Tên lửa SpaceX vô tình tạo ra một lỗ hổng khổng lồ đường kính 900km trên tầng điện ly của Trái đất, làm sai lệch hệ thống GPS

    tvd,  

    Rất may là ảnh hưởng của sự cố này không quá lớn.

    Theo phát hiện mới nhất của các nhà khoa học, tầng điện ly của Trái đất xuất hiện một lỗ hổng khổng lồ với đường kính lên đến 900km. Lỗ hổng trên tầng điện ly này có thể làm ảnh hưởng tới hệ thống định vị GPS, do làm sai lệnh thông số điều chỉnh tín hiệu vô tuyến.

    Nguyên nhân gây ra lỗ hổng khổng lồ trên tầng điện ly, theo các nhà khoa học chính là tên lửa Falcon 9 của SpaceX được phóng lên quỹ đạo vào ngày 24 tháng 8 năm ngoái. Tên lửa này mang theo vệ tinh Formosat-5, một vệ tinh quan sát do Cơ quan Vũ trụ Đài Loan phát triển.

    Khi chiếc tên lửa Falcon 9 đạt đến tốc độ siêu âm, khoảng vài phút sau khi rời bệ phóng, nó đã phát ra những sóng âm khổng lồ lan truyền qua bầu khí quyển. Các sóng âm này mở rộng với tốc độ lên đến 600 - 700 m/giây và lan truyền trong khoảng 20 phút.

    Theo báo cáo của Advancing Earth, đây là tên lửa phát ra các sóng âm mạnh nhất. Đó chính là nguyên nhân khiến cho tầng điện ly của Trái đất bị xé toang và thủng một lỗ hổng khổng lồ, với đường kính 900km và diện tích khoảng 1,7 triệu km2 (rộng gấp 4 lần bang California).

    Tầng điện ly là một vùng phía trên bầu khí quyển, nằm ở ngoài cùng của Trái đất. Đây là nơi hứng chịu rất nhiều tia Mặt Trời, khiến cho các hạt bị ion hóa. Vì vậy mà tầng điện ly tập trung nhiều điện tích tự do.

    Tầng điện ly có ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống vệ tinh GPS, bởi nó làm suy yếu các sóng vô tuyến mà vệ tinh truyền về Trái đất. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã phải điều chỉnh tín hiệu vô tuyến để không bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu.

    Tuy nhiên với việc mật độ điện tích tại lỗ hổng trên tầng điện ly sụt giảm tới 70%, tín hiệu sóng vô tuyến truyền từ vệ tinh GPS về Trái đất sẽ bị sai lệch. Rất may sự việc cũng không quá nghiêm trọng, các nhà khoa học cho rằng sự sai lệch có thể chỉ là vài mét.

    Nguyên nhân khiến cho tên lửa Falcon 9 có thể phá vỡ tầng điện ly, một phần cũng là do quỹ đạo theo thẳng đứng khi phóng lên quỹ đạo Trái đất. Trước đây, việc phóng vệ tinh lên thường được thực hiện theo quỹ đạo ngang, trước khi vệ tinh được tiếp cận với quỹ đạo của Trái đất.

    Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng: “Chúng ta nên hiểu được những tác động của mình tới bầu khí quyển Trái đất. Điều này rất quan trọng, bởi những tác động nhỏ này có thể sẽ gia tăng rất nhanh trong tương lai gần và đe dọa tới sự an toàn của Trái đất”.

    Tham khảo: theregister

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ