Test nhanh AMD RX480 8GB: Vẫn nóng, hiệu năng đúng như kỳ vọng
Chúng tôi đã có cơ hội trên tay và thực hiện nhanh bài test dành cho RX480, VGA tầm trung được mong đợi nhất mùa hè này.
Như vậy, sau khi được chính thức bán ra vào ngày 29/6 trên toàn thế giới, những chiếc RX480 đầu tiên đã tới tay người dùng. Chúng tôi cũng đã nhanh chóng có trên tay một phiên bản thương mại của VGA này từ Tân Doanh và sớm có được những nhận định đầu tiên về card đồ họa tầm trung được mong đợi nhất trong mùa hè này.
Những ấn tượng ban đầu về ngoại hình, không được tốt cho lắm. RX480 có một thiết kế khá ... thô. Các chi tiết chủ yếu được làm từ nhựa, tạo nên cảm giác thiếu chắc chắn khi cầm trên tay.
Điểm trừ thứ 2 tới từ phần mặt lưng của VGA, không có backplate theo kèm, tính thẩm mỹ của sản phẩm cũ vì thế mà giảm đi phần nào. Tuy nhiêu, đây là phiên bản Reference của AMD nên những vấn đề này là khó có thể tránh khỏi. Hy vọng các phiên bản custom của nhà sản xuất bên thứ 3 sẽ khắc phục được những vấn đề trên.
Nhưng như người ta nói, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, một vẻ bề ngoài mộc mạc vẫn có thể ẩn chứa những trải nghiệm ấn tượng dành cho người dùng. Tôi đã tiến hành một số bài test nhanh hiệu năng của sản phẩm này trên phần mềm benchmark và các game phổ thông.
Cấu hình thử nghiệm:
CPU: Intel Core i3 6100
Mainboard: Biostar Z170 Carbon
RAM: 8GB DDR4 2133Mhz
SSD: Samsung EVO 850
VGA: AMD RX480 Ref. phiên bản 8GB
Bài test được thực hiện ở độ phân giải FullHD 1920 x 1080.
Đầu tiên, với Dota 2, một trong những tựa game esport rất được ưa chuộng và yêu cầu cấu hình không hề thấp.
Dưới đây là biểu đồ FPS của RX480 khi chơi Dota 2 ở điều kiện Thông thường / Sử dụng DirectX 12/ Sử dụng Vulkan API.
Kết quả trên không thực sự ấn tượng, khi mà Vulkan API vốn phải là điểm mạnh của dòng VGA Polaris mới thì cũng không mang lại quá nhiều khác biệt. Tuy nhiên, mức FPS ổn định trên 60 là tất cả những gì game thủ yêu cầu.
Bài test thứ 2 với tựa game mới "Dark Souls 3". Đây không phải một trò chơi yêu cầu cấu hình quá cao, bởi thế RX480 dễ dàng vượt qua khi ổn định ở mức 60FPS với thiết lập cao nhất.
Cuối cùng, trong bài test hiệu năng của game đang nổi đình nổi đám, "Overwatch". RX480 lại một lần nữa hoàn thành tốt những gì người dùng kỳ vọng.
Ở độ phân giải FullHD, trải nghiệm chơi game Overwatch là khá tốt, cả ở 2 mức thiết lập cao nhất là Ultra và Epic. Mức khung hình khá ổn định, không xảy ra tình trạng drop FPS hay giật lag.
Tôi cũng thực hiện nhanh một bài test với phần mềm chấm điểm 3DMark. Ở phần benchmark Fire Strike, điểm Graphic của RX480 đạt đúng ngưỡng trong các thông số rò rỉ trước đây. Ở mức 12257 điểm Graphic, RX480 có số điểm tương đương với GTX980.
Tuy nhiên, một điểm chưa thể hài lòng trên RX480, chính là khả năng tản nhiệt của nó. Sau nhiều thông tin về việc GPU thế hệ Polaris sẽ không còn nóng nữa, tôi đã kỳ vọng rất nhiều vào khả năng tản nhiệt của VGA mới này.
Theo đó, chỉ sau khoảng 1 phút fullload VGA, nhiệt độ đã nhanh chóng đẩy lên mức 85 độ C, đây là một mức khá cao so với các VGA đời mới. Và với mức nhiệt độ như vậy, có thể thấy AMD đang "dậm chân tại chỗ" về công nghệ tản nhiệt.
Một lần nữa, chúng ta sẽ phải chờ đợi các phiên bản custom tản nhiệt để có được kết quả tốt hơn.
Sau cùng là những cái nhìn về Driver Crimson dành riêng cho RX480 mang số hiệu 16.2. Phiên bản này được bố sung thêm mục Wattman, công cụ mới hỗ trợ tùy biến và ép xung phần cứng của VGA.
Tổng kết
Ưu điểm
- Hiệu năng tốt so với giá, ngang với GTX980 nhưng rẻ hơn
- Sớm có driver hỗ trợ
Nhược điểm
- Ngoại hình chưa bắt mắt, hoàn thiện thiếu tính thẩm mỹ
- Vẫn rất nóng
Qua bài đánh giá nhanh trên đây, mong rằng bạn đọc đã có được cái nhìn rõ nét hơn về AMD RX480 trước khi quyết định mua VGA đang nhận được rất nhiều sự quan tâm này. Hiện tại, AMD RX480 từ nhà sản xuất HIS đang được bán tại Tân Doanh với mức giá 7,2 triệu đồng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời