Thần đồng Hàn Quốc 8 tuổi đã được nhận vào làm ở NASA, quyết chọn cuộc sống bình thường rồi bị người đời chỉ trích là "thiên tài thất bại"
"Thiên tài thất bại" dành cả đời để khẳng định ông hạnh phúc nhưng mọi người cứ nhất nhất chỉ trích niềm hạnh phúc của ông là 1 sự thất bại.
Câu chuyện về những đứa trẻ thiên tài luôn khiến chúng ta bất ngờ và không khỏi ngưỡng mộ bởi tài năng mà chúng được trời ban từ khi lọt lòng. Vậy nhưng, những đứa trẻ ấy có thật sự hài lòng với cuộc sống mà không ít người mơ ước? Đơn cử như trường hợp của Kim Ung Yong, sở hữu IQ lên đến 210 và ghi tên mình vào danh sách Guinness với tư cách là người thông minh nhất thế giới.
Ông Kim (bìa phải) chụp cùng bố mẹ và chị em.
Ngay từ những năm tháng đầu đời, Kim đã bộc lộ trí thông minh hơn người. Ông biết nói từ lúc 4 tháng tuổi và bắt đầu giải những bài tập vật lý năm lên 3. Chỉ 1 năm sau đó, Kim đã thành thạo 4 thứ tiếng bao gồm Hàn, Nhật, Anh và Đức. Lúc này, danh tiếng của cậu nhóc 4 tuổi vang xa khắp đất nước Hàn Quốc, nhận được lời mời xuất hiện trên các chương trình truyền hình để trình diễn kỹ năng giải toán thần sầu.
Năm 8 tuổi, Kim được NASA mời sang Mỹ để làm việc. Cũng trong thời gian đó, ông cũng vừa tốt nghiệp tiến sĩ Đại học bang Colorado. Kim làm việc cho NASA ngót nghét 10 năm trước khi quay trở lại Hàn Quốc sống 1 cuộc sống "bình thường" như bạn bè đồng trang lứa. Vốn là niềm tự hào của người dân xứ sở kim chi, quyết định này của Kim khiến mọi người không khỏi bất ngờ, thậm chí truyền thông còn không tiếc lời chỉ trích, gọi ông là "thiên tài thất bại".
Sở hữu trí óc hơn người, con đường vươn đến thành công của Kim có vẻ như vô cùng dễ dàng nhưng không ai có thể hiểu được nỗi khổ của những người sinh ra ở vạch đích như ông.
"Thời gian ở NASA, tôi sống như một cái máy. Hàng ngày, tôi thức dậy rồi bắt tay vào việc giải các phương trình được giao rồi ăn, ngủ rồi cứ thế lặp đi lặp lại như 1 vòng tuần hoàn. Lúc đó, tôi thật sự không biết mình đang làm gì, tôi cảm thấy rất cô đơn và không có lấy một người bạn" - Kim kể lại.
Ai rời quê hương mà không nhớ nhà, Kim cũng không ngoại lệ. Suốt 10 năm ròng rã, chưa khi nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình, nhất là mẹ. Đây chính là động lực to lớn nhất thôi thúc người đàn ông thông minh nhất thế giới chấp nhận bỏ hết tất cả để hồi hương, sống cuộc sống mình mong muốn.
Quyết định đột ngột này của Kim tất nhiên khiến truyền thông Hàn Quốc dậy sóng. Báo chí không ngừng đưa tin khiến dư luận càng tập trung hơn vào vị "thiên tài thất bại". Một số thành phần quá khích còn gọi Kim là kẻ tâm thần phân liệt khi hay tin ông tự nhốt mình trong phòng 1 mình.
"Mọi người muốn tôi trở thành chính trị gia hay ít nhất cũng làm việc cho một công ty lớn. Tôi không nghĩ mọi người có quyền gọi cuộc đời tôi là sự thất bại chỉ vì tôi không sống như họ mong muốn" - Kim nói.
Theo luật định ở Hàn Quốc, Kim muốn đi làm phải có đầy đủ bằng tốt nghiệp ở 3 cấp đúng hệ thống giáo dục. Vì quá khứ học "nhảy cóc" nên giờ đây, ông phải bắt đầu lại từ đầu. Việc học tập không quá khó khăn với một thần đồng như Kim, bằng chứng là ông hoàn thành 2 cấp tiểu học và trung học rồi có được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông 1 năm sau đó. Đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất của Kim khi ông được tận hưởng cuộc sống bình thường đúng nghĩa. Phải đến lúc này, ông mới nhận thấy mình đang sống cuộc đời thành công.
Bất chấp nỗ lực tránh né dư luận của Kim, tên tuổi của ông vẫn thường xuyên được nhắc đến trên các mặt báo. Khi 1 cậu bé mới 9 tuổi đã đậu đại học, người ta cũng không quên "cà khịa" lại trường hợp của Kim và gọi ông là "hình mẫu thất bại" kèm lời khuyên đứa trẻ kia không nên sống cuộc sống "bình thường" như ông.
Trong quá khứ, Kim cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng vội vã. Truyền thông tâng bốc nhiều đến nỗi khiến ông nghĩ mình đang làm việc đúng đắn. Nhưng một khi Kim ngừng lại, cũng chính họ là người chỉ trích ông nhiều nhất, như thể bắt buộc ông phải sống cuộc đời họ mong muốn.
"Mọi người đã quá đặt nặng chỉ số IQ. Xã hội không nên đánh giá con người bằng tiêu chuẩn đơn lẻ như vậy bởi mỗi người đều có tài năng, đẳng cấp, hy vọng và ước mơ của riêng mình. Chúng ta nên tôn trọng điều đó" - Kim chia sẻ.
Từ năm 2007, Kim làm việc tại phòng phát triển kinh doanh Đại học Chungbuk. Đến nay, ông vẫn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình và tìm thấy sự bình yên trong công việc văn phòng. Vậy nhưng, mọi người vẫn không chịu tin. Mỗi khi Kim nói mình đang rất hạnh phúc thì không ít người lại cho rằng: "Làm sao có thể như vậy được?". "Thiên tài thất bại" dành cả đời để khẳng định ông hạnh phúc nhưng mọi người cứ nhất nhất chỉ trích niềm hạnh phúc của ông là 1 sự thất bại, mãi đến bây giờ ông cũng không hiểu được điều này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming