Tesla không thể là một Apple tiếp theo

    Neo,  

    Nhiều người ví những mẫu xe Tesla với những chiếc iPhone nhưng đó là một sự so sánh không chính xác.

    Tuần trước, các hãng xe hơi trăm tuổi đã bị sốc nặng khi fan Tesla xếp hàng dài bên ngoài cửa hàng của hãng ô tô điện để đặt hàng mẫu xe Model 3 trước khi nó được trình làng vào ngày 31/3. Bảy ngày sau khi ra mắt, số lượng đơn đặt hàng Model 3 đạt 325.000 chiếc, một con số kỷ lục. Tuy nhiên, người ta lại ví so sánh thành công của Tesla với Apple, một hãng điện tử tiêu dùng, chứ không phải một hãng xe hơi.

    Tesla có nhiều điểm tương đồng với Apple như nguồn gốc từ Slicon Valley, sản phẩm có thiết kế hướng tới tương lai và trang bị nhiều công nghệ cao. Trong khi đó, CEO Elon Musk của Tesla cũng tài năng và lập dị không kém Steve Jobs của Apple. Do vậy, các dòng xe như Model S, Model X và Model 3 thường được ví như những chiếc iPhone mới.

    Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa mảng kinh doanh xe hơi và mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng mà Apple đang thống trị. Chính sự khác biệt này mang lại nguồn lợi nhuận biến Apple trở thành một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Mặt khác, chính sự khác biệt này cũng có thể khiến Tesla không thể tồn tại dù nhận được số đơn đặt hàng kỷ lục.

    Thành công của Apple tới từ khả năng xây dựng một thương hiệu mạnh bằng cách thiết kế và xây dựng những sản phẩm hấp dẫn, cung cấp trải nghiệm người dùng trực quan, độc quyền. Cho tới nay, chìa khóa thành công của Tesla cũng gần tương tự: các mẫu xe Model S và Model X của Tesla có thiết kế đẹp, tốc độ cao và được hỗ trợ bởi một môi trường bán lẻ độc quyền cũng như mạng lưới sạc nhanh ưu tiên. Tesla kiểu như đang một mình một ngựa băng băng về đích trên thị trường xe hơi thống trị bởi các thiết bị tiện ích di động. Nếu phải chỉ ra những chiếc xe hơi tương tự các sản phẩm của Apple, giới chuyên gia sẽ chẳng ngần ngại nêu tên các mẫu xe của Tesla.

     Chiếc iPhone của làng xe hơi...

    Chiếc iPhone của làng xe hơi...

    Nhưng có một sự khác biệt cơ bản giữa Apple và tất cả các hãng sản xuất xe hơi, bao gồm cả Tesla. Hầu hết các sản phẩm của Apple đều nổi tiếng với dòng chữ "Thiết kế tại California" nhưng phần lớn chúng được sản xuất bởi các đối tác như Foxcon chứ không phải do Apple tự sản xuất. Sự sắp xếp này có thể do sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng đơn giản hơn so với sản xuất xe hơi và một phần khác là vì từ lâu các công xưởng Trung Quốc đã nổi tiếng với khả năng sản xuất linh kiện điện tử số lượng lớn, chất lượng cao. Mặc dù chất lượng của smartphone và laptop giữa các thương hiệu rất khác nhau nhưng chất lượng smartphon phần lớn được quyết định bởi thiết kế, vật liệu và phần mềm hơn là quy trình sản xuất riêng của các hãng.

    Thiết kế và vật liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chất lượng của một chiếc ô tô nhưng cấu trúc vật lý của một chiếc xe phức tạp hơn rất nhiều so với bất kỳ thiết bị điện tử nào nên chất lượng lắp ráp trở nên quan trọng và khó làm chủ hơn ở quy mô lớn. Hậu quả của vấn đề chất lượng có thể dao động từ việc làm hỏng một ngày của khách hàng tới đe dọa tính mạng của họ. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng của các sản phẩm trên dây chuyền lắp ráp tự động là thách thức lớn nhất trong nền kinh tế hiện đại.

    Một chiếc xe sexy có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách hàng tuy nhiên mong muốn lớn nhất của mọi khách hàng lại là chiếc xe mà họ tiêu tốn hàng chục ngàn USD có thể làm việc hàng ngày mà không khiến họ gặp nguy hiểm.

    Thật không may, chất lượng sản phẩm lại là mảng mà Tesla liên tục gặp vấn đề. Khi ra mắt, Model S đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, thậm chí Consumer Reports cũng dành những lời có cánh cho sức mạnh thiết kế và hiệu suất của chiếc xe. Thế nhưng theo thời gian, nhiều đánh giá đã gắn mắc "không khuyến cáo" và thậm chí "chiếc xe tệ nhất đã từng lái" cho Model S. Diễn đàn của Tesla tràn ngập các phàn nàn liên quan tới chất lượng và độ tin cậy, bao gồm lỗi hệ thống drivetrains, nứt kính chắn gió, trần có khe hở, tay nắm cửa bị hỏng và vô số vấn đề khác. Những vấn đề này đã ảnh hưởng mạnh tới Model X khi mẫu xe này trình làng. Khoảng 40% khách hàng tiềm năng đã không quyết định đặt hàng ngay Model X mà chờ đợi cho tới khi có nhiều chiếc xe được sản xuất để đảm bảo chúng không gặp vấn đề.

    Nếu vấn đề chất lượng của Tesla được khắc phục hoàn toàn thì lượng đơn đặt hàng Model 3 còn cao hơn rất nhiều. Việc tăng tổng sản lượng của công ty từ 50.000 chiếc trong năm ngoái lên 500.000 chiếc vào năm 2020, như kế hoạch mà Elon Musk đã tuyên bố, có thể tăng đáng kể khiếm khuyết trong Model 3. Người tiêu dùng đại chúng phụ thuộc vào chiếc xe của họ nhiều hơn và nhạy cảm về vấn đề chất lượng hơn so với khách hàng mua xe hạng sang.

    Với những khách hàng đã xếp hàng để đặt mua Model 3, quyết định có vẻ khá dễ dàng: Tesla đã biến những chiếc xe đắt tiền, đáng mơ ước trở thành một chiếc xe giá hợp lý nên khách hàng không muốn bỏ qua cơ hội sở hữu cho riêng mình một chiếc. Nhưng những chiếc Model 3 mà khách hàng thấy tại sự kiện ra mắt chỉ là phiên bản nguyên mẫu, Musk cho biết thiết kế của nó có thể thay đổi theo thời gian khi được đưa vào dây chuyền lắp ráp và công ty dự đoán mức giá cũng có thể vượt ra khỏi giá dự kiến 35.000 USD. Có thể Model 3 khi bán ra thị trường sẽ có giá trung bình 42.000 USD. Hơn nữa, từ trước tới nay Tesla luôn không giao hàng đúng kế hoạch và cũng không ước tính chuẩn mức giá.

    Các hãng sản xuất ô tô truyền thống cũng đang đồng loạt nhảy vào thị trường xe chạy điện với cả hai dòng xe phổ thông và xe cao cấp. Họ có kinh nghiệm và dây chuyền sản xuất nên sẽ dễ dàng cải thiện về thiết kế và hiệu suất hơn so với Tesla. Với Tesla, một tay mơ trong thị trường xe hơi, rất khó để cải tiến tốc độ sản xuất và chất lượng nhằm duy trì sức cạnh tranh trong thị trường đại chúng.

    Chỉ khi Tesla trình làng phiên bản thương mại của Model 3 chúng ta mới biết được các khách hàng có sẵn sàng mua nó hay không. Nếu chất lượng Model 3 không đảm bảo, nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ 1.000 USD chứ không muốn tốn vài chục ngàn USD để rước về một chiếc xe không giống như những gì họ mơ ước. Thêm nữa, những khách hàng đã đặt trước Model 3 cũng phải đối mặt với các thách thức tài chính trong hai năm tới và nếu không may họ sẽ chẳng còn khả năng chi 35.000 USD để mua Model 3 khi nó sẵn hàng. Đó là những nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra đặt Tesla vào tình trạng không thể xuất xưởng hơn 300.000 chiếc Model 3 như số lượng đơn đặt hàng.

    Có một điều an ủi là dù Tesla không thể xuất xưởng một số lượng xe đáng kể thì nó cũng không phải hãng xe đầu tiên ngậm trái đắng trên thị trường xe điện giá rẻ. Chiếc Leaf ra mắt năm 2011 của Nissan đã nhận được hơn 115.000 đơn đặt hàng và Nissan trong lúc quá phấn khích đã ngay lập tức đầu tư 5,6 tỷ USD vào nhà máy để có thể sản xuất nửa triệu xe Leaf mỗi năm cho toàn thế giới. Nhưng khoảng sáu năm sau, Nissan chỉ bán được dưới 300.000 chiếc Leaf bởi lực lượng fan đam mê xe điện thì nhiều nhưng nhu cầu mua xe điện thì lại chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên, Nissan xuất xưởng gần 5 triệu chiếc ô tô mỗi năm nên họ dễ dàng khắc phục một sai lầm kiểu như vậy còn Tesla thì không.

     Chiếc Leaf, thất bại thảm hại của Nissan

    Chiếc Leaf, thất bại thảm hại của Nissan

    Việc Apple có thể bán hàng triệu chiếc smartphone với giá trên 500 USD chỉ nhờ sức mạnh của thiết kế của họ không có nghĩa là Tesla và các hãng khác cũng có thể thành công như thế. Tesla có thể giỏi trong việc quảng cáo nhưng họ cũng từng thất bại trong công việc xây dựng những chiếc xe ở quy mô lớn với chất lượng cạnh tranh, một công việc không hấp dẫn và đầy thách thức.

    Thay vì cố gắng trở thành Apple, Tesla nên tập trung vào việc phát triển những kỹ năng có thể giúp họ phát triển mạnh trong môi trường sản xuất các phương tiện vận chuyển đáng tin cậy với mức độ cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Với doanh số 90 triệu xe mỗi năm, còn rất nhiều cơ hội cho Tesla trong thị trường xe hơi nhưng cũng có rất nhiều thách thức.

    Tham khảo TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày