Thất bại với smartphone, BlackBerry nỗ lực thống trị thị trường bảo mật cho ô tô tự lái
Học được từ các thất bại với smartphone trong quá khứ, BlackBerry đang cố gắng tránh vào vết xe đổ khi tiến sang thị trường bảo mật cho xe tự lái.
Trong một vài tháng qua, những người khổng lồ trong ngành công nghệ ô tô như Baidu, Ford, Jaguar, Nvidia, Visteon và Denso đã cùng nhau chào đón một đồng minh không ngờ tới trên con đường tạo nên một chiếc ô tô tự hành tốt nhất, nhưng cũng bảo mật nhất: BlackBerry.
Grant Courville, giám đốc cấp cao về quản trị sản phẩm của BlackBerry, cho biết. “Chúng ta đang chứng kiến điều này được thừa nhận công khai. Họ không chỉ lựa chọn chúng tôi, mà họ còn đang nói điều đó với thế giới.” Mục tiêu cuối cùng của công ty là gì: trở thành một hệ điều hành cho mọi chiếc ô tô có khả năng kết nối.
BlackBerry, nhà sản xuất smartphone huyền thoại – một thời là sự lựa chọn hàng đầu cho các chính phủ trên thế giới bởi khả năng bảo mật cao cấp trong phần mềm của họ - đã trượt dài khỏi vinh quang, bắt đầu từ năm 2011-2012, khoảng thời gian mà chiếc iPhone của Apple bắt đầu nổi lên chiếm lĩnh thị trường. Ở thời điểm đỉnh cao của sự nổi tiếng, vào giữa năm 2008, giá cổ phiếu BlackBerry đạt mức 148 USD. Đến tháng Chín năm 2012, nó tụt xuống chỉ còn 6,22 USD. Ngày nay, mức giá dao động trong khoảng 10 USD mỗi cổ phiếu.
Quá trình phục hồi chậm chạp và đều đặn, bắt đầu với thương vụ thâu tóm công ty phần mềm QNX tại Ottawa vào năm 2010. Vào thời điểm mua lại, QNX thuộc sở hữu của Harman International, nhà sản xuất những chiếc loa Harman Kardon và JBL nổi tiếng. Thời điểm đó, các ô tô tự hành còn chưa phổ biến trong mắt người dùng.
Nhưng đó có thể là số tiền 200 triệu USD khôn ngoan nhất mà BlackBerry từng chi ra.
BlackBerry từng có vị trí đầu tàu không thể tranh cãi với sự nổi lên của smartphone. Ngày nay họ cũng đang có một vị trí tương tự như vậy với ngành công nghiệp ô tô – nhưng giờ, không giống như trước đây, họ quyết định ngăn chặn khả năng các đối thủ cạnh tranh có thể tiến công vào thị phần của mình.
Giữ độc quyền công nghệ và chậm đổi mới: sai lầm chết người của BlackBerry trong quá khứ
Vào đầu năm nay, CEO John Chen thông báo rằng, nhà sản xuất di động một thời này đã không còn ở chế độ quay vòng nữa (turnaround mode) – nghĩa là họ đã thành công và có được lợi nhuận trong việc dịch chuyển hoạt động kinh doanh từ phần cứng sang phần mềm và các dịch vụ an ninh mạng. Kết hợp khả năng bảo mật và chuyên môn về thiết bị di động của BlackBerry cùng với hệ điều hành nhúng theo thời gian thực của QNX, công ty giờ đang tập trung mạnh mẽ vào các thiết bị kết nối và tự hành.
Tuy nhiên liệu họ có đủ sức ngăn chặn được các đối thủ cạnh tranh của mình hay không vẫn là điều cần phải xem xét. Sean Silcoff, một phóng viên người Canada, đồng tác giả với Jacquie McNish cho cuốn sách “Losing the Signal: The Untold Story Behind the Extraordinary Rise and Spectacular Fall of BlackBerry”, cho rằng, nhiều điều kiện cạnh tranh mà công ty đang phải đối mặt vốn là những điều rất quen thuộc.
“Khi họ bắt đầu đưa ra dịch vụ dữ liệu không dây, họ đang bước vào một thị trường đã có trật tự và rất đông đúc.” Silcoff cho biết. “BlackBerry không hề sợ hãi, nhưng cũng tự tin rằng họ có một giải pháp tốt hơn – và quả thật, họ không đạt được kết quả nào trong việc trở thành như một ứng dụng xuất sắc trong thời kỳ đầu của nền kinh tế internet, email không dây.”
Sai lầm chết người của họ là đánh giá quá cao thị trường doanh nghiệp, đánh giá quá thấp nhu cầu truy cập email di động của số đông người dùng thông thường, và không phản ứng kịp khi Apple và Google thay đổi các mô hình kinh doanh của thị trường smartphone. BlackBerry cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như vậy trong ngành ô tô.
Hệ điều hành cho ô tô tự hành mang thương hiệu BlackBerry
Bên trong trụ sở chính của công ty tại Ottawa, một nhóm các kỹ sư bận rộn xung quanh một garage với ba chiếc ô tô “tự hành” và một đống các máy tính lộn xộn. Nhưng đây lại là nơi phép màu xảy ra.
Chiếc ô tô nằm trong garage đó là chiếc Lincoln MKZ năm ngoái từng xuất hiện trước công chúng trong bài thử nghiệm khả năng tự lái của nó ở Canada. Nhà phát triển phần mềm David van Geyn bật cốp của nó lên. Với đầy đèn và dây nối bên trong, cùng với cảm biến Velodyne LIDAR gắn ở trên nóc xe, khó có thể xem đây là chiếc xe tự hành mà mọi người thường tưởng tượng.
BlackBerry – hay BlackBerry QNX, tên gọi chính thức của hãng hiện tại – đang ở trong tình trạng đau đớn khi phải chia tách bộ phận sản phẩm và dịch vụ với nhau để mang lại cơ hội thương mại hóa tốt hơn.
“Chúng tôi có nhiều chuyên môn và công nghệ vốn có truyền thống hướng vào bên trong.” Courville, người bắt đầu làm việc với QNX từ những năm 80 với vai trò là nhà phát triển phần mềm, giải thích. “Chúng tôi đang thay đổi điều đó và đưa các dịch vụ bảo mật của BlackBerry ra với ngành công nghiệp ô tô.” Ông cũng đưa ra ví dụ là các bài kiểm tra khả năng xâm nhập, lỗ hổng phần mềm, tình trạng bảo mật và tư vấn kiến trúc.
Đây là một phần trong quá trình kéo dài, trong đó công ty phát triển công nghệ tốt nhất của mình, và phần tốt nhất của QNX sẽ kết hợp với chúng trong các sản phẩm ô tô. Courville chỉ ra rằng các bản cập nhật phần mềm OTA (over the air) và công cụ an ninh Jarvis mà công ty mới giới thiệu gần đây, sẽ quét và xác định các lỗ hổng của phần mềm.
“Một số CEO nhận ra rằng họ sẽ kiếm được số tiền nhiều gấp 10 lần trên ô tô bằng cách đưa ra dịch vụ sau bán. Đây không phải là các dịch vụ cơ khí trong garage như bình thường, tôi đang nói tới các dịch vụ phần mềm, dịch vụ kết nối. Chúng phải có mặt để đưa phần mềm vào trong ô tô một cách thuận tiện.” Ông cho biết.
OTA và bảo mật là các thị trường nóng bỏng. Colin Bird, nhà phân tích công nghệ cấp cao của hãng IHS Markit, cho rằng đây là một trong những lĩnh vực chủ chốt nhất mà BlackBerry có thể tạo ra ảnh hưởng, “nhưng cho đến nay, không điều nào trong số những lĩnh vực này được đưa vào trong một chiếc ô tô thương mại.” Với hệ điều hành của mình, Bird cho rằng, BlackBerry sẽ phải tự bảo vệ bản thân trước các đối thủ như Green Hills Software, IBM, Irdeto và các công ty khác.
Mở cửa phần mềm với các nhà sản xuất ô tô
Theo Courville, cho đến nay nhiều đối thủ cạnh tranh của BlackBerry QNX vẫn đang tiếp cận với nó từ quan điểm độc quyền. Vấn đề lớn nhất ở đây là – cũng tương tự như với các ô tô “dumb car” – một chiếc ô tô tự hành đơn lẻ sẽ chứa các linh kiện từ hàng trăm nhà cung cấp. Khi không ai ngồi phía sau tay lái, một điều tối quan trọng alf tất cả các bộ phận này phải tự động vận hành thống nhất với nhau.
“Nếu nó có tính chất độc quyền, sẽ không có cách nào để (kết nối các xe ô tô) một cách hiệu quả, an toàn và bảo mật.” Courville cho biết.
Tất nhiên giải pháp của BlackBerry QNX về bản chất cũng độc quyền, cho dù nó có nghĩa là họ sẽ đóng vai trò như một nền tảng duy nhất cho tất cả các thành phần hoạt động trên đó như trong một dàn nhạc. Về cơ bản, Courville cho biết. “Chúng tôi muốn trở thành một hệ điều hành cho ô tô.”
Công ty đang làm việc để định vị bản thân như một người thiết lập nên các tiêu chuẩn về ô tô thế hệ kế tiếp, như họ đã từng làm trước đây với điện thoại di động – và như QNX đã làm cho các hệ thống coi trọng an toàn khác, bao gồm bộ tiếp sóng mặt đất, hệ thống giám sát lò phản ứng hạt nhân, và giám sát bệnh nhân. Tháng trước, công ty đã công bố một bộ 7 khuyến cáo dành cho an ninh mạng trên ô tô.
“Đây là điều chúng ta cần khi nghĩ về bảo mật.” Courville cho biết. “Nó không thể là một suy nghĩ khi mọi sự đã rồi. Nó không phải là một bản vá cho việc bạn sắp làm gì đó. Để làm đúng, bạn phải làm nó đúng ngay từ thiết kế, ngày từ ngày đầu tiên, ngay từ việc sản xuất chip.”
Cho đến nay, hàng loạt ông lớn với tham vọng tiến vào lĩnh vực ô tô tự lái đã hợp tác với BlackBerry về lĩnh vực phần mềm và dịch vụ phần mềm, như Baidu sẽ sử dụng QNX làm hệ điều hành của Apollo, nền tảng trí tuệ nhân tạo Baidu xây dựng cho ô tô tự lái, ngoài ra các hãng như Jaguar và Rover cũng đang thử nghiệm Jarvis để tự động quét và phát hiện lỗi trong phần mềm xe tự lái.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iOS 18.1 "mở khóa" tính năng được người dùng iPhone tại Việt Nam mong chờ từ lâu
Tất cả mọi thiết bị iOS 18 sẽ đều hỗ trợ tính năng này.
Cách NASA sửa lỗi thành công cho tàu Voyager 1 đang bay cách Trái Đất 24,6 tỷ kilomet