Tham vọng đằng sau quyết định đổi tên của Facebook: Thiết lập 'Vũ trụ số', một ‘Đấu trường ảo" trong mơ cho Mark Zuckerberg

    Băng Băng, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Liệu bước đi này của Facebook cho thấy một tầm nhìn mới hay đơn giản chỉ là đòn marketing thương hiệu để né bê bối?

    Thông tin về việc Facebook tái cấu trúc lại thương hiệu để hướng tới một "vũ trụ số" (Metaverse) đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Vậy "vũ trụ số" là gì?

    Để hiểu kỹ hơn về vấn đề này, có lẽ bạn đọc nên xem thử bộ phim "Đấu trường ảo" (Ready Player One) công chiếu vào năm 2018 bởi đạo diễn Steven Spielberg. Bối cảnh của bộ phim thể hiện khá đầy đủ về một "vũ trụ số".

     Về lý thuyết, vũ trụ số là một siêu mạng lưới duy trì sự hoạt động liên tục của môi trường ảo. Trong đó, mọi người có thể tương tác với nhau hay các vật thể ảo trong môi trường thông qua những nhân vật số (Avatar) được tạo dựng nên. Hãy tưởng tượng những trò chơi nhập vai trực tuyến với vô số người chơi.

    Tham vọng đằng sau quyết định đổi tên của Facebook: Thiết lập Vũ trụ số, một ‘Đấu trường ảo trong mơ cho Mark Zuckerberg - Ảnh 1.

    Nguồn ảnh: Ready Player One-Warner Bros

    Khái niêm vũ trụ số là một thuật ngữ khoa học viễn tưởng mà nhiều người trong ngành công nghệ coi đó là sản phẩm từ môi trường Internet hiện nay. Dù đây mới chỉ là khái niệm và chưa được xây dựng thành công nhưng những công ty lớn như Facebook đang cố gắng đặt những viên gạch đầu tiên cho chúng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang hướng tới mục tiêu xây dựng các các không gian ảo cho những hoạt động trực tuyến, từ làm việc, vui chơi, học hành cho đến mua sắm.

    Thuật ngữ "vũ trụ số" (Metaverse) được ghép từ "Meta" (Siêu việt) với "Verse" trong "Universe" (Vũ trụ). Từ này được tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng Neal Stephenson sử dụng trong cuốn truyện "Snow Crash" năm 1992 nhằm mô tả thế giới ảo mà trong đó nhân vật chính Hiro Protagonist tương tác xã hội, mua sắm và đánh bại kẻ thù thông qua nhân vật số của anh ta.

    Tuy nhiên, ít ai biết rằng thuật ngữ này đã được sử dụng từ trước đó với cùng khái niệm nhưng dưới cái tên khác là "CyberSpace" trong cuốn tiểu thuyết "Neucromancer" vào năm 1984 của tác giả William Gibson.

    Đặc điểm

    Một vũ trụ số thường có 3 đặc điểm chính là khả năng hiện diện (Presence), tương tác (Interoperability) và tiêu chuẩn hóa (Stnadardization).

    Khả năng hiện diện là cảm giác như thật trong một không gian ảo cùng những người chơi hay đối tượng khác. Nhiều nghiên cứu trong các thập niên qua cho thấy việc có được cảm giác thật sẽ tăng chất lượng tương tác trực tuyến và người chơi có thể đạt được nhờ những thiết bị gắn gần người.

    Khả năng tương tác cho phép người chơi di chuyển liền mạch giữa các không gian ảo mà vẫn giữ được các tài sản số như vật dụng hay nhân vật ảo được kiến tạo ban đầu. Ví dụ trong bộ phim "Đấu trường ảo", người chơi có thể di chuyển giữa hàng trăm trò chơi ảo với cùng một nhân vật và tài sản trong túi mà không bị mất đi.

    Hiện nay, những công nghệ như Blockchain và tiền số có thể giúp mọi người giao dịch trực tuyến trên không gian ảo.

    Tham vọng đằng sau quyết định đổi tên của Facebook: Thiết lập Vũ trụ số, một ‘Đấu trường ảo trong mơ cho Mark Zuckerberg - Ảnh 2.

    Nguồn ảnh: Ready Player One-Warner Bros

    Tiếp đó là khả năng tiêu chuẩn hoá, qua đó cho phép các nền tảng và dịch vụ tương tác được với nhau trong vũ trụ ảo theo một chuẩn nhất định.

    Tại sao vũ trụ số quan trọng?

    Nếu vũ trụ số trở thành công nghệ tương lai của con người như được dự đoán thì việc ai xây dựng chúng đầu tiên sẽ trở nên vô cùng quan trọng với nền kinh tế, xã hội hay thậm chí là cả địa chính trị.

    Hiện Facebook đang nhắm đến vị trí này khi tập trung phát triển các mảng liên quan đến vũ trụ số mà mục tiêu đầu tiên là công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality). Trong một bài phỏng vấn, CEO Mark Zuckerberg đã giải thích quan điểm của mình rằng "vũ trụ số" sẽ phổ biến trên mọi nền tảng xã hội hiện nay, từ mạng xã hội cho đến truyền thông, làm việc hay giải trí.

    "Mọi người sẽ nhìn nhận chúng tôi là một công ty kinh doanh vũ trụ số thay vì chỉ là công ty công nghệ thông thường", CEO Mark Zuckerberg trả lời tờ The Verge.

    Không riêng gì Facebook, nhiều hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon cũng chú ý đến mảng này. Tập đoàn Microsoft đã lưu ý đến công nghệ chuyển đổi vũ trụ số trong khi một số hãng game thậm chí đã tuyên bố mình là công ty kinh doanh trong mảng này. Trò Roblox nổi tiếng với trẻ em hay Fortnite của hãng Epic Games đều có tuyên bố tương tự.

    Chiến lược của ông trùm

    Quyết định phát triển vũ trụ số của Mark Zuckerberg cho thấy tham vọng của tập đoàn này. Nếu nhìn lại ví dụ trước đây là Google khi đổi tên thành tập đoàn Alphabet, chúng ta sẽ thấy từ một hãng công nghệ chuyên kinh doanh công cụ tìm kiếm trên mạng, Google đã phát triển thành công sang cả mảng video trực tuyến, thương mại điện tử, điện toán đám mây...

    Mặc dù doanh thu của Alphabet vẫn đến chủ yếu từ quảng cáo trên công cụ tìm kiếm của họ nhưng doanh thu từ Youtube và những mảng khác cũng tăng lên nhanh chóng. Hãng tin Reuters cho biết doanh thu quảng cáo từ Youtube đã tăng 83,7% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm trước, lên 7 tỷ USD.

    Trên thực tế, một tập đoàn sẽ bắt đầu đa dạng hóa kinh doanh khi họ đã nắm thế độc quyền ở một mảng với nguồn tài chính dồi dào. Apple có thể thoải mái phát triển nhiều mảng dịch vụ của mình dựa trên nguồn tiền khổng lồ từ bán iPhone, Amazon có thể mở mảng điện toán đám mây thành công nhờ mảng chính thương mại điện tử.

    Tham vọng đằng sau quyết định đổi tên của Facebook: Thiết lập Vũ trụ số, một ‘Đấu trường ảo trong mơ cho Mark Zuckerberg - Ảnh 3.

    Nguồn ảnh: Business Insider

    Tương tự Facebook khi đã trở thành ông trùm mạng xã hội và bắt đầu thu hút sự chú ý và cả công kích, họ cần mở rộng kinh doanh để không tự hạn chế mình, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ những cáo buộc độc quyền, xâm phạm đời tư....

    Tham vọng bất khả thi?

    Mặc dù là một ông lớn trong ngành công nghệ với nguồn tài chính dồi dào, việc Mark Zuckerberg có thể xây dựng một "Đấu trường ảo" cho riêng mình vẫn còn là nghi vấn. Trên thực tế công nghệ liên quan đến vũ trụ ảo vẫn còn quá sơ khai và sẽ phải tốn rất nhiều năm để đạt đến các đặc điểm như đã nói ở trên.

    Tờ Fast Company nhận định mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn còn chặng đường rất dài phải đi nếu muốn xây dựng thành công vũ trụ số. Ngay cả công nghệ kính thực tế ảo mà họ đang dồn sức đầu tư cũng chưa thực sự hoàn thiện. Công nghệ thiết kế đảm bảo các cặp kính chất lượng cao với lượng pin dài hạn vẫn chưa thể đạt tới.

    Rõ ràng, Facebook lại là một ông lớn khác trong mảng công nghệ cam kết thứ gì đó mà họ chưa thể hoàn thành. Nhiều công ty khác cũng đang phát triển kính thực tế ảo như Google hay Apple nhưng họ chẳng cần phải tuyên bố to tát về điều đó bởi chặng đường vẫn còn rất dài.

    Vậy tại sao Facebook lại tự hào tuyên bố sớm như vậy?

    Tham vọng đằng sau quyết định đổi tên của Facebook: Thiết lập Vũ trụ số, một ‘Đấu trường ảo trong mơ cho Mark Zuckerberg - Ảnh 4.

    Nguồn ảnh: Business Insider

    Theo Fast Company, đây có thể là một bước đi khéo léo nhằm chuyển hướng dư luận khỏi các cáo buộc hiện nay. Thời gian qua, hình ảnh của Facebook đã xấu đi nhanh chóng với hàng loạt chỉ trích như không kiểm soát chặt nội dung, thao túng thông tin, xâm phạm quyền riêng tư...

    Thêm nữa, việc tuyên bố sớm có thể giúp Facebook tạo được tiếng vang trong lĩnh vực mới dù họ chưa thực sự có bước đột phá đáng kể nào. Sau này, người dùng có thể nhớ đến Facebook như người đi tiên phong trong lĩnh vực vũ trụ số chứ không phải Apple hay Google.

    Bởi vậy, có lẽ "Đấu trường ảo" cho CEO Mark Zuckerberg có lẽ vẫn chỉ là một khái niệm trong phòng thí nghiệm và người dùng sẽ phải chờ rất nhiều năm nữa mới hiểu vũ trụ số của Facebook là như thế nào.

    *Nguồn: The Verge


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ