Thất bại với smartphone, Intel quyết phục thù trên mặt trận giá trị 191 tỷ USD

    Ngocmiz,  

    Công cuộc cách tân lại mình liệu có giúp Intel giành được phần thắng trên thị trường chip và điện toán khốc liệt?

    Khi Intel công bố quyết định sa thải 12.000 nhân viên trong nỗ lực tái cơ cấu công ty thời kỳ máy tính cá nhân đã bão hòa, vẫn còn một mảng đáng lưu ý mà báo giới ít nhắc đến: điện thoại di động.

    Các báo đều đưa tin hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới đã cắt giảm 11% nhân lực toàn cầu “trong tiến trình tăng tốc cho cuộc cách mạng chuyển dịch công ty từ một nhà sản xuất chip máy tính sang thành một gã khổng lồ về điện toán đám mây và các thiết bị thông minh.” Thế nhưng những bài báo này không hề đề cập gì đến mảng sản xuất smartphone của công ty, có chăng chỉ gộp chung vào “các thiết bị thông minh” nhưng không nói rõ là gì.

    Để làm rõ điều này, bạn phải hiểu Intel thực chất không phải một hãng sản xuất PC hay smartphone mà là một công ty điện toán đám mây.

    Cho dù bạn có nghĩ sao về cái tên mới này thì Intel cũng thực sự có một bước đệm vững chãi trong lĩnh vực này rồi. Theo báo cáo của Forrester Research, điện toán đám mây, cách thức cho phép các doanh nghiệp xây dựng và vận hành một lượng lớn các phần mềm mà không cần cài đặt máy chủ hay trung tâm dữ liệu của riêng mình, là một thị trường có giá trị được dự đoán sẽ đạt tới 191 tỷ USD vào năm 2020. Và chính Intel là nhà cung cấp các bộ chip xử lý trong hàng trăm ngàn máy chủ đang vận hành các dịch vụ điện toán đám mây trên thế giới, bao gồm cả các máy chủ của Amazon, Google và Microsoft.

    Cứ cho là thị trường PC đang đi đến đường cùng thì Intel cũng đã là một nhà sản xuất chip máy tính và smartphone cực kỳ thành công. Lẽ đương nhiên Intel có quyền tái cơ cấu chính mình thành một công ty dịch vụ điện toán đám mây – và theo như báo chí đưa tin – có thể là một trung tâm dữ liệu khổng lồ. Trên thực tế, Intel đã chiếm phần áp đảo tất cả các trung tâm dữ liệu toàn câu chứ không phải chỉ các trung tâm dữ liệu của vài ông lớn về điện toán đám mây. Theo số liệu của IDC, Intel hiện đang kiểm soát tới 99% thị phần chip cho các máy chủ trên toàn thế giới, và nay đã đến lúc Intel nổi lên giành quyền thống trị.

     Cơ cấu thị phần điện toán đám mây hiện nay - Intel vẫn chưa thực sự cất bước

    Cơ cấu thị phần điện toán đám mây hiện nay - Intel vẫn chưa thực sự cất bước

    Trong tương lai chip Intel có còn được ưu ái?

    Intel đang thấy trước tương lai tiêu dùng sẽ đi về đâu (chuyển dịch từ PC sang các thiết bị như smartphone hay tablet), và hãng cũng thấy trước sự chuyển dịch trong cách thức vận hành của các doanh nghiệp (đưa hết dữ liệu lên “mây” khi các doanh nghiệp muốn phổ cập dịch vụ của họ trên smartphone và tablet). Tuy nhiên, cùng lúc đó, hãng cũng nhận ra rằng mình không có thế mạnh về sản xuất smartphone.

    Cho dù chắc chắn công ty vẫn sẽ cố gắng sản xuất các con chip và các thiết bị kết nối mạng nhưng ít nhất sau khi sa thải một loạt nhân viên, Intel cũng hiểu rằng hãng không thể xây dựng hình ảnh của mình là một nhà sản xuất smartphone được. Đây là một cơ hội Intel đã bỏ lỡ từ nhiều năm nay.

    Về mảng IoT (các thiết bị thông minh kết nối Internet) thì Intel lại chưa hề bị bỏ xa. Tuy nhiên tương lai mảng công nghệ này vẫn chưa được định hình nên ít nhất ở thời điểm hiện tại thật khó nói trước Intel sẽ đi đến đâu với nó. Theo lời Patrick Moorhead, chủ tịch đồng thời là chuyên viên phân tích của Moor Insights and Strategy, công ty nghiên cứu đã dõi theo từng bước phát triển của Intel thì “Hiện tại chưa có bên nào thực sự mạnh về IoT cả”. Có thể thấy Intel đã khá thành thực khi nhận định “điện toán đám mây và IoT sẽ là các mảng kinh doanh lớn nhất của Intel trong tương lai.”

    Thế nhưng ngay cả trong địa hạt điện toán đám mây, Intel cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các ông lớn khác. Hiện các gã khổng lồ công nghệ, bao gồm cả những cái tên nổi danh trong mảng điện toán đám mây đều đang chạy đua phát triển một công nghệ AI mới là deep learning. Đây là công nghệ đứng sau tất cả những thao tác thông minh từ nhận diện hình ảnh, giọng nói cho đến cỗ máy tìm kiếm của Google. Tuy nhiên, deep learning lại phụ thuộc vào các chip xử lý đồ họa (GPU) – thứ mà Intel không thực sự cung cấp.

    Chính vì vậy mà Intel cung cấp giải pháp thay thế - một loại chip được gọi là FPGA. Thế nhưng hiện nay, GPU vẫn là nền tảng của công nghệ AI. Và khi AI ngày càng trở nên phổ biến, vị thế của Intel sẽ ngày càng suy giảm trước các đối thủ sản xuất GPU như nVidia. Nỗ lực thay đổi mình của Intel là rất đáng ghi nhận, nhưng tương lai vị thế của hãng sẽ ở đâu trên bản đồ điện toán đám mây thì chưa ai có thể nói trước.

    Tham khảo Wired

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ