Thành công lớn tại Trung Quốc, Alibaba đang từng bước mở rộng sang thị trường thanh toán điện tử Đông Nam Á như thế nào?

    Nhật Anh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Với động thái mới nhất là ký thỏa thuận hợp tác với NAPAS Việt Nam, tham vọng mở rộng mạng lưới thanh toán trực tuyến Alipay của tập đoàn Alibaba ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung đang ngày càng rõ nét.

    Nhân chuyến thăm Việt Nam để truyền cảm hứng khởi nghiệp, tý phủ Jack Ma đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. (: Chân dung Napas)

    Trước NAPAS, Alibaba cũng có động thái kết nối tương tự tại thị trường khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, ban đầu Alibaba định hướng với các công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment, từ hoạt động trong thương mại và thanh toán điện tử bán buôn (đối với các doanh nghiệp) sau đó phát triển, mở rộng khai thác thị trường bán lẻ.

    Sức mạnh của Alipay ở Trung Quốc

    Năm 2004, Alibaba chính thức giới thiệu Alipay - một nền tảng thanh toán trung gian để giúp giao dịch trên sàn thương mại điện tử Taobao (cũng thuộc sở hữu của Alibaba) diễn ra thuận lợi hơn.

    Theo đó, sau khi hoàn tất quá trình đàm phán giữa hai bên, bên mua hàng sẽ tiến hành thanh toán. Nhiệm vụ của Alipay là nhận tiền từ bên mua hàng, đóng băng khoản tiền thanh toán và tiếp theo là thông báo tới bên bán hàng, đề nghị bên bán hàng tiến hành xuất hàng chuyển tới địa chỉ bên mua hàng theo như cam kết. Sau khi bên mua nhận được hàng và hoàn tất kiểm hàng, thông báo xác nhận sẽ gửi tới Alipay để gỡ băng khoản thanh toán, bên bán lúc này sẽ nhận được tiền và giao dịch hoàn tất.

    Vì giải được bài toán đau đầu trong mua sắm trực tuyến là thanh toán, Alipay nhanh chóng chiếm được niềm tin từ người dùng Trung Quốc. Đến cuối quý 4/2016, Alipay đã sở hữu 54% lượng giao dịch trên thị trường thanh toán trực tuyến Trung Quốc, trở thành nền tảng thanh toán lớn nhất thế giới, vượt qua cả Paypal.

    Thành công lớn tại Trung Quốc, Alibaba đang từng bước mở rộng sang thị trường thanh toán điện tử Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 1.

    Thâm nhập thị trường "láng giềng" Đông Nam Á

    Không dừng lại ở thị trường đại lục, Alipay còn vươn tới khu vực Đông Nam Á, nơi thị trường thương mại được đánh giá có những nét đặc trưng giống với thương mại điện tử của Trung Quốc cách đây 8 năm, khi phương thức thanh toán bằng tiền mặt lúc nhận hàng (COD) vẫn còn quá phổ biến, chiếm tới hơn 70% giao dịch.

    Cụ thể, tháng 4/2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD thâu tóm kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu Lazada hiện đang hoạt động tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

    Đúng 1 năm sau, tháng 4/2017, dịch vụ thanh toán trực tuyến HelloPay của Lazada đã hợp nhất với Ant Financial, nền tảng thanh toán trực tuyến qua di động sở hữu bởi Alibaba. Ngay sau đó, HelloPay đổi tên thành Alipay Singapore, Alipay Malaysia, Alipay Indonesia và Alipay Philippines theo tên các thị trường mà Lazada đang hoạt động.

    Để loại bớt đối thủ cạnh tranh, Ant Financial, chi nhánh tài chính thuộc tập đoàn Alibaba, hiện đang sở hữu Alipay, còn đầu tư vào Ascend Money của Thái Lan vào giai đoạn cuối 2016. Chi tiết thương vụ không được tiết lộ nhưng Ant Financial sẽ nắm 20% cổ phần của Ascend Money, đơn vị cũng hoạt động trong mảng giao dịch thanh toán trực tuyến tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác bên ngoài Thái Lan bao gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

    Tuy nhiên, mảng giao dịch thanh toán điện tử chỉ là một phần trong tham vọng của Alibaba. Ông lớn Trung Quốc này còn nhắm đến một mục tiêu lớn hơn, xây dựng hệ sinh thái trực tuyến hoàn thiện, từ quảng cáo, vận chuyển đến thanh toán.

    “Chiến lược của Alibaba Group là xây dựng cơ sở hạ tầng của nền thương mại điện tử trong tương lai. Thương mại điện tử chỉ mới là bước đầu… Hơn một nửa nguồn lực của Alibaba Group, bao gồm cả các công ty Ant Financial và Cainiao đang làm việc trong những mảng quan trọng của hệ sinh thái này, bao gồm: logistic, tài chính internet, big data, điện toán đám mây, internet di động, quảng cáo…”, nhà sáng lập Jack Ma tuyên bố vào năm 2015.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ