Tencent đang ‘nuốt chửng’ các startup game nhiều hơn

    Phương Nguyễn, ICT News 

    Bị nắn gân với hoạt động trong nước, Tencent đang tìm cách chuyển hoạt động ra nước ngoài thông qua hình thức thâu tóm các nhà phát triển và phát hành game.

    Sáu tháng đầu năm nay, Tencent đã đầu tư vào 62 startup về video game, nhiều gấp đôi cả năm 2020, theo báo cáo từ Niko Partners. Còn nếu so với năm 2019, con số này là nhiều gấp 5 lần.

    Từ đây, gã khổng lồ Internet Trung Quốc đã vươn mình trở thành công ty game lớn nhất thế giới về mặt doanh thu, qua mặt cả những kẻ sừng sỏ nhất nước Mỹ như Activision Blizzard hay Electronic Arts với tuổi đời nhiều gấp đôi Tencent.

    Tencent đang ‘nuốt chửng’ các startup game nhiều hơn - Ảnh 1.

    Nỗ lực đầu tư vào game của Tencent nhằm tránh ‘mưa rơi đạn lạc’ của chính phủ Trung Quốc trong các hoạt động kiềm chế tầm ảnh hưởng của Alibaba và Jack Ma.

    Ngoài ra, hành động của Tencent cũng được thúc đẩy bởi thành công toàn cầu của Genshin Impact, một game do startup có tên gọi miHoYo phát triển. Genshin Impact được xem là game Trung Quốc phát hành toàn cầu thành công nhất mọi thời đại.

    Trong nửa đầu năm nay, chỉ tính riêng phiên bản mobile, Genshin Impact đã có doanh thu cao thứ ba thế giới, chỉ sau Honour of Kings (Liên Quân Mobile) và PUBG Mobile đều của Tencent.

    Túi tiền không đáy của Tencent khiến ngay cả các nhà phát triển Mỹ cũng không kháng cự lại được. Riot Games, nhà phát triển của League of Legends (Liên Minh Huyền Thoại) đã về tay Tencent từ năm 2011. Đồng thời Tencent cũng nắm quyền kiểm soát một tên tuổi khác là Epic Games, kẻ ngáng đường Apple trong vụ kiện chống lại App Store của Táo khuyết.

    Tencent đang ‘nuốt chửng’ các startup game nhiều hơn - Ảnh 2.

    Tencent còn cạnh tranh ở các mảng liên quan đến fintech.

    Gần đây, Tencent lại đang thuê những cựu binh của nhà phát triển huyền thoại Blizzard để làm game chiến thuật thời gian thực (RTS) phục vụ thị trường phương Tây. Sức hấp dẫn của Tencent còn thu hút các nhà phát triển Canada và Thụy Điển với chính sách đầu tư không can thiệp vào nội bộ startup hay sản phẩm.

    Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tencent nhằm cố gắng phân tán sự chú ý của Bắc Kinh. Cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc hiện đang bắt đầu điều tra vụ sáp nhập DouYu và Huya, hai nền tảng livestream lớn nhất nhì Trung Quốc bị Tencent thâu tóm.

    Giới chức nước này đồng thời cũng đang chuẩn bị phạt Tencent vì nắm thị phần tuyệt đối ở thị trường nghe nhạc trực tuyến.

    Tencent hiện đang nằm trong nhóm các công ty công nghệ bị Trung Quốc đặt trong tầm ngắm vì chiếm thị phần lớn trong nước. Ngoài Alibaba và Tencent, danh sách theo dõi còn có ByteDance, sàn thương mại điện tử JD.com, hãng dịch vụ vận chuyển Didi Chuxing.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ