưng dũng cảm chống lại gã khổng lồ "háu ăn" Apple. Taylor không hề đề cập đến chuyện kinh doanh, những nhà quản lý hay nhãn đĩa của cô. Rõ ràng, hình ảnh một nữ doanh nhân đứng lên đòi quyền lợi thương mại và ảnh hưởng công chúng không xuất hiện trong bức thư "mùi mẫn" kia.
Kể từ khi gia nhập làng giải trí cách đây gần 10 năm, Taylor vẫn luôn có xu hướng thể hiện tính cách của mình qua âm nhạc với tạo hình cô gái bé nhỏ bị bắt nạt, chèn ép và cuối cùng sẽ tìm cách đứng lên đáp trả. Chính điều đó đã “chạm tới trái tim” của hàng triệu người hâm mộ, dễ dàng khiến giới trẻ đồng cảm và “tôn vinh” cô lên vị trí đầu bảng của dòng nhạc pop hiện nay. Và giờ thì Taylor đã sở hữu độ phủ sóng khó ai bì kịp, đứng đầu về số lượng bạn thân nổi tiếng và có hàng tá ảnh selfie với những gương mặt thậm chí bạn còn không dám mơ tới.
"Cuộc tình" chóng vánh với Spotify liệu sẽ trở thành chủ đề cho ca khúc tiếp theo của cô nàng?
Cuộc chiến với Apple chỉ diễn ra trong vòng vài tiếng đồng hồ, nhưng lại chính là miếng mồi béo bở cho những kẻ ngoài cuộc tha hồ thêu dệt về bản chất của câu chuyện. Nó một lần nữa lại mang chúng ta đến với cuộc chiến giữa Taylor Swift và "tình cũ" Spotify. Trong cuộc phỏng vấn hé lộ vào ngày 4/8 vừa qua trên tạp chí đình đám Vanity Fair, Taylor Swift không tiếc lời ca ngợi Apple về cách ứng xử đúng mực khi rất coi trọng những tâm tư của cô cũng như cả một cộng đồng sáng tạo nghệ thuật nói chung.
Sau đó, cô so sánh phản ứng tích cực này của Apple với dịch vụ âm nhạc trực tuyến Spotify, nơi cô đã quyết định gỡ bỏ toàn bộ nhạc của mình vào cuối năm ngoái. Cô mỉa mai: “Tôi thấy vô cùng nực cười khi một bên là công ty lớn trị giá hàng tỷ đô với cách ứng xử khiêm nhường, còn bên kia chỉ là một startup không có lấy một đồng ra đồng vào lại có phản ứng như thể họ là cái máy vậy”.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta xếp Spotify vào bộ sưu tập... tình cũ của cô nàng lắm chiêu Taylor Swift. Bởi cách đáp trả của Taylor dành cho trang nghe nhạc trực tuyến này không hề khác so với những gì cô đã làm với những anh chàng người yêu cũ trong quá khứ, có chăng chỉ là Spotify chưa được xuất hiện trong bất kỳ ca khúc mới nào của cô. Cô thậm chí còn đưa ra định nghĩa mới cho Spotify khi gọi công ty này là một “cái máy non trẻ”. Bởi trong con mắt cô, Spotify không hề là một tổ chức được xây dựng bởi những người yêu âm nhạc và chủ đích quảng bá âm nhạc một cách văn minh. Với cô, đây chỉ đơn thuần là một “cái máy”, thậm chí còn “không có lấy một đồng ra đồng vào”.
Taylor Swift luôn có những phát ngôn rất tự tin về mọi vấn đề của bản thân.
Tuy nhiên, phát ngôn này của cô dường như có phần chưa chính xác. Trong thực tế, Spotify đang đứng đầu các dịch vụ âm nhạc trực tuyến thành công nhất hiện nay với doanh thu năm 2014 lên tới 1,3 tỷ USD. Thêm vào đó, dịch vụ này cũng khá hào phóng trong khoản trả thù lao cho các nghệ sĩ (2 tỷ USD từ năm 2008 đến 2014, trong đó chỉ riêng năm 2014, Spotify đã phải bỏ ra 1 tỷ USD).
Chỉ có điều, mô hình kinh doanh cùng chính sách của Spotify vẫn không thể làm hài lòng Taylor Swift hoặc có thể cô nàng cho rằng chừng ấy tiền là chưa đủ. Do vậy cô đã quyết định dứt áo ra đi sau khi không quên để lại vài lời “nhắn nhủ”. Và cũng chính bởi sức ảnh hưởng không hề tầm thường của cô, Spotify giờ đây bị gán mác là một startup “không tôn trọng nghệ sĩ”.
Xung đột giữa Swift và Spotify không đơn thuần là cuộc cãi vã giữa một cô gái và một cỗ máy, nó đã trở thành cuộc chiến của 2 cỗ máy thương mại.
Taylor vẫn sống tốt trên Tumblr và Twitter, nhưng thay vì những bài viết “vô hại” trên những trang mạng xã hội dành cho giới trẻ, vốn đang dần bão hòa, cô thực sự đã xây nên “đế chế” của riêng mình khi lựa chọn các phương tiện truyền thông chính thống để thể hiện nỗi bức xúc.
Tiếng nói của Taylor Swift đang dần... bành trướng nhờ các phương tiện truyền thông chính thống.
Cô viết trên tờ Wall Street Journal danh tiếng: “Âm nhạc là nghệ thuật, và nghệ thuật luôn rất quan trọng và đáng quý. Những thứ quan trọng và đáng quý luôn có giá trị. Và để có những thứ giá trị, cần phải trả bằng tiền. Theo tôi, âm nhạc không nên là một món hàng miễn phí, và theo dự đoán của tôi, trong tương lai không xa, chính những nghệ sĩ và hãng đĩa của họ sẽ có quyền tự quyết định mức giá của một album. Đó sẽ là cách duy nhất để bản thân họ cũng như nghệ thuật của họ không bị đánh giá thấp”.
Đó là những lập luận sắc bén đến từ công chúa nhạc đồng quê. Tuy nhiên hẳn ai cũng thấy rõ sự khác biệt giữa giọng điệu buồn bã của Taylor trên Tumblr, kêu gọi quyền lợi cho giới nghệ sĩ với một Taylor đầy sắc sảo, một doanh nhân đích thực trên Wall Street Journal. Và đương nhiên, với tâm thế “hành động vì chính nghĩa” của mình, Taylor Swift dễ dàng thuyết phục người hâm mộ và các nhà bình luận đứng về phía cô.
Đáp lại sự hấp tấp trong phát ngôn của nàng công chúa, Nicki Minaj lại có phàn ứng rất "đàn chị".
Tuy nhiên, mẫu hình cô nàng lý tưởng của Taylor Swift đôi khi vẫn khiến người ta “lăn tăn”. Bản tính đôi chút vụng về cộng hưởng với sự nhiệt tình đôi khi hơi… quá khích của cô không may đã khiến Taylor tự sa chân vào “ma trận” chơi chữ của rapper “lắm chiêu” Nicki Minaj. Họ vốn được biết tới như hai người bạn khá thân thiết, thậm chí Nicki Minaj từng song ca với Taylor Swift ca khúc “Superbass” trong show diễn của công chúa nhạc đồng quê cách đây 4 năm. Tuy nhiên, cách đây vài tuần, giữa 2 cô nàng đã nổ ra một cuộc khẩu chiến trên… Twitter về sự bất công giữa số lượng đề cử cho giải VMA 2015 của MTV không lâu trước đó.
Sau vài ngày đối đáp qua lại, trước sự chứng kiến của hàng triệu fan hâm mộ cũng như những kẻ… không muốn cũng phải quan tâm, Taylor Swift đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi Nicki Minaj vì đã hấp tấp “nhận vơ” và mua bực vào người. Chính điều này càng khiến người ta lờ mờ cho rằng, phải chăng “bộ sưu tập” bạn thân nổi tiếng của Taylor Swift đang chỉ đóng vai trò… đạo cụ cho tiếng tăm của cô nàng?
Nhóm bạn thân của Taylor Swift gồm nhiều cô gái trẻ xinh đẹp với tiếng tăm lẫy lừng luôn thu hút sự chú ý của dư luận.
Hẳn chúng ta cũng đã dần quen với khả năng “khó tin” của Taylor Swift trong việc một tay khuấy đảo thị trường nhạc pop - cùng lúc khai thác nhuần nhuyễn các phương tiện truyền thông để tự marketing bản thân hiệu quả.
Có thể nói, sự đụng độ giữa Taylor Swift với Spotify lần này quả thực không khác một cuộc đối đầu giữa hai con thú lớn trong “khu rừng” nghe nhạc trực tuyến.
Tham khảo TheNextWeb
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Điện thoại Xiaomi có thể phát hiện camera ẩn
Điện thoại Xiaomi sau khi cập nhật lên HyperOS 2.0 có thêm tính năng phát hiện camera giấu kín giúp bảo vệ quyền riêng tư.
Facebook 'ép' người dùng phải xem thêm nhiều nội dung từ người mình không hề 'kết bạn'