Tham vọng thay đổi thế giới, đánh lại Apple, Tesla, đại gia công nghệ Trung Quốc LeEco lại chết tức tưởi vì sai lầm tai hại này

    Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 

    Một vài ngày sau đó, Jia từ chức khỏi mọi vị trí, bao gồm cả Chủ tịch Leshi và nói rằng sẽ tập trung xây dựng mảng xe ô tô của LeEco là Faraday Future – được xem là đối thủ cạnh tranh của Tesla.

    Jia Yueting – 44 tuổi là đồng sáng lập công ty công nghệ Trung Quốc LeEco – đế chế kinh doanh được xây dựng với mục tiêu trở thành đối thủ cạnh tranh của các gã khổng lồ Mỹ như Netflix, Tesla và thậm chí cả Apple.

    Với tầm nhìn đó, Jia nhanh chóng mở rộng hoạt động của công ty mình từ cổng livestream video trở thành công ty đa ngành hay "hệ sinh thái chia sẻ" theo lời doanh nhân Jia nói. Công ty này bán đủ các sản phẩm từ tivi tới điện toán đám mây, điện thoại thông minh tới các dòng xe điện. Tháng 1/2016, công ty đã đổi tên từ LeTV thành LeEco – viết tắt của Le Ecosystem – để phản ánh tham vọng toàn cầu của nhà sáng lập.

    Tuy nhiên, đáng tiếc mọi thứ không diễn ra theo đúng mong muốn của Jia. Thay vì trở thành một đế chế kinh doanh triệu, tỷ đôla, LeEco đã sa lầy và cuối cùng đang trên bờ vực phá sản.

    Bài học cho những kẻ thích "TRÈO CAO" để rồi "NGÃ ĐAU"

    Trên thực tế, chính tham vọng trở thành "hệ sinh thái chia sẻ" – thứ được xem là "vượt xa phía trước" của nhà sáng lập Jia cuối cùng đã thất bại, làm sụp đổ cả một công ty.

    Từ trên "cung trăng", công ty này đã rơi bịch xuống mặt đất ở cả thị trường nội địa và quốc tế, phần lớn là bởi gánh trên vai các khoản nợ khổng lồ để gây quỹ cho hàng loạt dự án – sau này đều thất bại.

    Một cựu nhân viên của LeEco nói về những rắc rối mà công ty này gặp phải như sau:

    "Chiến lược của Jia đối với công ty này luôn cực kỳ tiến bộ nhưng nó cũng đòi hỏi sự thực thi nghiêm ngặt. Hiếm có nhân viên nào thực thi được những chiến lược đó một cách hoàn hảo, chưa đề cập tới việc thời điểm đó công ty còn đang mở rộng quá nhanh chóng".

    Cuối năm 2016, LeEco đã trở thành một tập đoàn với cấu trúc khá phức tạp. Nhắm tới việc xây dựng hệ thống chung trong đó các nội dung có chủ quyền trên các ứng dụng LeEco cũng sẽ được mở trên nền tảng kỹ thuật số hoặc những thiết bị phần cứng của chính công ty (từ điện thoại tới ô tô thông minh) – LeEco đã nhanh chóng phát triển thêm 15 chi nhánh và 68 đối tác liên minh.

    Hơn nữa, trong khi LeEco vẫn gần như không được biết đến đối với người tiêu dùng Mỹ và các dịch vụ của họ gần như chưa có trên thị trường này cho tới tháng 12/2016, họ vẫn không ngừng "chi bạo" cho việc xây dựng sự hiện diện của mình tại Mỹ.

    Tham vọng thay đổi thế giới, đánh lại Apple, Tesla, đại gia công nghệ Trung Quốc LeEco lại chết tức tưởi vì sai lầm tai hại này - Ảnh 1.

    Nhà sáng lập LeEco Jia Yueting

    Tháng 7/2016, công ty đã mua khu đất rộng 49 mẫu tại Santa Clara từ Yahoo và tuyên bố lên kế hoạch tuyển 12.000 nhân viên tại địa phương, nhắm tới việc xây dựng trụ sở toàn cầu của công ty tại Thung lũng Silicon. Trong khi đó, trụ sở của Facebook tại Menlo Park chỉ có 9.000 nhân viên còn trụ sở Google tại Bay Area là 20.000 nhân viên.

    "Lạc quan là tốt nhưng không thể lạc quan tới mức thái quá được", cựu nhân viên LeEco xin được giấu tên nói. "Những công ty khác cười nhạo chúng tôi. Làm thế nào mà từ 200 nhân viên có thể nhảy lên luôn 10.000 nhân viên cho tới 2018? Con số này lớn hơn cả Facebook đó".

    Nhân viên kể trên đã nghỉ việc vào năm ngoái sau khi cảm thấy hoàn toàn thất vọng về công ty và không hoàn toàn không tin tưởng vào tương lai của LeEco.

    "LeEco là một công ty rất có tôn ti, trật tự nhưng người đứng đầu lại không hiểu thị trường bên ngoài Trung Quốc. Ông ấy (ý nói nhà sáng lập Jia) làm thì nhiều nhưng hiểu biết lại chưa tới. Hơn nữa, những nhân viên được ông tuyển dụng chưa đủ giỏi và không phải là những người cần cho vị trí đó. Tiền có thể làm gì? Nó không thể giải quyết được những vấn đề về chiến lược cũng như không thể mua nhân tài giỏi".

    Nhưng đến một lúc nào đó không có tiền hoặc có quá ít tiền cũng là một vấn đề lớn. LeEco gặp đúng trường hợp như vậy.

    Đầu năm 2016, truyền thông địa phương cùng với báo chí nước ngoài đã bắt đầu chỉ ra những cảnh báo về báo cáo tài chính của chi nhánh đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại Quảng Châu của LeEco.

    Cụ thể, báo cáo tài chính của chi nhánh Leshi Internet Information & Technology vào năm 2016 chỉ ra rằng các khoản phải thu – tiền hàng và dịch vụ lên tới 8,68 tỷ NDT (tương đương 1,28 tỷ USD), tăng 5,32 tỷ NDT (tương đương 783,79 triệu USD) so với năm trước đó.

    Cùng năm đó, doanh thu chỉ tăng 8,93 tỷ NDT (tương đương 1,31 tỷ USD) vì vậy riêng các khoản phải thu đã bù đắp cho gần 60% tốc độ tăng trưởng của Leshi.

    Trong khi đó, chi nhánh này lại có dòng tiền âm trong năm 2016 lên tới 1,07 tỷ NDT (tương đương 157,64 triệu USD) – tồi tệ hơn 221,97% so với năm trước đó.

    Chính vì vậy các khoản phải thu quá lớn mà dòng tiền thì âm, LeEco đã rơi vào tình trạng "rỗng túi".

    Ngoài ra, một vài người bày tỏ quan ngại LeEco có thể đã sử dụng những thủ thuật kế toán để đẩy doanh số bán hàng lên mức không tưởng như vậy.

    Trong năm 2016, Leshi tuyên bố doanh số đối với các đối tác liên minh đạt 11,78 tỷ NDT (tương đương 1,77 tỷ USD) – tức là tăng 655% so với năm trước đó - chiếm hơn 1 nửa doanh thu toàn công ty.

    Lo sợ về những rủi ro tiền mặt của LeEco, các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu của Leshi. Tính tới cuối năm 2016, giá cổ phiếu công ty đã sụt giảm 55% so với mức cao kỷ lục năm 2015 và giảm thêm 14,3% trong năm 2017 trước khi công ty này bị yêu cầu ngừng giao dịch.

    "Tôi biết công ty có thể đối mặt với những vấn đề về dòng tiền vào tháng 7 năm ngoái. Tôi nghe loáng thoáng thấy ở văn phòng Ấn Độ, có một vài đại lý quảng cáo đã tới công ty đòi thanh toán nhưng chúng tôi không có tiền trả cho họ".

    Đối với những câu hỏi khi ấy, người phát ngôn của LeEco từ chối đưa ra trả lời.

    Cuối năm 2016, Jia thừa nhận công ty đang đối mặt với những vấn đề tài chính đáng sợ. Ngay sau đó không lâu, mọi thứ trở nên hoàn toàn tồi tệ, dẫn đến phản ứng dây chuyền: Công ty ngừng hoạt động nhà máy sản suất ô tô điện tại Nevada; Tiết lộ kế hoạch bán trụ sở công ty tại thung lũng Silicon và sa thải hàng trăm nhân sự; Tiếp theo họ hủy thương vụ mua lại nhà sản xuất tivi Mỹ là Vizio và kết quả phải nộp 100 triệu USD phí hủy hợp đồng.

    Trong số hàng loạt tin xấu ập đến, nhiều nhà cung cấp đã kiện LeEco vì không thanh toán tiền và cuối cùng Tòa án Thượng Hải đã phải đưa ra kết luận phong tỏa khối tài sản trị giá 1,24 tỷ NDT (tương đương 182 triệu USD) của công ty.

    Một vài ngày sau đó, Jia từ chức khỏi mọi vị trí, bao gồm cả Chủ tịch Leshi và nói rằng sẽ tập trung xây dựng mảng xe ô tô của LeEco là Faraday Future – được xem là đối thủ cạnh tranh của Tesla.

    Tương lai ra sao?

    Sự sụp đổ của LeEco đã gây ra cú sốc ở thị trường Trung Quốc. Hiện tại, LeEco vẫn đang chìm nghỉm trong một mớ hỗn độn. Nhiều người nói rằng Jia vẫn đang ở Mỹ kể từ sau khi từ chức và vẫn hoàn toàn im lặng, bỏ mặc những chủ nợ và nhân viên. Một số khác lại nói Jia đã quay lại Trung Quốc. Nhìn chung hành tung của nhà sáng lập Jia hiện vẫn còn là một bí ẩn lớn.

    Tháng trước, truyền thông Trung Quốc nói rằng Jia có ý định nộp đơn phá sản Faraday Future tại Mỹ và sau đó bán cho một nhà đầu tư Mỹ. Tuy nhiên người phát ngôn của LeEco phủ nhận tin đồn này.

    Tuy nhiên dù Jia có tiếp tục hay không, có một điều khá rõ ràng: Mô hình "hệ sinh thái chia sẻ" – làn sóng khởi nghiệp vốn phổ biến, lan rộng tại Trung Quốc và thậm chí cả thế giới hiện đang đứng trước dấu hỏi lớn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ