Thị trường bán dẫn là chiến trường đẫm máu, nhưng vì sao các hãng smartphone vẫn cứ nhảy vào tự làm chip riêng?
Nhắc đến thị trường chip là nhắc tới một tử địa, nơi số phận của các công ty thậm chí còn bấp bênh hơn nhiều lần so với mặt bằng chung của thị trường hi-tech vốn đã luôn thay đổi như vũ bão.
Năm 2017, trong số các tên tuổi smartphone lớn, chỉ có HTC, Sony và OPPO là chưa tham gia vào cuộc đua tự thiết kế/sản xuất chip di động. HTC và Sony thì vẫn đang gặp khó khăn tài chính, còn OPPO trước nay thực tế không chạy đua cấu hình mà sử dụng marketing và các "danh hiệu camera" thật kêu để hút người dùng hạn hẹp chi phí.
Tất cả các ông lớn khác đều đang chạy đua chipset cùng nhau. Apple trước nay vẫn tự tùy biến ARM, nay còn muốn tự thiết kế GPU riêng. Huawei đã có chip Kirin dùng cho các mẫu đầu bảng dòng P. Xiaomi cũng đã có chip tầm trung Surge S1 và nay đang muốn tạo ra chip "cao cấp" hơn. LG được cho là sẽ tự thiết kế chip và thuê Intel gia công, còn Samsung thì đã có Exynos ngay từ tận 2010. Samsung còn gia công chip Apple A và Qualcomm Snapdragon - thực tế, gã khổng lồ đã là một thế lực bán dẫn từ trước khi Steve Jobs nghĩ ra ý tưởng iPhone.
Trào lưu tự thiết kế chip là rất rõ ràng, nhưng các hãng cũng hiểu rằng họ đang bước chân vào một chiến trường cực kỳ khốc liệt.
3 câu chuyện đau lòng
Bạn chắc hẳn vẫn còn nhớ cách đây 4 năm, khi Apple thực hiện bước tiến lên 64-bit, Qualcomm buộc phải hủy bỏ toàn bộ các dự án 32-bit đang tiến hành và vội vã thực hiện bước tiến cho chính mình. Kết quả là mẫu chip 64-bit đầu tiên của Qualcomm, Snapdragon 810 liên tiếp gặp phải các sự cố quá nhiệt khiến cho Sony, Xiaomi, HTC và LG (dùng chip "hạng hai" Snapdragon 808 cho mẫu đầu bảng G4) điêu đứng. Lợi nhuận của Qualcomm trong năm đó sụt giảm tới 40%.
Một ví dụ khác: Imagination Technologies vừa chứng kiến giá trị vốn hóa của mình bốc hơi 75% chỉ trong vòng 1 ngày. Lý do: Apple, đối tác thuê Imagination Technologies phát triển GPU cho iPhone và iPad đã quyết định sẽ tự phát triển GPU của riêng mình.
Đây chỉ là 2 ví dụ trong số rất, rất nhiều câu chuyện bi thảm đã xảy ra với các công ty thiết kế/gia công chip. Bạn có biết ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu từng chịu sức ép mạnh mẽ từ phía Nhật Bản vào cuối thập niên 1980, nhưng chỉ đến đầu thập niên 2000 là Đất Nước Mặt Trời Mọc đã phải ngồi xuống... chiếu dưới của ngành chip? Đứng trước các chính sách chống phá giá của Mỹ, xu hướng chuyển dịch chống "số hóa văn phòng" cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ của Đài Loan và Hàn Quốc, 3/4 trong bộ tứ Hitachi, NEC, Toshiba và Fujitsu biến mất khỏi top 10 thế giới.
Rủi ro lớn
Nếu bạn chọn ra một lĩnh vực khắc nghiệt nhất của cả thế giới hi-tech thì câu trả lời chắc chắn sẽ là bán dẫn. Thành phẩm của ngành công nghiệp này - những con chip - thường không phải là sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng và do vậy sẽ thường có tỷ lệ lãi/giá bán hấp dẫn. Mặt khác, các công ty thiết kế chip sẽ phải tốn rất nhiều chi phí vào các vấn đề bản quyền và nhân công. Bạn không thể đào tạo một chuyên gia về bán dẫn chỉ trong vòng 4 năm đại học.
Còn các công ty trực tiếp sản xuất hoặc gia công chip sẽ phải chịu chi phí và rủi ro cực kỳ cao khi vận hành nhà máy. Ví dụ điển hình: AMD. Dù sản phẩm của AMD trong suốt 15 năm qua đã luôn đủ sức cạnh tranh với Intel, tình hình tài chính của công ty này chưa bao giờ khởi sắc vì luôn phải "đốt" quá nhiều chi phí vào các nhà máy đặt tại Mỹ, Malaysia và Đức.
Đó là còn chưa kể đến rủi ro cực kỳ cao. Bất cứ một vấn đề nào xảy ra trên dây chuyền nhà máy đều có thể khiến tỷ lệ thành phẩm bị trồi sụt bất thường, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đầu ra. Điều này lý giải vì sao sau khi chip đã thành hình, các công ty mới bắt đầu tiến hành kiểm thử. Nếu con chip hoạt động ổn định và chịu được nhiệt tốt hơn/đạt xung nhịp cao hơn, họ sẽ gán cho nó mã hiệu cao hơn. Ngược lại, những con chip không ổn định bằng sẽ bị gán xung nhịp thấp hơn và chịu giá bán thấp hơn nữa.
Một rủi ro khác là khả năng thích ứng với thị trường. Nhắc đến các nhà máy chip là nhắc đến chi phí vận hành hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nếu nhu cầu bỗng dưng giảm sút, nếu một bạn hàng quan trọng bỗng dưng giảm đơn hàng, hậu quả sẽ là cực kỳ khủng khiếp.
Vậy tại sao gần như tất cả các hãng smartphone đều muốn sản xuất chip?
Câu trả lời có lẽ không nằm ở chi phí hay giá cả, mà là ở mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường smartphone.
Đầu tiên, sản xuất chip riêng cũng đồng nghĩa với thông điệp rằng "Chúng tôi đủ 'siêu' để có một con chip của riêng mình". Chip tự thiết kế có thể coi là một tấm huy chương về mặt công nghệ và do đó mang lại lợi ích marketing rõ rệt.
Tiếp đến, một con chip tự thiết kế hoàn toàn có thể tạo ra những lợi ích thực tế cho smartphone. Ví dụ điển hình là iPhone: chip của Apple hiện tại có hiệu năng nhân đơn thậm chí ngang ngửa với Xeon của Intel. Trong khi Google vẫn chưa thể tìm ra cách để giúp các ứng dụng Android có thể tận dụng hiệu năng đa nhân một cách hiệu quả, ngay cả chiếc Galaxy S8 vẫn kém hơn iPhone 7 về tốc độ khởi động ứng dụng hay thậm chí là encode video.
Quan trọng hơn, thiết kế chip là tự giành lấy số phận của mình từ tay các nhà cung ứng. Sự cố Snapdragon 810 hay mới đây là những lùm xùm xung quanh Snapdragon 835 (ra mắt chậm buộc LG phải dùng Snapdragon 820) cho thấy việc đem bộ xử lý "trung tâm" của những chiếc điện thoại con cưng đặt vào tay các thế lực bên ngoài là cực kỳ rủi ro.
Hướng đi mới cũng sẽ là một con dao hai lưỡi: lợi ích rất nhiều nhưng rủi ro thì cũng sẽ rất khủng khiếp. Việc các hãng lựa chọn theo hướng thu các con chip về quyền kiểm soát của chính mình cho thấy một sự thật quan trọng: thị trường smartphone đã cạnh tranh tới mức các ông lớn càng ngày càng phải liều lĩnh hơn. Liệu tên tuổi nào sẽ thành công hơn và tên tuổi nào sẽ ngã rất, rất đau? Hãy chờ xem.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập