Thành công của OUYA: Phải chăng cơ hội lớn đã quay lưng với những gã khổng lồ?

    Vi Dũng, Vi Dũng 

    Ngay khi cuộc chiến giữa các hệ console vẫn còn đang rất nóng, thì không biết từ đâu, dự án độc lập mang tên OUYA lại xuất hiện. Và gần như ngay lập tức, nó đã thu hút được sự chú ý của giới đam mê công nghệ toàn thế giới.

    Chúng ta đã và đang sống trong thời kỳ giải trí tương tác nói chung, hay video game nói riêng đẹp, “lung linh” và ấn tượng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta lầm tưởng “thời đại hoàng kim” của giải trí tương tác vẫn còn hiện hữu. Quay trở lại những năm cuối thập kỷ 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi khi một hệ máy console ra đời, thì gần như ngay lập tức, các “hardcore gamer” vứt bỏ hệ máy cũ mà họ đang sở hữu để tậu ngay chiếc máy mới ra đời, ngay cả khi việc đó khiến họ cháy túi.
     
    Việc sở hữu một chiếc máy chơi game đã từng là niềm vui không thể so sánh hay diễn tả bằng từ ngữ thông thường. Ngày nay, những chiếc máy console hiện đại lại gần như không thể khiến cho người hâm mộ “phát cuồng” đúng theo nghĩa đen như những gì đã diễn ra gần 30 năm về trước.
     
     
    Thế rồi ngay khi cuộc chiến giữa các hệ console vẫn còn đang rất nóng, thì không biết từ đâu, một dự án độc lập mang tên OUYA lại xuất hiện. Và gần như ngay lập tức, nó đã thu hút được sự chú ý của giới đam mê công nghệ toàn thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, dự án này đã quyên góp được… 2,6 triệu USD thông qua trang web KickStarter, một con số quá đỗi ấn tượng! Bỗng nhiên, nhiều người có cảm giác như đang quay trở về quá khứ, háo hức xen lẫn thấp thỏm khi mong chờ một hệ máy console sắp ra mắt. Có thể nói, cảm giác này trái ngược hoàn toàn với cảm giác của các gamer sau kỳ hội chợ E3 2012 vừa rồi, một kỳ E3 có quá ít những cái tên khiến người ta trông đợi.
     
    Sở dĩ có được cảm giác như vậy, đó là vì “lời giới thiệu” của đội ngũ thiết kế OUYA đã khiến cho các game thủ có được cảm giác họ sẽ lại được chạm vào một cỗ máy chơi game đúng nghĩa. Nói “đúng nghĩa” một phần là do, những hệ thống console hiện đại như Xbox 360 hay PS3 đã không còn là những cỗ máy chơi game đúng nghĩa đen. Chúng đã dần trở thành một món đồ điện tử thiết yếu của mỗi gia đình với khả năng xem phim, nghe nhạc hay thậm chí là cả lướt web, thay vì là một món đồ chơi như trước đây.
     
    Vào năm 2011, Nielsen, sau một cuộc điều tra đã chỉ ra rằng, Xbox 360 được sử dụng vào mục đích xem phim trên Netflix còn nhiều hơn cả mục đích chính của chúng: Chơi game. Chính vì những ứng dụng mở rộng cũng như tham vọng làm trung tâm của hệ thống giải trí gia đình như vậy mà cả Microsoft lẫn Sony đã và đang phá hỏng cảm giác sở hữu một chiếc console đúng nghĩa của các game thủ.
     
     
    Để làm yên lòng các game thủ, thì rõ ràng những ông lớn phải tìm một thứ gì đó khác dành riêng cho họ. Và thế là Kinect và PS Move đã ra đời. Tuy nhiên, cái gọi là “trải nghiệm next-gen” được họ quảng cáo lại sở hữu số lần thành công rất ít, tương ứng với số lượng game ra đời. Thay vào đó, những món phụ kiện đắt tiền này luôn được miêu tả là “công cụ hút máu” game thủ của những gã khổng lồ công nghệ.
     
    Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ quên nhân vật thứ 3 trong thế “kiềng ba chân” hiện tại trên bản đồ console thế giới. Lột xác hoàn toàn với Wii, Nintendo cũng là người đầu tiên dám đi đầu với sự ra đời của Wii U, chiếc máy console thế hệ thứ 8 đầu tiên sẽ ra mắt vào khoảng cuối năm nay. Có thể nói, “cuộc cách mạng” mang tên Wii (tên mã Revolution) chính là lý do sâu xa khiến cho Microsoft và Sony lần lượt ra mắt Kinect và PlayStation Move.
     
     
    Dự kiến, khi ra mắt, có thể Wii U sẽ sở hữu nền đồ họa tốt hơn một chút so với Xbox 360 hoặc PlayStation 3. Tuy nhiên, giống như mọi thiết bị của Nintendo, đồ họa không bao giờ là mối quan tâm hàng đầu của Satoru Iwata cùng các cộng sự. Tuy nhiên, những người bi quan vẫn còn hoài nghi, liệu rằng chiếc controller với màn hình cảm ứng của Wii U có đem lại sự hứng khởi đến căn phòng của họ, giống như những người tiền nhiệm NES hay SNES làm được 30 năm về trước hay không.
     
     
    Quay trở lại với OUYA, gã tân binh tưởng chừng vô danh bỗng chốc trở thành dự án “hot” vài ngày qua. Vấn đề đầu tiên nằm ở hệ điều hành. Những người sử dụng smartphone đều đã biết chất lượng của những tựa game trên nền Android (OUYA sử dụng Android 4.0) ra sao. Đó mới là chất lượng hiển thị trên màn hình 4 inch. Vậy khi hiển thị trên màn hình HD 60 inch, OUYA sẽ có chất lượng đồ họa như thế nào? Chưa kể, một công ty vô danh trên bản đồ ngành công nghiệp game thế giới, với chiếc console trị giá 100USD liệu sẽ chống chọi thế nào với những cái tên đang tung hoành thị trường. Thêm vào đó, những cái tên nêu trên đều sở hữu nền tảng phần cứng mạnh mẽ, trong khi OUYA chỉ sở hữu hệ thống phần cứng mạnh hơn những chiếc smartphone hiện đại một chút xíu?
     
    Tuy nhiên, vẫn có những điều từ OUYA khiến cho gamer phấn khích. Đầu tiên chính là sự tập trung của đội ngũ phát triển tới những tựa game có chất lượng. Khi PlayStation 3 ra mắt vào cuối năm 2006, Sony đã tự bắn một phát súng vào chân họ khi cỗ máy của họ mạnh tới mức ít có studio nào khai thác hết được sức mạnh phần cứng, thêm vào đó là những sản phẩm chất lượng phải mất quá lâu để có thể ra mắt. Lấy ví dụ, ban đầu Metal Gear Solid 4 dự kiến ra mắt vào năm 2007, nghĩa là ngay sau khi PS3 có mặt trên thị trường không lâu. Tuy nhiên mãi đến đầu năm 2008, Hideo Kojima mới thông báo rằng tựa game của ông đã hoàn thành, và đến tháng 6 năm 2008, người hâm mộ điệp viên Solid Snake mới được chính thức chạm tay vào tựa game họ mong đợi.
     
     
    Trong khi đó, cả người sử dụng lẫn nhà phát triển ứng dụng cho OUYA đều không phải lo lắng về vấn đề nói trên. OUYA có thể được mô tả là một “món quà Giáng Sinh” gửi đến những nhà thiết kế game. Chính bản thân chiếc máy đã là một bộ SDK (bộ công cụ phát triển) với khả năng tùy biến tự do nhờ vào việc sử dụng HĐH mã nguồn mở. Mặc dù việc cho phép tùy chỉnh thiết bị theo ý muốn của người sử dụng sẽ là hơi mạo hiểm, nhưng đó cũng sẽ là công cụ đắc lực cho những nhà phát triển game độc lập với những ý tưởng độc đáo của họ. Chưa biết chừng, phần tiếp theo của những tựa game như Braid, Super Meat Boy hay cả Lone Survivor sẽ có mặt trên hệ máy này trong tương lai gần.
     
    Một điều nữa từ OUYA khiến cho người sử dụng cảm thấy an tâm, đó là trên trang web KickStarter, người ta hầu như không thể tìm thấy bất kỳ thông tin nào về Hulu, Netflix hay bất kỳ ứng dụng nào khác ngoài việc chơi game. Nói một cách khác, OUYA đã đưa khái niệm console trở về đúng với nghĩa đen: Một hệ thống chỉ phục vụ cho nhu cầu chơi game.
     
     
    Có thể là hơi liều lĩnh khi nhận định rằng: Nếu OUYA thành công cả về mặt tài chính lẫn công nghệ, thì nó sẽ đưa chúng ta vào một thời kỳ vàng thứ 2 của ngành giải trí tương tác, việc mà cả 3 ông lớn nêu ở đầu bài viết đều không thể làm được. Tuy nhiên, trong cuộc sống, điều gì cũng có thể xảy ra. Đó có thể cũng là điều mà hơn 24 nghìn người tham gia quyên góp tiền ủng hộ dự án OUYA hy vọng.
     
    Con số 2,6 triệu USD chỉ trong 24 giờ là cực kỳ ấn tượng với một đội ngũ không có tên tuổi, điều hành một dự án “vô danh” như OUYA. Thế nhưng, một khi đã bước chân vào bản đồ game, bước chân vào cuộc chơi của những kẻ chuyên nghiệp, thì rõ ràng con số này chẳng nói lên điều gì. Khi Nintendo bắt đầu bán Wii, chỉ trong 2 ngày đầu tiên, tính riêng thị trường Nhật Bản, ông lớn xứ Hoa anh đào đã bán ra được hơn 370 nghìn chiếc máy, thu về khoảng 80 triệu USD. Ấy là chưa tính tới con số 190 triệu USD trong tuần đầu tiên Wii ra mắt thị trường Bắc Mỹ. Nếu OUYA có được doanh thu cũng như số lượng máy bán ra khả quan (chứ đừng dám nghĩ đến chuyện doanh thu ngang hàng Nintendo), thì đó mới là thành công thực sự của họ.
     
    Vậy kịch bản “đen tối” nhất có thể xảy đến cho OUYA là gì? Đó chính là việc dự án này sẽ đi vào vết xe đổ của những hệ máy với kết cấu mở như Envizions EVO 2 hay GamePark GP2X. Tất cả những hệ máy nói trên đều chỉ chú trọng vào mục đích chơi game, tuy nhiên không một thiết bị nào trong số chúng giành được sự quan tâm của giới gamer, và đều rơi vào tình cảnh “chết yểu”. Về phần nhóm phát triển OUYA, thành công bước đầu của họ là đã khơi dậy được sự quan tâm từ cả cộng đồng game thủ lẫn các nhà phát triển game. Còn về lâu dài, hệ máy này thành công tới mức nào, chỉ có thời gian mới có thể đem lại câu trả lời cho chúng ta.
     
    Tham khảoEngadget

    NỔI BẬT TRANG CHỦ