Tesla đang trở thành một Apple mới, dòng máu trong cơ thể họ giờ chính là của Apple
Nhưng với những nền tảng mà Tesla đang xây dựng, tham vọng của họ còn lớn hơn cả việc trở thành một Apple mới.
Nếu bạn không là người theo dõi việc chuyển dịch nhân sự trong Thung lũng Silicon, hẳn bạn sẽ bỏ qua các tin tức đó. Ngay cả khi bạn thấy tin tức về một ai đó, điều đó cũng chẳng ý nghĩa mấy. Chris Lattner đang rời Apple để đến Tesla ư? Chris nào thế?
Lattner không phải cái tên nổi tiếng như Tim Cook hay Jony Ive, nhưng anh ấy đúng là một ngôi sao trong giới kỹ sư phần mềm. Đây chính là người đã làm nên Swift, ngôn ngữ lập trình trung tâm cho iPhone, là một trong những lập trình viên được người trong giới tôn thờ. Anh là hiện thân cho nỗ lực không ngừng của Thung lũng Silicon nhằm thúc đẩy công nghệ theo hướng thay đổi thế giới.
Nhưng giờ anh ấy đang chuyển đi để trở thành người đứng đầu kỹ thuật phần mềm cho Autopilot, công nghệ giúp biến những chiếc xe điện của Tesla thành xe tự động. Cỗ máy sáng tạo của Apple lại tiếp tục mất đi một mắt xích quan trọng vào tay một công ty đã lôi kéo rất nhiều người khác từ ngôi nhà mà Steve Jobs đã xây dựng. Với những người theo dõi tin công nghệ và thung lũng Silicon, điều đó đang làm nên một câu chuyện rất rõ ràng: Tesla là một Apple mới.
Một Apple mới
Theo nhiều cách khác nhau, câu chuyện là đúng như vậy. Phó chủ tịch kỹ thuật máy Mac của Apple, Doug Field, giám đốc kỹ thuật hợp kim Rich Heley, và kỹ sư MacBook Air Matt Casebolt là một vài trong số những người đã rời Cupertino để đến Tesla. Nhưng sự thật còn lớn hơn như vậy.
Việc Tesla đang lấy đi nhiều sức mạnh của Apple để trở thành một biểu tượng mới cho sức sáng tạo của Thung lũng Silicon, đã dẫn đến các lập luận rằng “Apple đang mắc kẹt trong thế giới điện thoại và đồng hồ,” còn “Tesla đang trên đường đi tới xe tự lái.” Cho dù vậy, nếu nhìn xa hơn danh sách những nhân tài và hình ảnh sản phẩm sexy, bạn sẽ thấy rằng Tesla đang bắt chước Apple (và cả Google, Amazon và Facebook) theo một cách ý nghĩa hơn.
Sự có mặt của Lattner chỉ là bằng chứng mới nhất cho việc đó. Cũng như những người khổng lồ công nghệ đó, Tesla không chỉ đang tạo ra những sản phẩm mới. Họ tạo ra chúng từ những bộ phận hoàn toàn mới, thiết kế chúng từ đầu tới cuối. Trong khi Apple làm như vậy với điện thoại, Tesla làm vậy với ô tô, và với cả máy tính nữa.
Quang cảnh buổi ra mắt chiếc Tesla Model 3.
Kỹ thuật đỉnh cao
Google không chỉ tạo ra một cỗ máy tìm kiếm. Họ tạo ra một loại máy tính toàn cầu, có thể chạy cỗ máy tìm kiếm với quy mô chưa từng có, tạo nên mọi thứ từ phần mềm cho đến máy chủ, tới cả những thiết bị chuyển mạch cũng như trung tâm dữ liệu. Đó là điều làm Google trở nên thành công: họ có thể phục vụ nhiều người hơn và nhanh hơn bất kỳ ai. Facebook và Amazon cũng đang học tập điều đó.
Tương tự như vậy, Apple không chỉ tạo nên iPhone. Họ thiết kế nên rất nhiều các bộ phận riêng lẻ bên trong iPhone, bao gồm cả bộ vi xử lý ở trung tâm thiết bị này. Điều đó không chỉ cho phép công ty tạo ra một chiếc điện thoại không ai có thể bắt chước, mà còn làm nó với tốc độ và sự hiệu quả chưa từng có.
Tesla hiểu rằng những chiếc xe tự lái cũng đòi hỏi một loại kỹ thuật đỉnh cao như vậy. Tesla không chỉ xây dựng một chiếc ô tô, họ còn tạo ra một loại máy tính hoàn toàn mới. Ngày nay, các máy tính được thiết kế để gửi dữ liệu ra thế giới. Những chiếc xe tự lái đòi hỏi các máy tính có thể vẽ lại dữ liệu về thế giới và sử dụng nó để hiểu những gì đang xảy ra xung quanh nó. Đó là loại máy tính rất khác biệt, và nó vẫn chưa từng được làm ra.
Tính năng tự lái Autopilot trên xe Tesla.
Vị trí của Lattner trong chiến lược của Tesla
Tesla tuyển dụng Lattner bởi vì anh ấy có một lịch sử xây dựng các dự án phần mềm vô cùng phức tạp và cũng rất thành công. Theo ông Vikram Adve, người hướng dẫn luận án tiến sĩ của anh, chỉ ra, Swift là một ví dụ của việc đó. Trước đó, Lattner còn có hai dự án phần mềm khác với quy mô tương tự: LLVM và Clang. Bạn chưa bao giờ nghe về nó ư? Hẳn bạn không phải là một kỹ sư phần mềm rồi.
Đây là các công cụ cơ bản tại cả Apple và Google, chúng là nền tảng cho mọi thứ xảy ra trên iPhone và các dịch vụ trực tuyến của Google. “Chris thực sự giỏi trong việc quản lý và vận hành mọi thứ của một dự án phần mềm lớn, với chất lượng rất cao, thu hút các lập trình viên thực sự giỏi, và tạo ra kết quả.” Adve cho biết.
LLVM và Clang là các công cụ phần mềm mà các kỹ sư sử dụng để xây dựng các phần mềm khác – và những phần mềm đó được xây dựng ở cấp độ cơ bản nhất, cấp độ mà phần mềm giao tiếp với phần cứng. Vì vậy, Lattner chính là người Tesla cần một phần vì họ đã chia tay với Mobileye, công ty Israel tạo ra hệ thống nhận diện hình ảnh, hiện đang vận hành tính năng Autopilot.
Chris Lattner.
Tesla cần xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới, với các chip GPU của Nvidia, bộ xử lý đồ họa hiện đang chịu trách nhiệm trọng tâm cho nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo. Và Lattner là loại kỹ sư có thể dẫn dắt việc phát triển của một hệ thống như vậy. Ngoài ra không thể không kể đến một yếu tố khác: phần mềm cơ bản sử dụng để điều khiển các GPU Nvidia dựa trên LLVM.
Nhưng Lattner không phải yếu tố duy nhất cho thấy Tesla có thể đi xa đến đâu trong việc tự xây dựng công nghệ của riêng mình. Bên cạnh Lattner sẽ vận hành mảng phần mềm, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật phần cứng cho Autopilot là Jim Keller, cựu kỹ sư thiết kế chip của Apple, người giúp xây dựng nhiều bộ vi xử lý cho những chiếc iPhone nổi tiếng thế giới. (Hàng loạt đồng nghiệp của Keller hiện cũng đang làm việc cho Tesla).
Tesla hiện đang có những tài năng cần thiết để có thể xây dựng công nghệ AI riêng cho mình từ đầu tới cuối. Và họ có thể phải làm như vậy. Mobileye đã ra khỏi cuộc chơi, và vẫn chưa rõ liệu các GPU có phải là tương lai của các thiết bị tự lái hay không. Mobileye dường như đã không thể theo kịp Tesla khi họ đang tiến quá nhanh trên con đường đi tới xe tự lái, và rõ ràng Tesla không có ý định chậm lại.
Không ai bên ngoài Tesla biết liệu họ có đang làm một con chip AI hay không, nhưng việc thuê Lattner cho thấy họ sẽ làm như vậy. Và nếu họ làm như vậy, họ sẽ cần người như Lattner để xây dựng các phần mềm cấp nền tảng nhằm điều khiển các chip này.
Về cơ bản, LLVM là công cụ để xây dựng nên phần mềm có thể vận hành các thiết bị phần cứng. Theo Todd Mostak, CEO của MapD một công ty sử dụng LLVM để xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu cho các bộ xử lý, LLVM sẽ cho phép bạn nhắm mục tiêu đến con chip mà bạn muốn.
Thế giới đã sẵn sàng hướng đến một loại chip AI mới. Năm ngoái, Google đã tiết lộ rằng họ đã xây dựng một chíp mới có tên gọi Tensor Processing Unit, hay TPU. Ngoài ra, những công ty chuyên sản xuất chip như NVIDIA và Intel cũng đang xây dựng các con chip AI chuyên biệt.
Những con chip như vậy rất cần thiết cho các nhu cầu của các mạng lưới thần kinh và các kỹ thuật khác – từ nhận diện giọng nói và hình ảnh cho đến các trung tâm thần kinh để điều khiển ô tô tự lái – các nền tảng cho rất nhiều dịch vụ liên quan đến AI tiến vào thị trường.
Tesla có thể có được công nghệ này từ những người khác, nhưng tham vọng của họ còn lớn hơn như vậy rất nhiều. Họ đã bắt đầu tự sản xuất pin trong nhà máy của riêng mình. Tự làm những sản phẩm của riêng minh sẽ cho phép bạn làm những điều không ai khác có thể làm, với quy mô và chi phí không ai khác có thể đạt được. Đó là lúc lợi thế thực sự xuất hiện. Đúng là Tesla thuê Chris Lattner bởi vì họ muốn trở nên giống Apple. Nhưng họ cũng muốn thuê anh ấy vì họ muốn trở nên khác biệt hơn nữa.
Theo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương