Thế khó của các Ví điện tử MoMo, Zalo Pay,.. khi cá cược online nở rộ
Việc các website, ứng dụng cá cược online lợi dụng giao dịch qua các ví điện tử làm căn cứ xác định thắng thua và trả thưởng đang khiến cho các ví điện tử đau đầu chạy theo tìm cách đối phó.
- Ra mắt GPT-4 Turbo mới, thông minh hơn, chi phí thấp hơn, tùy biến cao hơn, OpenAI đang cách mạng hóa cả ngành AI
- Cuộc chiến YouTube với adblock "tăng nhiệt", lộ rõ quyền lực kiểm soát internet của Google
- Hứa hẹn mang trải nghiệm ChatGPT lên smartphone, Samsung giới thiệu mô hình AI tích hợp ngay trên thiết bị
- Phó Giám đốc tiếp thị Apple: 8GB RAM trên Mac tương đương 16GB trên PC
- Pangea Ultima: Siêu lục địa trong tương lai của Trái Đất
Thời gian qua, các hình thức cá cược online liên tục nở rộ trên không gian mạng thông qua các website và ứng dụng. Các đối tượng tổ chức cá cược (thường gọi là nhà cái) lợi dụng việc thực hiện giao dịch qua các ví điện tử phổ biến và có nhiều người dùng như Momo, Zalo Pay,…
Theo đó, chỉ cần tìm kiếm một số cụm từ như “tai xiu online, ca cuoc online,…” trên trang tìm kiếm google sẽ được trả về một loạt kết quả trên Top tìm kiếm (thường được tài trợ) về các website và ứng dụng sử dụng ví điện tử để cá cược online.
Thông thường, nhà cái sẽ sử dụng hàng loạt tài khoản ví điện tử để nhận chuyển tiền và căn cứ vào các lệnh chuyển tiền của người chơi để lấy các mã tham chiếu, hoặc mã thời gian giao dịch (sau khi ví điện tử Momo nâng cấp phiên bản cho người dùng xem trước mã giao dịch) để làm căn cứ xác định thắng thua và trả thưởng.
Bảo mật thông tin cá nhân - nguyên nhân gốc rễ vấn đề?
Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế số hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia, sự phát triển của các ứng dụng ví điện tử cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán là một tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, sự nở rộ của các hình thức cá cược online đang làm đau đầu các doanh nghiệp vận hành ví điện tử cũng như các cơ quan quản lý nhà nước khi các đối tượng vi phạm ngày càng lợi dụng trình độ và kỹ năng cao về công nghệ của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước tình trạng trên các chuyên gia cho rằng, để giải được bài toán khó nói trên cần chỉ ra được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để từ đó có những giải pháp căn cơ, gắn trách nhiệm với từng chủ thể liên quan từ người dùng, doanh nghiệp đến chức năng quản lý giám sát của các cơ quan nhà nước.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, thông tin cá nhân của người dân gồm cả số điện thoại, tài khoản ngân hàng,… không chỉ bị các đối tượng xấu lợi dụng để tổ chức cá cược online trái phép mà còn được dùng để tổ chức nhiều hình thức lừa đảo khác như kêu gọi đầu tư chứng khoán quốc tế, làm việc online,…
Theo đánh giá của các chuyên gia, "gốc rễ" của vấn đề trên đến từ tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân khiến các đối tượng xấu dễ dàng có được danh tính của người dùng thông qua việc đánh cắp hoặc mua bán trái phép.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay của Việt Nam rất nghiêm trọng. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên nhân của tình trạng trên gồm yếu tố, thứ nhất, do tội phạm để xâm nhập, đánh cắp các dữ liệu cá nhân rất lớn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá thấy ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu này chưa cao. Cụ thể, người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho các người khác, cho các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự.
Theo đó, việc các đối tượng xấu dễ dàng có được thông tin cá nhân của người dân có thể là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng cá cược online lợi dụng ví điện tử nở rộ.
Theo chia sẻ của đại diện ví điện tử MoMo với MarketTimes, các ngân hàng và ví điện tử có số lượng người dùng nhiều, trong đó có MoMo đang bị lạm dụng với số lượng lớn vì giao dịch ổn định, có thể xử lý dữ liệu với quy mô lớn và phản hồi giao dịch nhanh chóng. Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng số lượng lớn tài khoản chính chủ thông qua mua bán hoặc giả mạo danh tính, đồng thời sử dụng thiết bị giả lập ứng dụng ngân hàng, ví điện tử trên máy tính để tự động nhận tiền cược, quét mã giao dịch và trả thưởng cho người chơi.
Ví điện tử đã làm gì?
Trả lời câu hỏi của MarketTimes về việc doanh nghiệp vận hành ví điện đã có những động thái nào nhằm hạn chế và đối phó với tình trạng các nhà cái đang sử dụng chính nền tảng của ví điện tử để cá cược online, đại diện MoMo cho biết bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan công an điều tra, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm cũng như các vụ án đã khởi tố thì doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhiều nguồn lực nhằm nâng cao năng lực công nghệ để hạn chế bị lợi dụng.
Cụ thể, theo vị đại diện MoMo, doanh nghiệp vận hành ví điện tử này thời gian qua đã đầu tư nghiên cứu nhiều giải pháp công nghệ, cùng với hơn 100 chuyên gia và kỹ sư, với chi phí rất lớn lên đến hàng chục tỷ đồng trong hơn 1 năm từ tháng 12/2021 đến tháng 02/2023.
“Đây là một vấn đề rất thách thức vì các đối tượng tội phạm dựa vào mã giao dịch chuyển tiền của ví điện tử để đánh bạc, nếu hủy bỏ thì không thể phân biệt các loại giao dịch, không thể thực hiện tra soát giao dịch trên toàn bộ hệ thống”, đại diện MoMo cho biết.
Cũng theo vị đại diện MoMo, ngày 18/2/2023, MoMo đã thay đổi quy trình nghiệp vụ, nâng cấp ứng dụng MoMo lên version 4.0.16. Trong bản nâng cấp này, ứng dụng sẽ hiển thị mã giao dịch cho người gửi trước khi họ thực hiện giao dịch, thay vì hiển thị sau như trước đây. Đồng thời, chúng tôi đã mua bản quyền và tích hợp công nghệ v-key vào hệ thống để ngăn chặn các đối tượng cờ bạc sử dụng thiết bị giả lập để truy cập vào ứng dụng và quét mã giao dịch tự động nhằm mục đích cá cược.
“Sau khi triển khai các biện pháp nêu trên, đặc biệt là việc nâng cấp hệ thống và hiển thị trước mã giao dịch trên ứng dụng, thông qua rà soát mạng xã hội và các trang web có liên quan, chúng tôi ghi nhận hầu hết các hoạt động cờ bạc theo hình thức cá cược chẵn lẻ quy mô lớn về cơ bản đã bị ngăn chặn, loại trừ. Đồng thời, MoMo cũng không nhận được bất kỳ phản ánh hay thông tin nào từ các cơ quan công an về hoạt động cá cược chẵn lẻ sử dụng mã giao dịch của công ty”, đại diện MoMo thông tin.
Liên quan đến vấn đề tình trạng cá cược online lợi dụng các ví điện tử để hoạt động nở rộ, trước đó, thông tin với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dù các đơn vị trung gian thanh toán không có nghĩa vụ và không kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng, nhưng không vì thế mà buông lỏng việc kiểm tra, giám sát. Các đơn vị phải có trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các giao dịch, tài khoản bất thường. Chẳng hạn, một tài khoản bình thường không thể nhận chuyển tiền từ hàng nghìn tài khoản khác được. Khi có những giao dịch như thế, các đơn vị phải kiểm tra ngay. Việc mở tài khoản cũng cần được xác minh kỹ càng, không thể cho đua nhau mở. Trong trường hợp, các đơn vị trung gian hợp tác cung cấp dịch vụ cho các sòng bạc và được hưởng lợi từ việc này, cơ quan chức năng cần truy cứu trách nhiệm.
Thế khó của doanh nghiệp vận hành ví điện tử
Thực tế cho thấy, sau khi MoMo nâng cấp hệ thống và hiển thị trước mã giao dịch trên ứng dụng, một số nhà cái cũng nhanh chóng “nâng cấp” cách thức cá cược, sử dụng mã thời gian giao dịch để làm căn cứ xác định thắng thua.
Phản hồi về thông tin trên, đại diện MoMo cho rằng hiện nay các đối tượng phạm tội có kiến thức, trình độ công nghệ cao, sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi để tổ chức hoạt động cờ bạc, đồng thời các hình thức cờ bạc mới liên tục xuất hiện. Thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng người dân cho đối tượng vi phạm thuê, mượn danh tính, giấy tờ để mở tài khoản ngân hàng, Ví điện tử…, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xác thực khách hàng.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp không có thẩm quyền và chuyên môn trong việc xác minh, phòng chống tội phạm. Việc phải liên tục chạy đua với các đối tượng phạm tội khiến doanh nghiệp phải đầu tư các giải pháp kỹ thuật tốn kém, đồng thời đòi hỏi nhiều nhân lực cũng như thời gian triển khai, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như trải nghiệm của người dùng. Việc tội phạm lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán và các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện hành vi vi phạm sẽ dẫn đến suy giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Đảng và Nhà nước”, đại diện MoMo cho biết.
Cũng theo đại diện Ví điện tử MoMo, dù doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn có nhiều biện pháp lợi dụng ví điện tử để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật như sử dụng danh tính, giấy tờ và tài khoản ngân hàng thuê, mượn của người dân tạo lập nhiều tài khoản ví điện tử, gây khó khăn cho việc xác minh vi phạm.
“MoMo kiến nghị với các cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét phương thức nào đó phù hợp có thể cho phép các doanh nghiệp trung gian thanh toán, ví điện tử kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để giúp cho việc định danh điện tử, xác thực thông tin người dùng nhanh chóng và chính xác, góp phần rà soát và ngăn chặn được các tài khoản và giao dịch đáng ngờ, tăng tính hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm công nghệ”, đại diện MoMo nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI