Tham gia vào hệ sinh thái Xiaomi, các startup được hưởng đặc quyền để có thể nhanh chóng đạt giá trị tỷ USD nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro

    tvd,  

    Các startup này được hưởng những đặc quyền rất lớn, nhưng sự phụ thuộc quá nhiều vào Xiaomi cũng đem lại những mối đe dọa.

    Vào tháng 2 vừa qua, Huami - nhà sản xuất trang phục chính thuộc Xiaomi đã tổ chức IPO tại Mỹ và thu về hơn 110 triệu USD. Xiaomi đã xây dựng một hệ sinh thái khổng lồ, bởi vì tham vọng của nhà sản xuất Trung Quốc này không chỉ dừng lại ở smartphone.

    Quay lại năm 2013, Xiaomi nhận ra làn sóng Internet of Things đang ập đến và để đón đầu xu hướng công nghệ này, Xiaomi ra mắt kế hoạch 5 năm để đầu tư vào 100 startup. Các công ty này phát triển một loạt các sản phẩm mới, từ pin dự phòng cho tới các thiết bị kết nối internet, xoay quanh smartphone.

    Không dừng lại ở đó, Xiaomi còn đầu tư vào các startup không liên quan gì đến công nghệ. Ví dụ như các dự án sản xuất bàn chải đánh răng, vali hay quần áo. Điều bất ngờ là có một số startup phát triển đáng kinh ngạc.

    Đến cuối năm 2015, có 4 startup (bao gồm cả Huami) đã đạt tới giá trị hàng tỷ USD. Năm 2017, hệ sinh thái gồm 99 startup và công ty mới của Xiaomi đã thu về 3,16 tỷ USD lợi nhuận hàng năm.

    Chính bởi sự tăng trưởng thần tốc đó, đã có một số niềm tin rằng một startup bất kỳ muốn phát triển mạnh mẽ chỉ cần gia nhập hệ sinh thái của Xiaomi. Tuy nhiên phía sau hệ sinh thái khổng lồ này là những bí mật chưa được tiết lộ, nhưng mối đe dọa và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

    Tham gia vào chuyến tàu tốc hành

    Chiến lược hệ sinh thái của Xiaomi, như công ty này mô tả, là một sự cam kết tài trợ và vườn ươm cho các startup mới thành lập.

    Để bắt đầu, Xiaomi có một đội ngũ chuyên săn tìm các startup triển vọng. Đội ngũ này bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý và phát triển sản phẩm, đa số là các kỹ sư. Nhiệm vụ của nhóm “thợ săn” này là tìm ra những sản phẩm chất lượng, có thể bán với giá rẻ và hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm bán chạy nhất.

    Đây cũng chính là chiến lược thành công mà Xiaomi đã từng áp dụng khi sản xuất và kinh doanh smartphone. Chấp nhận lợi nhuận thấp, cắt giảm chi phí quảng bá và phân phối bằng cách bán smartphone trực tuyến. Chiến lược này giúp một công ty mới 4 năm tuổi như Xiaomi lật đổ Samsung tại Trung Quốc vào năm 2014.

    Khi tìm ra được một startup phù hợp với chiến lược của mình, Xiaomi sẽ đầu tư với cổ phần dưới 50% để không nắm quyền kiểm soát. Doanh thu sau đó sẽ được chia giữa Xiaomi, startup và các nhà đầu tư khác.

    Sau khi đầu tư tiền, Xiaomi tiếp tục giúp các startup này bằng cách sử dụng thương hiệu đã được gây dựng nhiều năm của mình và hệ thống phân phối sản phẩm, cả trực tuyến và cửa hàng bán lẻ.

    Chuyên gia phân tích Benjamin Joffe cho biết: “Khách hàng tin tưởng vào chất lượng các sản phẩm mang thương hiệu Xiaomi. Bên cạnh đó việc startup có thể tận dụng nền tảng trực tuyến để quảng bá và bán sản phẩm mà không mất chi phí quảng cáo, là một lợi thế vô cùng lớn”.

    Các startup đem lại nguồn doanh thu lớn cho Xiaomi thậm chí còn được hỗ trợ về đội ngũ quản lý và định hướng phát triển chuyên nghiệp. Xiaomi đánh giá rất cao các startup phụ kiện smartphone, thiết bị kết nối internet và cuối cùng là các vật dụng khác.

    Ví dụ như Huami, với sản phẩm chính là vòng đeo tay thông minh Mi Band đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Xiaomi. Thậm chí Huami còn được dẫn dắt bởi đồng sáng lập và Phó Chủ tịch Liu De của Xiaomi. Trong khi đó, Poputar - hãng sản xuất đồ chơi chỉ nhận được sự hỗ trợ tối thiểu từ Xiaomi.

    Những rủi ro tiềm ẩn phía sau hệ sinh thái Xiaomi

    Mặc dù hệ sinh thái Xiaomi cung cấp những đặc quyền khổng lồ cho các startup mới thành lập, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những rủi ro. Một trong số đó chính là tỷ suất lợi nhuận quá thấp, do phải chia sẻ một phần lớn lợi nhuận cho Xiaomi.

    Trong năm 2015, tỷ suất lợi nhuận của Huami chỉ là 12,3%. Tuy nhiên đây không phải là mối lo ngại lớn nhất, bởi đối với các startup mới thành lập nhiều khi phải chịu thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp. Việc đánh đổi một phần lợi nhuận lấy sự hỗ trợ, thương hiệu và nền tảng của Xiaomi là quá đủ đối với một startup.

    Rủi ro lớn hơn nhiều đó chính là việc quá phụ thuộc vào Xiaomi, mà không tự xây dựng thương hiệu và kênh phân phối sản phẩm của riêng mình. Huami là một minh chứng với thị phần rất lớn, nhưng thương hiệu riêng là Amazfit lại gần như không được biết đến.

    Các thiết bị đeo sử dụng thương hiệu Xiaomi chiếm tới 97,1%, 92,1% và 82,4% tổng doanh thu của Huami trong các năm 2015, 2016 và chín tháng kết thúc vào tháng 9 năm 2017. Điều đó có nghĩa là sự thành công của Huami đang phụ thuộc hoàn toàn vào Xiaomi.

    Đại diện của Huami cho biết: “Xiaomi là kênh phân phối và khách hàng quan trọng nhất của chúng tôi. Bất kỳ vấn đề trong mối quan hệ hợp tác này hoặc các sản phẩm mang nhãn hiệu Xiaomi sụt giảm doanh thu, đều có ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kinh doanh của chúng tôi”.

    Ching Mi, nhà sản xuất ổ điện có 99% trong tổng doanh thu đến từ kênh phân phối của Xiaomi, kể từ khi được thành lập cách đây 2 năm. Sự phụ thuộc của các công ty này vào Xiaomi là quá lớn.

    Các startup này chủ yếu chỉ tập trung vào việc sản xuất sản phẩm, trong khi các sản phẩm quan trọng nhất đều mang thương hiệu của Xiaomi và phân phối thông qua kênh bán hàng của Xiaomi. Các startup này sẽ chẳng còn lại gì nếu như tách rời khỏi hệ sinh thái của Xiaomi.

    Tất nhiên do mối ràng buộc lợi ích, nên Xiaomi cũng không muốn các startup trong hệ sinh thái của mình thất bại. Bên cạnh đó vấn đề thương hiệu cũng rất quan trọng, nếu một sản phẩm trong hệ sinh thái bị đánh giá xấu sẽ làm ảnh hưởng tới cả thương hiệu Xiaomi.

    Tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa là trong tương lai Xiaomi sẽ không loại bỏ một số startup không đảm bảo chất lượng. Và một khi điều đó xảy ra, các startup này gần như không có khả năng để tiếp tục đứng một mình nữa. Kết cục nếu rời bỏ hệ sinh thái của Xiaomi sẽ là dấu chấm hết.

    Tham khảo: techinasia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ